
Để di tích thành cổ Hà Nội và Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đang thực sự là một thách thức lớn về mặt thời gian đối với Hà Nội. Nhận thức được vấn đề này, TP Hà Nội đã bắt đầu triển khai mạnh mẽ hơn việc thu thập và lập hồ sơ về di sản này. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội về vấn đề này.
°Phóng viên: Vừa qua Hà Nội đã có những động thái tích cực về việc lập hồ sơ này như thế nào?
°Ông PHẠM QUANG LONG: Xác định việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di tích văn hóa thế giới là một hoạt động thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, lãnh đạo TP Hà Nội đã có những chỉ đạo quyết liệt trên tinh thần tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong việc triển khai lập hồ sơ.

Ông Phạm Quang Long- Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội.
Cụ thể như việc bàn giao diện tích di tích từ phía quân đội sang cho TP Hà Nội quản lý; thúc đẩy nhanh nhất việc trình hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT công nhận di tích quốc gia và tập trung cao độ cho thẩm định, đánh giá giá trị khoa học, xác định cơ sở pháp lý của việc nghiên cứu, thẩm định các giá trị của khu khai quật khảo cổ bên Hoàng thành.
°Công việc này đã được triển khai như thế nào, thưa ông?
°Thực tế Hà Nội đã xác định rất sớm việc lập hồ sơ về di tích này để giá trị của nó sớm được tôn vinh. Do vậy, trước khi quân đội bàn giao Hoàng Thành cho TP Hà Nội quản lý thì các cơ quan chức năng của TP trong đó có Sở VH-TT đã bắt tay nghiên cứu, thu thập thêm tư liệu. Nhờ sự chủ động này Sở VH-TT Hà Nội đã hoàn thiện xong những khâu cuối cùng để trình Bộ VH-TT công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
°Khu Thành cổ và khu di tích khảo cổ Hoàng Thành hiện vẫn thuộc hai đơn vị quản lý khác nhau. Vậy việc nghiên cứu và lập hồ sơ sẽ tiến hành như thế nào?
°Với khu Thành cổ, chúng tôi đang thành lập hội đồng khoa học và tư vấn để tiếp tục nghiên cứu, khai thác tài liệu để có cái nhìn tổng thể về khu vực này. Trên thực tế, di tích này không thể để nguyên trạng như hiện nay khi đưa vào làm hồ sơ. Bởi lẽ nơi này đã trải qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, đã có nhiều kiến trúc, những công trình mới được xây thêm vào.
Do đó cần lọc lại toàn bộ hồ sơ về những hiện vật hiện có trong phạm vi này. Những hiện vật có giá trị thì cần bổ sung tư liệu và cứu tiếp để bảo tồn, còn những công trình không có giá trị văn hóa, lịch sử như nhà gửi xe thì cũng cần tiến hành thủ tục để dỡ bỏ để khôi phục lại cảnh quan cũ. Hồ sơ phía quân đội cũng đã bàn giao cho Hà Nội, nhưng qua kiểm tra, đánh giá vẫn còn nhiều yếu tố chưa đầy đủ, chính xác nên phải bàn bạc và lọc lại rất kỹ trước khi ra quyết định. Đây là một trong những việc trọng tâm cần tập trung trước mắt.
Phần khu vực khai quật, còn gọi là phần phế tích sót lại của Cấm thành trước đây được giao cho Viện KHXH để khai quật và nghiên cứu, đánh giá tiếp. Đây là bộ phận quan trọng và chiếm nhiều thời gian nhất khi tiến hành lập hồ sơ, do phải tiến hành nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng về những hiện vật đã phát lộ và phải tiến hành khai quật ở một số vị trí khác để có cái nhìn tổng thể toàn bộ của khu vực và xác định chính xác về ranh giới.
°Với khối lượng công việc nhiều như vậy, TP có đưa ra những giải pháp để thúc đẩy về mặt thời gian?
°TP quyết định cần nỗ lực mức cao nhất tập trung sức người sức của, tận dụng mọi nguồn lực “chất xám”. Có thể huy động bổ sung lực lượng các nhà khoa học để có thể thúc đẩy nhanh nhất công việc nghiên cứu về khu vực này.
Bên cạnh đó chúng tôi sẽ áp dụng mọi phương pháp, phương tiện tốt nhất cho nghiên cứu hiện vật khảo cổ và có thể sẽ tận dụng sự giúp đỡ và kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài vào việc tư vấn và tham gia nghiên cứu. Chúng tôi đã chuẩn bị xong tờ trình báo cáo về nội dung cũng như kế hoạch về tiến độ lập hồ sơ xếp hạng khu vực như chia thành nhiều nhóm nhỏ với công việc và thời gian cụ thể để có thể triển khai trong thời gian sớm nhất.
°Xin cảm ơn ông.
THU HÀ
