Nhạc rock ở TPHCM từng có thời gian phát triển khá mạnh. Vào những năm 1990, số lượng quán cà phê rock có khi lên đến hàng chục. Nhưng rồi những cà phê rock đình đám một thời ấy lần lượt đi vào quá khứ. Những cuộc thi, rock show lớn nhỏ cũng dần biến mất. Vậy nhưng, thật đáng ngạc nhiên, hiện không khó tìm thấy những ban nhạc rock tại các… sân trường đại học. Chỉ cần dạo vài sô kỷ niệm ngày thành lập trường, hội trại của các trường đại học hay các chương trình offline của fanpage các ban nhạc rock nổi tiếng, đều bắt gặp hình ảnh các ban nhạc rất trẻ, rất sinh viên.
Khơi lại niềm đam mê
Phần đông bạn trẻ thường có thói quen chạy theo xu hướng. Nhạc rock cũng từng xuất hiện với sự hưởng ứng mạnh mẽ của giới trẻ. Vào những năm 1990, cà phê rock Sài Gòn đa dạng, nhưng xét cho cùng, chủ yếu do rocker và những rockfan thành lập để thỏa mãn đam mê, ít chú trọng lợi nhuận. Việc quán tồn tại rồi biến mất nhanh chóng cũng là những lý do rất đỗi bình thường, giải thích cho thời kỳ thăng hoa rồi suy tàn của rock. Có thời gian các quán cà phê rock như Mai Khanh, Cát Thanh, Thủy Tiên… nổi trội vì là “đại bản doanh” của Rock Fan Club. Rock khoáng đãng, phóng khoáng nhưng lại khá kén người nghe.
Ban nhạc Phobia
Cũng như rock, các quán cà phê chuyên rock thường chỉ dành cho những tín đồ thực sự. Công bằng mà nói, người ta đi cà phê rock không chỉ đơn giản uống cà phê, mà còn để tận hưởng không khí nóng bỏng của rock thường thấy trong những rock show. Đây không phải nơi bạn bè tán gẫu vì nhạc khá lớn. Có quán nhân viên phải nhét bông vào tai. Cà phê rock càng không thích hợp cho tiệc sinh nhật hoặc hội họp đội nhóm, công việc. Vì vậy, khi các nhóm rock không còn đất diễn, Rock Fan Club im lặng, cà phê rock cũng đóng cửa theo.
Khác với Hà Nội, mặt bằng chung của rock Sài Gòn nhanh chóng mất dần sự hấp dẫn, và khi đó các cà phê rock cũng chao đảo cho sự tồn tại của mình. Và khi trào lưu lắng xuống, các cà phê rock mất đi, nhiều người nghĩ nhạc rock và các ban nhạc rock cũng bị “khai tử” vì giới trẻ vốn “cả thèm chóng chán”. Tuy nhiên, nhạc rock vẫn tồn tại trong lòng thành phố bởi những ban nhạc rock sinh viên. Họ tự bỏ tiền theo học các khóa chuyên nghiệp, đầu tư nhạc cụ, trang phục chỉ để biểu diễn cho các chương trình của khoa, của trường. Họ tự đi tìm hoặc tự tạo đất diễn cho chính mình. Sự tồn tại và phát triển của họ có thể lý giải phần nào cho những niềm đam mê không thể coi là trào lưu thoáng chốc, càng không dễ dàng lụi tàn và biến mất trước những trở ngại của xã hội và thời gian.
Nuôi dưỡng niềm đam mê rock
“Trẻ thì không có điều kiện chơi, già thì lại chẳng đủ sức mà ham”. Giới sinh viên chơi rock cũng gặp những khó khăn nhất định để ôm ấp niềm đam mê của mình. Đơn giản và dễ thấy nhất là chi phí duy trì. Không dễ gì với một sinh viên, ngoài trang trải phí sinh hoạt hàng tháng, còn phải dành dụm, kiếm thêm thu nhập để mua đàn, ampli, nâng cấp fuzz hay ít nhất là thuê phòng tập. Thêm nữa, số lượng quán cà phê rock còn lại ở TPHCM không còn nhiều, lại thiếu đất diễn, nên các ban nhạc rock sinh viên tự tạo sân chơi cho chính mình bằng các chương trình nội bộ.
Nhóm Morning Waits trong liên hoan Hardcore United
Võ Phúc Hoan, trưởng nhóm The Way gồm những sinh viên đến từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM và Trường Đại học Văn Lang, cho biết: “Nhóm chúng tôi được thành lập từ một chương trình kỷ niệm của Trường Văn Lang. Từ đó nhóm vẫn biểu diễn trong các chương trình của khoa và các trường bạn. Rock thường được xem là “quậy”, đập phá nên thời gian đầu hầu hết thành viên đều vấp phải sự phản đối của gia đình. Vì vậy, các thành viên trong nhóm phải chứng minh cho gia đình bằng cách nỗ lực học tập và chứng tỏ bản thân để bố mẹ yên tâm khi con có thêm niềm đam mê rock. Nhạc cụ của rock cơ bản gồm guitar điện, bass điện và bộ trống. Tất cả đều đắt hơn so với các nhạc cụ chơi các thể loại khác nên các thành viên phải tự dành dụm từ các công việc làm thêm, học bổng tích góp được nhằm thỏa mãn đam mê”.
Đối với ban nhạc sinh viên, nhất là ban nhạc rock, không gian tập luôn khó khăn. Việc ở trọ hay ký túc xá cũng là vấn đề đau đầu với mỗi rocker sinh viên. Chủ nhà yêu thích âm nhạc đã đành, nhưng tập đàn, hát hay chỉ là gõ đũa theo nhịp rock sao cho vừa tai hàng xóm là không đơn giản. Thường để tiết kiệm chi phí phòng tập, các thành viên phải tự tập ở nhà trước, nhiều bạn chơi trống thời gian đầu còn sáng tạo bằng cách gắn thêm miếng nhựa trên các lá cymbal hoặc cầm dùi đánh tay không để tránh âm thanh khi tập. Hầu hết thành viên các ban nhạc sinh viên trẻ bây giờ đều không học nhạc theo trường lớp mà chủ yếu tự học trên các diễn đàn hoặc các trang mạng xã hội như YouTube, songsterr.com, ultimate-guitar.com...
TPHCM một thời là cái nôi của rock. Các ban nhạc rock sinh viên không chỉ đưa tình yêu rock của chính mình vượt khỏi rất nhiều khó khăn và định kiến xã hội mà còn góp phần vực dậy dòng nhạc của riêng mình khỏi thời kỳ khủng hoảng. |
Võ Anh Trí, Trưởng nhóm Phobia gồm nhưng thành viên đến từ Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM và Trường Đại học Kiến trúc, chia sẻ: “Các thành viên vẫn nuôi ước mơ duy trì được hoạt động của Phobia sau khi ra trường, dù biết nguồn thu của các ban nhạc không cao, nhất là với các ban nhạc rock vốn khan hiếm đất diễn. Mình luôn hy vọng chuyên ngành đang học sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định nhằm nuôi dưỡng niềm đam mê âm nhạc của nhóm”.
Tuy nhiên, những ban nhạc muốn đi một chặng đường dài và chuyên nghiệp với rock, nếu chỉ chơi cho các chương trình nội bộ sinh viên thì chưa đủ. Trên thực tế, những đại thụ của rock Việt như nhóm Bức Tường cũng xuất phát từ một ban nhạc sinh viên, nhưng để ghi lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả như các đàn anh đi trước cần có sự thúc đẩy của các cuộc thi và các rock show lớn. Trong khi so với việc tổ chức một cuộc thi tuyển chọn giọng ca đơn thuần, rock lại cần đầu tư rất nhiều về âm thanh và kỹ thuật trong khi lợi nhuận thu về chưa hẳn đã cao.
Bởi vì thế đã có thời gian vắng bóng hẳn các cuộc thi và các rock show lớn. Trong năm vừa qua, tại TPHCM đã có một liên hoan rock do những người rất trẻ tự mày mò tìm thấy nhau và bắt tay nhau trên cộng đồng Internet để tạo một sân chơi chung cho riêng mình. Liên hoan rock Hardcore United, dù khiêm tốn gọi là “bỏ túi” đã tạo một không gian trẻ trung mà lâu nay gần như không chương trình nào có được. Có 11 ban nhạc rock đến từ nhiều thành phố, Huế, TPHCM, Hà Nội đã cùng trình diễn trong một đêm nóng bỏng ở sân khấu Nhà Ga 3A, quận 1. Rất nhiều thế hệ mới của rock Việt được cùng xuất hiện trên một sân chơi như thế.
Nhóm Bức Tường xuất phát từ một ban nhạc sinh viên
Chánh Hiệp, thành viên ban PIMK (People I May Know), nói: “Có lẽ lợi nhuận là thứ cuối cùng chúng tôi nghĩ đến, nên áp lực là làm sao cho khán giả chia sẻ được không gian thân hữu, chương trình thật vui... Cuối cùng, khi kết thúc và hòa vốn trong lằn ranh may rủi, chúng tôi mới nghĩ là mình quá may mắn. Giờ thì chúng tôi đã có thêm kinh nghiệm để tiếp tục. Nếu ai hỏi là làm cho mục đích gì nếu không có được nhiều tiền thì tôi cũng không biết trả lời ra sao, nhưng có lẽ chỉ vì ước mơ muốn được kết nối âm nhạc với nhau mà chúng tôi đã dựng nên được Hardcore United 2014”.
Ngọc Uyển