Ngành điện TPHCM Phát triển hệ thống lưới điện thông minh tiêu chuẩn quốc tế

Trong vòng 15 năm trở lại đây, với sự nỗ lực vượt bậc, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) đã phát triển được hệ thống lưới điện thông minh với đầy đủ các cấu phần theo tiêu chuẩn quốc tế, đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng, người dân và doanh nghiệp. Sự thay đổi này chính là một trong những kết quả nổi bật nhất của ngành điện trong 50 năm gắn bó và đồng hành với sự phát triển của TPHCM.

EVNHCMC từng bước xây dựng lưới điện thông minh, hiện đại, bền vững, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM
EVNHCMC từng bước xây dựng lưới điện thông minh, hiện đại, bền vững, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM

Hành trình hiện đại hóa hệ thống lưới điện

Vào thời điểm trước năm 2010, hệ thống điện của TPHCM được vận hành chủ yếu bằng phương pháp thủ công, sử dụng sổ sách và giấy tờ; thông tin không được cập nhật theo thời gian thực, gây khó khăn trong phân tích, điều hành, ra quyết định. Mặt khác, thời gian mất điện trung bình còn dài, tổn thất điện năng ở mức cao và công tác giám sát vận hành chưa đảm bảo tính an toàn tuyệt đối.

Trước áp lực từ nhu cầu phụ tải ngày càng tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, EVNHCMC đã khởi động hành trình hiện đại hóa hệ thống điện, từng bước xây dựng lưới điện thông minh - hiện đại - bền vững, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM cũng như định hướng chung của ngành điện Việt Nam. Theo đó, EVNHCMC đã ứng dụng công nghệ sửa chữa hotline trung thế 22kV, giúp thực hiện công tác sửa chữa trên lưới mà không cần cắt điện; áp dụng SCADA điều khiển từ xa cho lưới điện, tạo nền tảng cho các hệ thống giám sát và điều khiển tự động sau này. EVNHCMC cũng đưa vào vận hành trạm biến áp 220kV Tao Đàn sử dụng công nghệ GIS (cách điện khí) và cáp ngầm 220kV Nhà Bè - Tao Đàn, nâng cao tính an toàn và thẩm mỹ đô thị. Bên cạnh đó, thử nghiệm đóng mạch vòng trung thế thành công, tăng cường khả năng cung cấp điện liên tục, giảm thời gian gián đoạn. Đồng thời nghiên cứu, triển khai hệ thống thông tin địa lý GIS và thực hiện ngầm hóa lưới điện, làm gọn dây thông tin, góp phần giảm sự cố, nâng cao độ an toàn và mỹ quan đô thị.

Vận hành tự động hóa

Sau hơn 15 năm nghiên cứu, xây dựng và triển khai, đến nay, EVNHCMC đã có những kết quả nổi bật trong công tác hiện đại hóa, phát triển hệ thống lưới điện thông minh. Theo đó, toàn bộ lưới điện của EVNHCMC đã được vận hành tự động hóa, gồm 2 trung tâm điều khiển (chính và dự phòng) độc lập về địa lý theo chuẩn quốc tế. Đặc biệt, trung tâm điều khiển dự phòng được xây dựng trong giai đoạn giãn cách do dịch Covid-19 bằng nguồn lực nội bộ và nguồn vốn khoa học công nghệ.

Hiện nay, 100% trạm biến áp 110kV (57/57 trạm) đã chuyển sang mô hình không người trực. Toàn bộ lưới điện trung thế vận hành tự động, có khả năng cô lập và tái lập điện dưới 1 phút với vùng không bị ảnh hưởng. Tất cả các trạm biến áp phân phối đều được giám sát từ xa, có thể thông báo mất điện tức thời đến khách hàng. EVNHCMC cũng đã đưa vào vận hành trạm biến áp kỹ thuật số đầu tiên tại TPHCM - TBA 110kV Tân Phú Trung (huyện Củ Chi). Hiệu quả nổi bật là thời gian mất điện do sự cố giảm từ 120 phút xuống dưới 1 phút; tiết giảm hơn 400 nhân sự trực trạm; nâng cao an toàn vận hành và năng lực ứng phó thiên tai. Đặc biệt, trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19 (từ tháng 6 đến tháng 9-2021), với lực lượng vận hành chỉ chiếm 1/3, hệ thống vẫn đảm bảo điện cho 504 điểm phục vụ phòng chống dịch và nhu cầu dân sinh.

EVNHCMC đã áp dụng các giải pháp để nâng cao độ tin cậy về cấp điện. Nhờ đó, số lần mất điện bình quân của khách hàng (SAIFI) giảm từ 28,85 lần (năm 2010) xuống còn 0,28 lần (năm 2024). Thời gian mất điện bình quân của khách hàng (SAIDI) giảm từ 3.964 phút (năm 2010) xuống còn 25,5 phút (năm 2024), ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và tương đương chỉ số của một số thành phố hiện đại tại châu Âu, châu Mỹ. Ngoài ra, EVNHCMC là đơn vị đầu tiên của ngành điện Việt Nam đã tự nghiên cứu, xây dựng thành công phần mềm quản lý mất điện - OMS và được áp dụng dùng chung trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Điện lực TPHCM cũng đã lắp đặt 100% công tơ điện tử thông minh có chức năng thu thập dữ liệu từ xa cho toàn bộ hơn 2,7 triệu khách hàng đang sử dụng điện trên địa bàn thành phố vào năm 2022; số hóa và tự động hóa toàn bộ quy trình công tác chính như quản lý kỹ thuật, kinh doanh dịch vụ khách hàng, đầu tư xây dựng, tài chính kế toán và quản trị doanh nghiệp.

Ngoài ra, EVNHCMC đã hỗ trợ phát triển và quản lý hơn 14.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất khoảng 400MWp, chiếm tỷ lệ 3,65% so với tổng công suất lắp đặt của cả nước và chiếm 6,71% so với công suất đỉnh năm 2024 (5.212MW) của lưới điện thành phố; hoàn tất dự án thí điểm hệ thống lưới điện thông minh siêu nhỏ Microgrid (có tích hợp điện lưới, năng lượng tái tạo, máy phát và hệ thống pin tích trữ năng lượng) đầu tiên tại Việt Nam; triển khai chương trình tiết kiệm điện; đảm bảo hạ tầng cho xe điện tại TPHCM.

Trong 5 năm tới, EVNHCMC xác định mục tiêu trở thành doanh nghiệp dẫn đầu về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực điện năng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng doanh nghiệp số toàn diện, phát triển hạ tầng điện hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả ngang tầm với các công ty điện lực tiên tiến nhất của thế giới.

Các giải thưởng quốc tế của EVNHCMC

Năm 2022, EVNHCMC là 1 trong 2 doanh nghiệp của Việt Nam đoạt giải thưởng Doanh nghiệp sáng tạo ASEAN trong khuôn khổ Hội thảo và diễn đàn kinh doanh IoT châu Á với dự án “Phát triển lưới điện thông minh tại EVNHCMC”. Năm 2024, Tập đoàn Năng lượng quốc gia Singapore đánh giá, mức độ thông minh lưới điện của EVNHCMC đạt 80,4/100 điểm, xếp hạng 41/92 công ty điện lực có lưới điện thông minh trên thế giới, ngang điểm với một số công ty điện lực trên thế giới như: Western Power (Australia), Dominion Energy (Mỹ), BC Hydro và Hydro Ottawa (Canada), TNB (Malaysia) và Westnetz (Đức).

Tin cùng chuyên mục