Vừa có thêm hàng trăm ngàn sinh viên (SV) các trường đại học (ĐH) trong cả nước tốt nghiệp, rời ghế giảng đường để vào đời. Thế nhưng, SV ra trường rất khó tìm được việc làm phù hợp. Các đơn vị, doanh nghiệp đều tinh giảm nhân sự; ít đơn vị tuyển dụng mới và có tuyển cũng hạn chế nhận SV mới ra trường.
Tốt nghiệp rồi thất nghiệp
Hàng loạt SV tốt nghiệp các năm trước vẫn đang chạy vạy tìm việc trong vô vọng. Điều đó đã trở thành nỗi ám ảnh của SV mới tốt nghiệp năm nay. Nguyễn Thị Quyên (quê Quảng Ngãi) cùng lúc có 2 tấm bằng tốt nghiệp loại khá của ĐH Đà Nẵng và ĐH Kiến trúc Đà Nẵng nhưng gần 2 năm nay, Quyên vẫn chưa xin được việc. Quyên kể: “Ở Đà Nẵng khó có việc làm, nên tôi khăn gói vào TPHCM nhưng vẫn thất nghiệp dù tìm việc khắp nơi. Tôi đậu 2 trường một lúc nên nghĩ gắng học một lượt 2 ngành sẽ bổ trợ cho nhau rất nhiều. Ở Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, tôi được xếp vào tốp đầu sinh viên có ý tưởng sáng tạo Khoa Thiết kế nội thất, bài được lưu lại để làm tư liệu giảng dạy, vậy mà…”. Quyên than đi liên hệ các trung tâm môi giới việc làm thì bị lừa tiền cọc; xin làm phục vụ quán ăn, quán cà phê cũng khó vì họ yêu cầu phải có ngoại hình đẹp mới nhận. Hiện tại, Quyên tạm thời làm nhân viên ở một điểm bán cà phê di động, đối diện Bến xe miền Đông với mức tiền công 50.000 đồng/3 giờ để lấy tiền trang trải cuộc sống trong khi tiếp tục tìm việc ổn định hơn.
Phạm Văn Hưởng (SV ngành Điều khiển tàu biển, ĐH GTVT TPHCM) đang rầu rĩ vì không thể xin vào làm… lao động phổ thông sau cuộc phỏng vấn xin việc vừa qua. Đã hơn 1 năm lặn lội xin việc khắp nơi nhưng không được, Hưởng cùng một người bạn đem hồ sơ xuống Bình Dương xin làm lao động phổ thông trong Khu công nghiệp Đông An. Nghĩ bằng ĐH là lợi thế nên hai bạn nộp thêm vào hồ sơ bản sao bằng ĐH và bằng vi tính. Nào ngờ đó lại chính là lý do họ bị từ chối. “Thật bất ngờ khi chúng tôi bị loại vì có bằng ĐH. Phòng nhân sự xem hồ sơ xong thì trả lại và nói rằng họ chỉ tuyển lao động phổ thông”, Hưởng nói: Biết gia đình khó khăn, đặt nhiều kỳ vọng ở mình nên Hưởng không dám xin tiền ba mẹ trợ cấp, nói là đã kiếm được việc làm. Hiện tại trong dãy trọ, ai mướn gì Hưởng làm đó, khi phụ giao hàng, khi phụ người anh họ lắp đặt cáp viễn thông để kiếm tiền ăn hàng ngày.
Số SV tốt nghiệp rồi thất nghiệp như tình cảnh của Quyên và Hưởng hiện nay khá đông. Nhiều bạn trẻ cho biết, khi đến xin việc ở các công ty nhỏ thì bị từ chối vì lý do đang ít việc nên không nhận thêm người; còn các công ty lớn nói thẳng “chỉ tuyển người nội bộ” hoặc yêu cầu có kinh nghiệm làm việc nhiều năm. Nhìn cảnh hàng chục ngàn SV đã tốt nghiệp ĐH các khóa trước vẫn thất nghiệp, SV mới ra trường không khỏi hoang mang.
Nhiều cách hỗ trợ
Nguyễn Xuân Thủy (cử nhân ngành Đông phương học Trường ĐH Văn Hiến) băn khoăn: “Gần 40 SV lớp tôi ra trường, chỉ có 5 bạn làm đúng nghề, số còn lại đành làm trái nghề hoặc thất nghiệp. Tìm kiếm thông tin việc làm thấy nhu cầu tuyển toàn khối ngành kỹ thuật. Tôi cùng một số bạn học tìm đến các trung tâm môi giới việc làm nhưng chẳng những không tìm được việc mà còn trở thành nạn nhân của các chiêu lừa như đặt tiền cọc, mua hồ sơ và trả phí phỏng vấn”.
Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM (thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM) khuyến cáo: Nhiều trường hợp đã bị lừa tiền khi đi xin việc tại các trung tâm môi giới việc làm tư nhân. Để đảm bảo, SV nên tới sàn giao dịch, trung tâm giới thiệu việc làm uy tín để được hướng dẫn và có cơ hội trực tiếp tìm kiếm việc làm phù hợp. Sau mỗi sàn giao dịch của Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM, vẫn có khoảng 300 - 500 người tìm được việc làm trực tiếp tại sàn”. Theo kế hoạch của Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM, trong năm 2013 sàn giao dịch việc làm được tổ chức định kỳ 2 lần mỗi tháng vào ngày thứ hai tuần đầu tiên của tháng và thứ hai của tuần tiếp theo tại trụ sở số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 17, quận Bình Thạnh). Đây là cơ hội tìm kiếm việc làm của các SV đã ra trường, các SV đang học cần việc làm thêm và người lao động phổ thông. Ngoài ra, Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM cũng thường xuyên tổ chức các sàn giao dịch việc làm lưu động ở chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp của các quận, huyện trên địa bàn TPHCM.
Nhiều trường ĐH tại TPHCM như ĐH Bách khoa, ĐH Ngoại thương, ĐH Nông Lâm, ĐH KHXH-NV… cũng đã có các hoạt động thiết thực hỗ trợ SV mới tốt nghiệp tìm được việc làm. Ông Trần Tấn Phúc, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ SV và việc làm Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho hay: “Ngày hội việc làm của trường luôn được SV mong đợi. Những năm gần đây, việc làm luôn là nỗi lo của không chỉ SV vừa ra trường mà còn là nỗi lo của phụ huynh và những người dìu dắt học trò. Trường đã lên kế hoạch phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ SV và việc làm liên hệ các đơn vị tuyển dụng để tổ chức ngày hội việc làm không chỉ giúp SV ĐH Bách khoa TPHCM tìm việc mà còn giúp SV khối ngành kinh tế, kỹ thuật của các trường ĐH và CĐ trên địa bàn TPHCM có cơ hội tìm được việc làm ngay khi vừa tốt nghiệp”. Năm nay, ngày hội việc làm của trường được tổ chức vào ngày 26-11 tại khuôn viên trường. Hầu hết các ngành tuyển dụng lao động đều là ngành kỹ thuật hoặc lao động phổ thông…
THU HƯỜNG