Siết chặt bảo vệ môi trường nước

Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc nhưng chỉ có khoảng 37% tổng lượng nước sinh ra trên phần lãnh thổ Việt Nam. Phần lớn các đô thị tập trung dọc theo các sông lớn. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội của đô thị còn chưa đồng bộ, quá tải, làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường.

Sự phát triển dân số và quá trình đô thị hóa tại các thành phố trong thời gian qua  đang gây sức ép trong việc sử dụng tài nguyên nước và môi trường các lưu vực sông. 

Theo Bộ TN-MT, Việt Nam là quốc gia có hệ thống sông ngòi dày đặc với tổng lượng dòng chảy nước mặt hàng năm lên đến 830 - 840 tỷ m3. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên nước của nước ta chỉ ở mức trung bình trên thế giới.

Hiện các lưu vực sông đang tiếp nhận chất thải từ các nguồn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, y tế và chất thải rắn. Trong tổng lượng nước thải phát sinh ra các lưu vực, lượng nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Bên cạnh các nguồn nước thải kể trên, một lượng chất thải rắn không nhỏ không được kiểm soát, đổ bừa bãi gây ô nhiễm các dòng kênh, sông và có nơi làm tắc nghẽn dòng chảy. Ước tính tỷ lệ thu gom xử lý chất thải sinh hoạt đô thị đạt khoảng 86%. Tại khu vực nông thôn, tỷ lệ này chỉ đạt 40% - 55%.

Như vậy, vẫn còn một lượng khá lớn chất thải rắn chưa được xử lý theo quy định, chưa kể tới lượng chất thải rắn chưa được thu gom, một phần không nhỏ thải trực tiếp thẳng ra ao, hồ, kênh, rạch. 

Siết chặt bảo vệ môi trường nước ảnh 1 Ô nhiễm nguồn nước đang ảnh hưởng nhiều đến sinh kế của người dân

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong số các bệnh truyền nhiễm gây dịch ở Việt Nam thì bệnh tiêu chảy (là bệnh có liên quan tới ô nhiễm môi trường nước) vẫn đứng đầu danh sách về tổng số ca bệnh bị mắc trên toàn quốc.

Nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe do trực tiếp ăn, uống nước mặt bị nhiễm bẩn hiện có xu hướng giảm so với trước đây, khi tỷ lệ người dân được tiếp cận với nước sạch tăng lên. Đã xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt cung cấp cho các nhà máy nước sinh hoạt, làm gia tăng chi phí sản xuất nước sạch, thậm chí một số nhà máy không đủ khả năng xử lý nên phải dừng hoạt động.

Ô nhiễm môi trường nước cũng gây những thiệt hại kinh tế không nhỏ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản. Thống kê sơ bộ cho thấy, trong giai đoạn 2014-2018, những vụ cá tôm chết hàng loạt do chất lượng nước nuôi không đảm bảo dẫn đến dịch bệnh đã gây những thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế.

Nguồn nước ô nhiễm cũng khiến ngành nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Nhu cầu sử dụng nguồn nước cùng các vấn đề ô nhiễm nguồn nước làm phát sinh các mâu thuẫn, xung đột trong xã hội, địa phương, thậm chí là quốc tế.

Để từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nước các lưu vực sông, cũng như những thách thức đặt ra đối với công tác quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, Bộ TN-MT yêu cầu các địa phương xem xét và phê duyệt lại việc thành lập các ủy ban lưu vực sông để giải quyết các vấn đề về quản lý môi trường nước liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; tăng cường giám sát việc triển khai thực thi các luật, văn bản liên quan đến bảo vệ môi trường nói chung, môi trường nước nói riêng.

Giám sát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, đặc biệt ở các khu vực nhạy cảm. Đồng thời, đẩy mạnh việc chỉ đạo, giải quyết các vấn đề bức xúc, ngăn chặn việc gia tăng ô nhiễm môi trường nước, đảm bảo an ninh nguồn nước và vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới…

Cả nước có khoảng 660 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chỉ có 203 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh lại là nguy cơ làm ô nhiễm các tầng chứa nước, dẫn đến suy giảm các nguồn nước trong các lưu vực sông. 

Tin cùng chuyên mục