Kiến nghị giữ mức giá mua điện là 9,35 cent
Tại Hội nghị khách hàng về phát triển điện mặt trời trên mái nhà do Công ty Điện lực Tân Bình (thuộc Tổng công ty Điện lực TPHCM) tổ chức, anh Lê Huy Sỹ, một khách hàng đang tìm hiểu để lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, tâm tư: “Tôi đã tìm hiểu rất kỹ về các lợi ích trong việc lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, tôi cũng đã tham khảo những gia đình của bạn bè có lắp đặt hệ thống này và thấy rằng việc này có rất nhiều lợi ích như giảm được số tiền điện phải trả hàng tháng, làm mát tầng thượng của mái nhà, an toàn… Đặc biệt là các bạn tôi còn bán được nguồn điện dư cho ngành điện. Tuy nhiên, khi liên hệ để tìm hiểu thông tin về việc mua bán điện mặt trời trên mái nhà phát ngược lên lưới thì được biết là sau ngày 30-6-2019 chưa có giá nên tôi rất băn khoăn, không biết còn được giữ nguyên như giá cũ là 9,35 cent hay thấp hơn. Tôi rất hy vọng Nhà nước sẽ giữ nguyên như giá cũ trước ngày 30-6-2019 để chúng tôi an tâm, lắp đặt và sử dụng hệ thống điện này”.
Tâm tư của anh Lê Huy Sỹ cũng là tâm tư của nhiều hộ dân và doanh nghiệp khác phản ánh với ngành điện tại những hội nghị tiếp xúc khách hàng do các đơn vị thành viên của Tổng công ty Điện lực TPHCM tổ chức. Nhiều khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân có nguyện vọng lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, nhưng chưa thực hiện vì chờ quyết định của Chính phủ về giá mua điện mặt trời. Họ kiến nghị giữ mức giá 9,35 cent như trước ngày 30-6-2019. Các khách hàng đã gắn điện mặt trời trên mái nhà trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua cũng rất mong chờ quyết định của Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Duy Quốc Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM, đây là kiến nghị hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp, người dân lắp đặt và sử dụng điện mặt trời trên mái nhà. TPHCM có tiềm năng rất lớn về diện tích mái nhà. Bên cạnh đó, phát triển điện mặt trời trên mái nhà thì ngành điện không phải đầu tư lưới truyền tải, giảm nhu cầu phụ tải vào ban ngày. Việc này còn góp phần nâng cao và làm lan tỏa ý thức tiết kiệm, sử dụng năng lượng xanh, bảo vệ môi trường trong người dân thành phố. Do đó, cần ưu tiên và tạo điều kiện để phát triển điện mặt trời trên mái nhà, đặc biệt với đô thị hiện đại, đông dân như TPHCM.
Thực tế qua theo dõi, số lượng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà nối lưới trong tháng 8 giảm nhiều so với cao điểm tháng 6-2019. Cụ thể, tại TPHCM trong tháng 8-2019 có 557 công trình nối lưới với tổng công suất là 5,25MWp, trong khi tháng 6-2019 có 856 công trình nối lưới với tổng công suất là 11,01MWp. Như vậy, giảm đến 35% về số lượng công trình và giảm hơn 50% về công suất.
Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng nằm trong dải phân bổ ánh sáng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ của thế giới nên cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao, trung bình khoảng 1.581kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3kWh/m2/ngày vào tháng 2 và thấp nhất là 3,3kWh/m2/ngày vào tháng 7. Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động 100 - 300 giờ, liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở miền Bắc. Vào mùa khô, số giờ nắng lên tới 300 giờ. Đối với mùa mưa, số giờ nắng khoảng 150 giờ. Theo “Báo cáo đánh giá kỹ thuật tiềm năng năng lượng mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam” năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, tiềm năng điện mặt trời trên địa bàn TPHCM ước tính khoảng 6.300MW. Do đó, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời rất lớn, đặc biệt là điện mặt trời trên mái nhà.
Hiện nay, việc sử dụng điện mặt trời đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp vì các lợi ích như sau: Điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, vĩnh cửu, không bị cạn kiệt như nguồn năng lượng hóa thạch. Điện mặt trời an toàn, rất thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, trong quá trình vận hành không gây ra tiếng ồn và khói bụi. Sử dụng điện mặt trời giúp tiết kiệm một phần chi phí tiền điện do không phải sử dụng nguồn điện lưới, bên cạnh đó còn giúp hấp thụ bức xạ nhiệt đối với mái nhà, giúp làm giảm sức nóng của toàn bộ ngôi nhà, từ đó giảm sử dụng máy lạnh, góp phần tiết kiệm chi phí tiền điện. Đối với các doanh nghiệp, việc sử dụng điện mặt trời còn góp phần nâng cao hình ảnh, thương hiệu và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Để phát triển mạnh việc lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, Tổng công ty Điện lực TPHCM đã có kiến nghị UBND TPHCM và các bộ ngành đưa việc lắp đặt điện mặt trời áp mái thành yêu cầu bắt buộc đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước. Có các chương trình hỗ trợ lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà tương tự như chương trình hỗ trợ 1 triệu đồng cho khách hàng lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời trước đây. Sớm ban hành các quy định thuận lợi về việc xin giấy phép xây dựng, về quy định tải trọng lên kết cấu mái khi lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà. Ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để tạo điều kiện cho người dân lựa chọn và sử dụng. Quy định pháp lý cho hoạt động của bên thứ ba (ESCO) tham gia lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.