Sổ tay: Bắt đầu từ đâu?

Liên tiếp trong thời gian qua, Bộ KH-CN đã tổ chức những hội thảo quan trọng liên quan đến việc tìm những chính sách, giải pháp tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động KH-CN Việt Nam.

Sau hơn 7 năm đổi mới cơ chế quản lý KH-CN (từ tháng 9-2004), hoạt động KH-CN ở nước ta đã có nhiều đổi mới và đóng góp thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, chính Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân thừa nhận, những thành tựu ấy chưa mang tính hệ thống đồng bộ, vững chắc và chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của giai đoạn mới. Cụ thể, về cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện, các nhiệm vụ KH-CN còn thiếu mục tiêu dài hạn.

Về đề tài, dự án thuộc các chương trình còn phân tán, thiếu đồng bộ; một số nhiệm vụ được coi là “đặt hàng” nhưng lại chỉ giới hạn ở phạm vi các nhà khoa học có khả năng giải quyết được chứ không hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu thực tế… Tất cả những điều đó đòi hỏi cần phải có những đổi mới một cách toàn diện, căn bản về cơ chế quản lý và hoạt động KH-CN ở nước ta hiện nay. Câu hỏi được đặt ra tại rất nhiều hội thảo là “Phải đổi mới từ đâu?”.

GS-VS Nguyễn Văn Hiệu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những chính sách mang tính cốt yếu để phát triển KH-CN cũng như phát triển đất nước nói chung. GS Hiệu nhấn mạnh, mục tiêu của chính sách nên hướng vào việc xây dựng đội ngũ nhân lực đủ năng lực để giải quyết các nhiệm vụ khoa học lớn cần thiết nhất đối với sự phát triển KT-XH của đất nước. Đội ngũ đó phải là hệ thống các tập thể KH-CN xuất sắc, có sự gắn kết hữu cơ với nhau chứ không phải các cá nhân hay các đơn vị riêng lẻ.

Muốn làm được điều đó cần phải có chính sách trọng dụng, đãi ngộ thích đáng đối với nguồn nhân lực hoạt động KH-CN, nhất là người tài. Vấn đề này không đơn giản chỉ đề xuất giải pháp về tuyển dụng, chính sách tiền lương, đãi ngộ, mà quan trọng hơn là tạo điều kiện và môi trường để họ phát huy vai trò, thấy được tác dụng thực sự của mình đối với xã hội.

Nhiều năm qua, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách để phát triển KH-CN, tuy nhiên đến nay KH-CN chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân chủ quan của những tồn tại đó là nhận thức chưa đủ và đúng về vai trò, đặc thù của hoạt động KH-CN; công tác thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng còn chậm; chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền chưa sâu sát; phối hợp giữa các cấp, các ngành, lĩnh vực chưa thống nhất, đồng bộ...

Tất cả những điều đó nói lên rằng, vấn đề “nhận thức” của các cấp lãnh đạo và xã hội chính là điều cần phải đổi mới đầu tiên, nếu muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao và trình độ KH-CN đất nước phát triển như mong muốn.

Trần Lưu

Tin cùng chuyên mục