
Bên lề Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Thông báo 162-TB/TƯ của Bộ Chính trị, PV Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ VH-TT, về những vấn đề mà nhiều người đang quan tâm.
- PV: Thưa ông, vấn đề mà nhiều người đang quan tâm hiện nay là thực hiện việc tự do báo chí ở nước ta như thế nào?

- Ông ĐỖ QUÝ DOÃN: Tự do báo chí là hoạt động được coi trọng. Tuy nhiên, không có một tự do nào là tự do vô hạn định, mà phải có những cơ sở, tiêu chí của nó. Cũng như khi chúng ta tham gia giao thông, tất cả đều là tự do tham gia nhưng phải tuân thủ quy định đi bên phải, đi đúng làn đường. Việc thực hiện tự do báo chí cũng như vậy.
Trong những năm qua, chúng ta đã và đang cố gắng hết sức tạo điều kiện cho việc thực hiện tự do báo chí. Luật Báo chí cũng đã nói rõ, báo chí ở nước ta không bị kiểm duyệt trước khi phát hành, phát sóng.
Đó là một sự thể hiện rất lớn của tự do báo chí. Hoặc là quyền của nhà báo được tự do hành nghề, không ai được cản trở nhà báo hoạt động đúng pháp luật.
- Thế nhưng, có một vấn đề mà nhiều người hoạt động trong lĩnh vực báo chí hiện nay còn băn khoăn, đó là ý thức cung cấp thông tin cho báo chí từ phía đối tượng, cơ quan được tiếp cận...
- Thực ra có một số quy định trong Luật Báo chí nên hiện nay trong xã hội, việc thực hiện đã có nhiều chuyển biến hơn trước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức triển khai việc cung cấp thông tin cho báo chí còn rất hạn chế.
Để xảy ra tình trạng một số cơ quan báo chí, nhà báo thông tin sai sự thật, sử dụng không phải thông tin chính thống... thì bên cạnh trách nhiệm của cơ quan báo chí, theo tôi, còn có trách nhiệm của cơ quan cung cấp thông tin. Nếu chúng ta cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính thống thì chắc chắn cơ quan báo chí không phải đi tìm những nguồn thông tin ở ngoài hoặc không chính thống.
Bởi vậy, hiện Chính phủ đã giao cho Bộ VH-TT xây dựng quy chế về người phát ngôn và quy chế cung cấp thông tin cho báo chí. Nếu quy chế này hoàn thiện, chắc chắn sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động của báo chí nước ta.
- Trong báo cáo của Bộ VH-TT vừa rồi cũng đã khẳng định việc thành lập mô hình tập đoàn báo chí để thích ứng với xu thế phát triển trong tình hình mới. Nhưng theo ông, việc ra đời các tập đoàn báo chí có trở thành gánh nặng hơn cho việc quản lý?
- Bộ VH-TT đang có chủ trương thí điểm thành lập 1-2 tập đoàn báo chí, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm về công tác quản lý. Tất nhiên, việc phát triển các tập đoàn báo chí sẽ có mặt lợi và mặt không lợi trong cơ chế mới.
Bởi vậy, bất cứ mô hình nào mới cũng đòi hỏi phải có thời gian. Nhưng chủ trương của Bộ VH-TT là ủng hộ việc này và Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý phê duyệt trong chiến lược thông tin là thử nghiệm thành lập tập đoàn báo chí.
- Hiện nay, so với cả nước thì báo chí ở khu vực TPHCM đang phát triển rất sôi động. Với tư cách một nhà quản lý báo chí, ông có ghi nhận sự kiện này không?
- Đánh giá về hoạt động của báo chí khu vực TPHCM, Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương và Bộ VH-TT đã có những nhìn nhận rất đầy đủ. Còn đối với tôi thì đây là khu vực tập trung số lượng cơ quan báo chí rất đông và cơ quan đại diện của báo chí ở Trung ương cũng rất nhiều.
Bởi vậy, hoạt động báo chí ở đây rất sôi động và thường đi trước một bước, đảm bảo được sự nhanh nhạy trong thông tin hơn so với các khu vực khác. Tuy nhiên, theo tôi thì nhanh nhạy phải đi cùng với sự chính xác nữa. Làm được như vậy, chắc chắn TPHCM sẽ luôn thể hiện là một trung tâm có những hoạt động báo chí lớn và sôi động như trong thời gian vừa qua.
- Trong thời gian qua, một điểm nổi bật trong hoạt động của báo chí là đã phát động được rất nhiều phong trào lớn, có sức ảnh hưởng sâu rộng. Ông đánh giá như thế nào về việc này?
- Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương cũng như Bộ VH-TT đánh giá rất cao các hoạt động của báo chí trong việc khơi dậy các phong trào cách mạng cũng như phong trào từ thiện xã hội... Theo tôi, đối với những phong trào do báo chí khơi gợi để qua đó tạo thành những phong trào trong xã hội và dần dần được khẳng định, thì với trách nhiệm của cơ quan quản lý báo chí, chúng tôi rất ủng hộ.
Những phần thưởng dành cho các cơ quan báo chí khi thực hiện những phong trào này trong năm 2005-2006 đã thể hiện sự quan tâm của cơ quan quản lý báo chí của Nhà nước đối với báo chí.
Trong năm 2007, tôi mong muốn các phong trào như vậy vẫn tiếp tục được triển khai mạnh. Điều này tùy thuộc vào những sáng kiến của các cơ quan báo chí trong việc lựa chọn vấn đề, sự kiện để phát động như thế nào? Chúng tôi sẽ có những khen thưởng kịp thời cho những phong trào có ý nghĩa thực sự trong đời sống xã hội.
- Xin cảm ơn ông.
VĂN PHÚC thực hiện