Như vậy, chỉ còn vài tháng nữa hết năm 2018, vị “sếp” của công ty lữ hành nào không đủ chuẩn sẽ bị xử phạt. Quy định này đã vấp phải hàng loạt phản ứng trái chiều từ các doanh nghiệp (DN), chuyên gia du lịch.
Quy định trên được một số lãnh đạo ngành du lịch lý giải nhằm siết lại tình trạng một số hãng lữ hành làm ăn chụp giựt, thu tiền của khách lên tới hàng tỷ đồng rồi bỏ trốn. Mà thời gian gần đây, các công ty như thế này xuất hiện nhiều hơn, khó kiểm soát và xử lý hơn.
Thế nhưng, các DN cho rằng đó chỉ là tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, bởi các công ty uy tín sẽ tìm mọi cách để bảo vệ thương hiệu của mình. Trong khi quy định về bằng cấp nêu trên chỉ mang tính hình thức, vô hình trung khiến DN mất thời gian, tốn thêm chi phí mà không đem lại hiệu quả thiết thực.
Nhẩm tính, với khoảng 1.300 công ty lữ hành tại TPHCM, số tiền mà DN bỏ ra cho việc ôn thi, lấy chứng chỉ cũng tốn kém hàng tỷ đồng. Trao đổi về bất cập này, anh L.T, giám đốc kinh doanh của một thương hiệu lữ hành có trụ sở tại đường Bùi Viện (quận 1, TPHCM), cho biết anh có bằng cử nhân ngành Việt Nam học của Trường Đại học Văn hóa, chuyên ngành học là Hướng dẫn viên du lịch.
Trên bảng điểm thể hiện rõ điều đó. Tuy vậy, nếu chiếu theo các quy định trên thì anh T vẫn phải đi học lại hoặc thi chứng chỉ, chẳng khác nào một người biết đọc thông viết thạo vẫn phải học lại lớp đánh vần.
“Không thể phủ nhận rằng bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn sẽ hỗ trợ tốt hơn trong quá trình điều hành DN, nhưng Bộ VH-TT-DL cũng nên linh hoạt xem xét các trường hợp khác nhau. Chẳng hạn những người có thâm niên trong lĩnh vực du lịch, điều hành công ty hiệu quả và đã học qua các khóa đào tạo chuyên ngành du lịch trước đây, như vậy liệu có cần bằng cấp”, anh L.T. nói.
Trong khi đó, theo một cán bộ chuyên trách của Sở Du lịch TPHCM, quy định mới giúp hạn chế tình trạng các công ty lữ hành vi phạm sau đó đổ lỗi do không rành các quy định hiện hành; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Vì kinh nghiệm thực tế rất cần thiết, nhưng bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn liên quan đến nghiệp vụ lữ hành, hoạt động kinh doanh… là điều kiện không thể thiếu và bắt buộc phải có. Vấn đề đáng bàn là làm sao để quy định được thực thi một cách hiệu quả, không xảy ra tình trạng “chạy” bằng cấp, chứng chỉ, thậm chí thuê mướn bằng cấp để hợp thức hóa việc kinh doanh.