Đạo diễn Hồ Quang Minh

“Tôi chỉ làm phim Việt Nam”

Thượng tuần tháng 7, đạo diễn Hồ Quang Minh về nước để duyệt phim “Thời xa vắng” nhưng phải “mai phục” mấy tuần mới gặp được ông ở Sài Gòn. Trong căn nhà ở khu Phú Mỹ Hưng, đạo diễn Hồ Quang Minh chia sẻ những tâm sự xung quanh bộ phim “Thời xa vắng” đang chuẩn bị ra mắt khán giả nay mai.
“Tôi chỉ làm phim Việt Nam”

Thượng tuần tháng 7, đạo diễn Hồ Quang Minh về nước để duyệt phim “Thời xa vắng” nhưng phải “mai phục” mấy tuần mới gặp được ông ở Sài Gòn. Trong căn nhà ở khu Phú Mỹ Hưng, đạo diễn Hồ Quang Minh chia sẻ những tâm sự xung quanh bộ phim “Thời xa vắng” đang chuẩn bị ra mắt khán giả nay mai.

“Tôi chỉ làm phim Việt Nam” ảnh 1

- Trước tiên xin hỏi ông một chuyện hơi cũ: Từ bao giờ ông ấp ủ dự án làm phim “Thời xa vắng”?

- Năm 1986, tiểu thuyết “Thời xa vắng” của nhà văn Lê Lựu được giải thưởng văn học. Từ nước ngoài tôi đã liên lạc với Lê Lựu để “xí phần” xin chuyển thể dựng thành phim truyện. Năm 1987 tôi chuyển thể xong và định sản xuất phim vào năm 1988, nhưng lúc ấy có những điều kiện  khó khăn khách quan khiến tôi phải lùi dự án làm phim lại.

- Thưa ông! Có phải do lùi lại quá lâu nên khi quay, bối cảnh chính của phim không tìm được ở chính vùng quê (Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) sinh ra nguyên mẫu nhân vật Sài trong tiểu thuyết “Thời xa vắng”?

- Trong phim, bối cảnh chính ở quê của Giang Minh Sài được dựng và quay ở huyện Kim Động, bên cạnh huyện Khoái Châu rồi ghép với một số bối cảnh ở Nam Định, Hà Tây, Vĩnh Phú....Nhưng ngay ở huyện Kim Động, bờ đê cũng đang được trải nhựa thành đường quốc lộ. Ở Hà Tây chúng tôi tìm được một nhà chung của Cơ đốc giáo xây từ thời Pháp chưa được trùng tu, có vẻ tiều tụy qua chiến tranh...

- Được biết, bộ phim “Thời xa vắng” đã bị rút ngắn so với kịch bản ban đầu và có nhiều điểm khác với tiểu thuyết? Xin ông nói rõ hơn về điều này?

- Ban đầu, dự án phim “Thời xa vắng” dài khoảng 3 tập (hơn 3 tiếng), nhưng do điều kiện sản xuất kéo dài, qua nhiều lần sửa chữa, phim rút xuống còn 2 tập, không có phần sau của tiểu thuyết khi Sài sống ở Hà Nội. Anh Lê Lựu cho phép tôi sử dụng một số chi tiết, nội dung, tuyến truyện của các tác phẩm khác (chẳng hạn như “Bến quê”), đưa vào phim “Thời xa vắng”.

- Ở hai bộ phim “Con thú tật nguyền”, “Bụi hồng”, nhân vật chính đều là nữ. Còn trong phim “Thời xa vắng” ông giữ nguyên nhân vật chính là nam (như trong tiểu thuyết) hay có sự thay đổi?

- Trong phim “Thời xa vắng” nhân vật chính không hẳn là Sài. Chuyện phim xoay quanh bộ ba nhân vật Tuyết-Sài-Hương. Nhân vật Tuyết (người vợ ở quê) tuy xuất hiện lác đác nhưng trở thành một hình ảnh tiêu biểu cho số phận người phụ nữ trong chiến tranh và làm phong phú hơn thân phận người nông dân Việt Nam trong thời kỳ lịch sử đó.

- Ông có hài lòng với các diễn viên tham gia phim, đặc biệt là Ngô Thế Quân, người đóng vai Giang Minh Sài?

- Chúng tôi tuyển chọn diễn viên cho “Thời xa vắng” rất kỹ, các gương mặt diễn viên đều có nét đặc thù nhất định. Một số diễn viên mới toanh, một số diễn viên chỉ làm điện ảnh, một số khác chỉ làm sân khấu. Tuy tuyển chọn khắt khe nhưng trong quá trình làm phim nếu không hài lòng, tôi sẽ thay đổi ngay. Ngô Thế Quân là người lần đầu đóng phim, giọng nói của Quân rất đặc biệt, nghe giống như giọng của bố già trong phim “Bố già” (do Marlon Brando thể hiện).

- Thưa ông, phần hậu kỳ của “Thời xa vắng” được làm hoàn toàn ở nước ngoài hay cả ở Việt Nam?

- Đại đa số phần âm thanh như: lồng tiếng, tiếng động, thu nhạc được thực hiện ở Hà Nội, sang bên Pháp chỉ điều chỉnh lại. Kỹ sư âm thanh người Pháp là người từng làm phần âm thanh cho bộ phim “Nguyên tố thứ 5” (đạo diễn nổi tiếng Luc Besson).

- “Thời xa vắng” là phim hợp tác giữa Hãng phim Giải Phóng và Hãng Solimane (Pháp) nên nhận được một khoản tiền tài trợ khá lớn của nước ngoài. Như vậy, “Thời xa vắng” sẽ phát hành ở trong hay ngoài nước trước?

- Tuy là phim hợp tác nhưng bản quyền thuộc về Việt Nam, vì vậy quyền phát hành do Việt Nam quyết định. Như một số bộ phim khác, nếu muốn tham gia các LHP quốc tế phải ưu tiên chiếu ra mắt ở nước ngoài trước, nhưng tôi đang bàn bạc với hãng phim, nếu điều kiện thuận tiện sẽ phát hành ở Việt Nam trước, sớm nhất là mùa thu tới.

- Ông suy nghĩ gì về công tác phát hành phim điện ảnh ở Việt Nam hiện nay?

- Phát hành như thế nào là quyền của Hãng phim Giải Phóng, nhưng theo tôi thì phát hành những loại phim như “Thời xa vắng” phải có kế hoạch quảng cáo để phim đến được khán giả. Những bộ phim loại này không có quỹ quảng cáo mạnh như phim thị trường, vì thế phải chuẩn bị thật kỹ để phim trụ được ở một số rạp, thời gian chiếu nên được kéo dài. 

- Từng đi nhiều nước, ông có thể nói đôi chút về kinh nghiệm phát hành và tiếp thị phim ở nước ngoài?

- ở Pháp, những loại phim “kém khách” (không phải là kém chất lượng) ký hợp đồng với chủ rạp chiếu vài tuần, có phim chỉ chiếu 1 suất/ngày nhưng kéo dài cả năm, lai rai vẫn có khách. Còn ở New York (Mỹ), công tác quảng cáo, tiếp thị và phát hành một bộ phim được thực hiện theo quy trình: Phim được làm pano quảng cáo có ghi ngày chiếu ra mắt cụ thể từ vài tháng trước, những tờ bướm giới thiệu phim được gửi đến các địa chỉ khán giả quen thuộc. Lịch đổi phim ở New York được ấn định vào ngày thứ 4 hàng tuần. Thứ tư tuần trước, rạp mời các báo lớn, nhỏ đến họp báo ra mắt phim. Đúng vào thứ 4 tuần sau, ngày phim khởi chiếu ở rạp, thì các báo đồng loạt đăng bài giới thiệu, quảng cáo phim. Khen, chê không quan trọng nhưng các bài báo có khả năng “kích phim” kinh khủng, chưa kể trên truyền hình mời đạo diễn, diễn viên đến phỏng vấn trực tiếp vào giờ cao điểm, chỉ vài phút thôi nhưng rất có hiệu quả. Tôi còn nhớ, năm 1987 khi mang phim “Con thú tật nguyền” sang Mỹ chiếu, bên phát hành hợp đồng luôn 2 tuần với 5 suất chiếu/ngày, dù không có khán giả vẫn chiếu. Hết hợp đồng mới đổi phim, còn nếu sau 2 tuần phim có khán giả tốt thì sẽ có hệ thống khác rút ra chiếu tiếp.

- Dự định làm phim sắp tới của ông là gì?

- Tôi đang suy ngẫm để làm phim theo một hướng khác hơn. Thời gian qua vì sự liên hoàn của 3 bộ phim về số phận con người trong chiến tranh nên đòi hỏi sự hài hòa về hình thức mà không phá cách. Nếu như làm phim tiếp, tôi sẽ “chơi” một hình thức lạ hơn. Có thể tôi sẽ thử làm một bộ phim thị trường.

- Câu hỏi cuối cùng, xin tò mò một chút về đời sống riêng của ông. ở Thụy Sĩ ông có làm phim hay làm nghề gì khác không?

- Trước khi làm phim, tôi từng trải qua các nghề nghiệp khác như kỹ sư vật lý, ngoại thương, tư vấn các công trình phức tạp nên có được những kinh nghiệm khá đặc biệt có thể áp dụng trong bất cứ lĩnh vực nào. Từ khi bỏ tất cả để chỉ làm phim Việt Nam, nhu cầu về vật chất của tôi không quan trọng nữa, tôi không phải làm phim quảng cáo để sống.

PHẠM XUÂN HƯỚNG 

Tin cùng chuyên mục