“Thành đoàn – bản hùng ca”

Tìm về một thời tuổi trẻ

Tìm về một thời tuổi trẻ

Bộ phim “Thành đoàn – bản hùng ca” (30 tập, Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu), khởi quay từ ngày 8-6-2004 đến nay chuẩn bị ra mắt hai tập đầu với tên gọi “Điểm hẹn” và “Ngăn cắt” trước sự trông chờ không những của cán bộ Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh - những nguyên mẫu trong phim mà còn của đông đảo thanh niên thế hệ sau giải phóng.

Tìm về một thời tuổi trẻ ảnh 1

Cảnh trong phim “Thành đoàn - bản hùng ca”.

Sau Hiệp định Genève, một số cán bộ được lệnh ở lại miền Nam, xây dựng lực lượng trẻ để phát triển phong trào. Thông qua các cuộc sinh hoạt cắm trại, văn nghệ của sinh viên, học sinh, những hạt giống đỏ đã được phát hiện, làm nòng cốt cho việc xây dựng cơ sở, trong đó có những gương mặt như Phạm Hiền, Giáng Hương, Thu Nga, Đông Châu, Mỹ Ly, Hồng Tâm, Trần Lê Triều,...

Những hạt giống đỏ này, sau khi được phát hiện đã được đưa vào chiến khu học tập để trở về hoạt động ở nội thành. Những “lớp học rừng già” này là bước đi đầu tiên để họ chính thức bước vào môi trường cách mạng, đồng thời cũng để lại cho họ dấu ấn mạnh mẽ bởi tính chất rất đặc biệt. Tất cả các học viên đều phải bịt mặt, sống ngăn cách, giao dịch với nhau bằng giấy.

Chỉ mới hai tập đầu song đạo diễn Lê Văn Duy, người chịu trách nhiệm dàn dựng bộ phim, đã tỏ ra hài lòng với dàn diễn viên như Huy Phương (Phạm Hiền), Mai Mai (Giáng Hương), Hoàng Chiêu Quân (Thu Nga), Nguyễn Hoàng (Sáu Võ), Thúy Phượng (Đông Châu), Lê Minh (Hồng Tân), Lê Thanh Nhàn (Trần Lê Triều),... Hầu hết họ đều được tuyển lựa qua cuộc thi dành riêng cho phim Thành đoàn – bản hùng ca.

Họ tuy thuộc thế hệ trẻ hôm nay nhưng đảm cảm nhận rất tốt cuộc sống, chiến đấu gian khổ và hào hùng của thế hệ cha anh. Trong thời gian đóng phim, họ cũng đã có dịp đến sống ở chiến khu xưa, hòa nhập vào cuộc sống thiếu thốn của các nhân vật trong phim. Đó là những nhân vật được xây dựng phần lớn dựa theo cuộc đời của những nguyên mẫu - những cán bộ xuất sắc của Thành đoàn thời chống Mỹ như Phạm Chánh Trực (Phạm Hiền), Lê Mỹ Lệ (Giáng Hương), Nguyễn Thị Nghĩa (Thu Nga), Nguyễn Thị Châu (Đông Châu), Trương Mỹ Lệ (Mỹ Ly), Lê Hồng Tư (Hồng Tân), Trần Triệu Luật (Trần Lê Triều)...

Đạo diễn Lê Văn Duy, cũng là một trong những nhân vật của cán bộ Thành đoàn khi xưa. Anh dàn dựng Thành đoàn – bản hùng ca với niềm xúc cảm sống lại quá khứ một thời hào hùng của mình và của đồng đội. Khi anh lớn lên, ba anh đã tập kết ra Bắc cùng người anh cả, mẹ và sáu anh em còn lại sống tại Sài Gòn. Khi ba anh trở về Nam, làm Trưởng tiểu ban giáo dục miền Nam, cho gọi anh và người anh ruột – nhà văn Lê Văn Thảo vào chiến khu.

Ở thăm cha một tuần, hai anh em về lại Sài Gòn suy nghĩ và quyết định khăn gói vào khu theo cách mạng. Lúc ấy, Lê Văn Duy là sinh viên năm thứ hai Học viện Quốc gia Hành chánh, còn Lê Văn Thảo đang là sinh viên Đại học Khoa học. Trong số bảy anh chị em, có hai người là liệt sĩ: người anh cả và cô em thứ sáu – Dương Lệ Chi, cô giáo đã hy sinh vì cứu học trò tại ngôi trường mang tên Nguyễn Văn Trỗi trong chiến khu mà vừa qua đã tìm được hài cốt và đưa về quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ.

Vào chiến khu, anh làm quay phim, biên tập, đạo diễn phim tài liệu, từng có phim Trường quân chính Nguyễn Thị Minh Khai đoạt giải Bông sen bạc trong Liên hoan phim VN năm 1967. Mười bốn năm công tác trong chiến khu đã cho anh một vốn sống quý giá để hoàn thành phim Thành đoàn – bản hùng ca.

Bộ phim sẽ được dàn dựng theo trình tự từ năm 1954 cho đến ngày Sài Gòn giải phóng 1975. Mỗi tập sẽ là một câu chuyện riêng biệt và sẽ nổi lên một cặp nhân vật chính. Tập 3 có tên gọi "Áo trắng" sẽ được bấm máy vào cuối năm 2004. Dự kiến, 30 tập phim Thành đoàn – bản hùng ca sẽ hoàn thành vào năm 2007.

NHẬT LAM

Tin cùng chuyên mục