Hành trình hơn 20 năm xóa dây điện “mạng nhện”

TPHCM là đô thị đặc biệt với tốc độ đô thị hóa nhanh khiến hệ thống lưới điện và cáp viễn thông ngày càng nhiều, được ví như những “mạng nhện” chằng chịt trên khắp các tuyến phố. Từ những năm 2000, ngành điện TPHCM phối hợp cơ quan chức năng và các đơn vị viễn thông nỗ lực ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông. Đến nay, hàng ngàn km dây điện và cáp viễn thông đã được đưa vào lòng đất, tạo nên diện mạo thông thoáng, văn minh cho thành phố.

Đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp, TPHCM thông thoáng sau khi được ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông - Ảnh: ĐỨC HÙNG
Đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp, TPHCM thông thoáng sau khi được ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông - Ảnh: ĐỨC HÙNG

Những bước đi đầu tiên

Vào đầu những năm 2000, TPHCM đối mặt với tình trạng hệ thống dây điện và cáp viễn thông trên cao chằng chịt, đặc biệt tại các khu vực trung tâm như các quận 1, 3, 5. Những “mạng nhện” dây điện không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây ra nhiều nguy cơ mất an toàn như: chập điện, hỏa hoạn, sự cố trong mùa mưa bão. Trước thực trạng này, UBND TPHCM đã xác định ngầm hóa lưới điện kết hợp cáp viễn thông là một trong những ưu tiên để xây dựng đô thị hiện đại, văn minh.

Theo đó, giai đoạn 2003-2005, Công ty Điện lực TPHCM (tiền thân của Tổng Công ty Điện lực TPHCM - EVNHCMC) đã thí điểm ngầm hóa lưới điện trên các tuyến đường Lê Lợi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi với 9,2km lưới trung thế và 9,5km lưới hạ thế. Tuy nhiên, việc ngầm hóa này chưa triệt để do chỉ mới ngầm hóa lưới điện, chưa kết hợp được việc ngầm hóa dây thông tin và chiếu sáng nên tình trạng “mạng nhện” dây thông tin vẫn còn.

Năm 2009, ngành điện TPHCM tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm 5 công trình ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin tại các khu vực xung quanh Hội trường Thành ủy, chợ Bến Thành, các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn và Trương Định. Tổng khối lượng ngầm hóa gồm 9,23km lưới trung thế và 46,57km hạ thế. Từ năm 2010, EVNHCMC đã phối hợp với các sở ban ngành và doanh nghiệp viễn thông bắt đầu triển khai các dự án ngầm hóa thí điểm. Theo đó, các tuyến đường trọng điểm như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi được chọn để khởi động, với mục tiêu vừa cải thiện hạ tầng vừa tạo hình ảnh đẹp cho khu vực trung tâm.

Giai đoạn khởi đầu gặp không ít khó khăn do công nghệ thi công còn hạn chế, chi phí đầu tư cao và việc đào đường trong đô thị đông đúc gây ảnh hưởng lớn đến giao thông. Tuy nhiên, đến năm 2015, TPHCM đã hoàn thành ngầm hóa khoảng 400km lưới điện trung thế và 500km lưới điện hạ thế, chủ yếu ở khu vực quận 1 và quận 3.

70% lưới điện khu trung tâm được ngầm hóa

Giai đoạn 2016-2020, EVNHCMC đã mở rộng phạm vi ngầm hóa lưới điện ra các quận nội thành khác như các quận 5, 7, 10 và một phần khu vực ngoại thành. Các dự án lớn như cải tạo phố đi bộ Nguyễn Huệ, chỉnh trang khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hay các tuyến đường huyết mạch như Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ đều tích hợp ngầm hóa lưới điện. Trong giai đoạn này, TPHCM đã áp dụng nhiều công nghệ hiện đại để giảm thiểu tác động của thi công. Công nghệ khoan ngầm định hướng (HDD) được sử dụng rộng rãi, giúp hạn chế việc đào đường và rút ngắn thời gian thi công; đồng thời sự phối hợp giữa ngành điện lực và nhiều nhà mạng viễn thông được cải thiện, đảm bảo các tuyến cáp ngầm được bố trí khoa học, tránh chồng chéo.

Tính đến cuối năm 2020, TPHCM đã ngầm hóa được khoảng 1.000km lưới điện trung thế, 2.000km lưới điện hạ thế và hơn 3.000km cáp viễn thông. Những con đường như Nguyễn Huệ, Lê Lợi hay khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng trở thành biểu tượng cho sự thành công của dự án với cảnh quan thông thoáng, sạch đẹp và an toàn hơn.

Giai đoạn 2021-2025 là thời kỳ TPHCM tập trung hoàn thiện hệ thống lưới điện ngầm, đồng thời đặt nền móng cho các mục tiêu phát triển đô thị thông minh. Các dự án ngầm hóa không chỉ dừng lại ở khu vực trung tâm mà còn mở rộng ra các quận ngoại thành như Bình Tân, Tân Phú và TP Thủ Đức. Ngoài ra, thành phố cũng chú trọng nâng cấp các tuyến cáp ngầm cũ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng. Một điểm nổi bật trong giai đoạn này là sự tích hợp hạ tầng ngầm hóa với các dự án giao thông và đô thị lớn, như tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hay khu đô thị Sala (TP Thủ Đức). Các tuyến cáp ngầm được thiết kế để hỗ trợ hệ thống chiếu sáng thông minh, giám sát giao thông và kết nối mạng 5G, tạo nền tảng cho một đô thị hiện đại.

Dự kiến đến cuối năm 2025, TPHCM sẽ ngầm hóa được hơn 1.500km lưới điện trung thế, 2.500km lưới điện hạ thế và gần 4.000km cáp viễn thông. Hơn 70% lưới điện tại khu vực trung tâm thành phố sẽ được ngầm hóa, mang lại diện mạo mới cho đô thị. TPHCM đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng hệ thống lưới điện ngầm, hướng tới ngầm hóa 100% lưới điện tại khu vực trung tâm và khu đô thị mới vào năm 2030. Thành phố cũng sẽ tích hợp hạ tầng ngầm với các dự án phát triển bền vững, như năng lượng tái tạo và hệ thống quản lý thông minh để khẳng định vị thế một đô thị hàng đầu khu vực.

Công tác ngầm hóa lưới điện giai đoạn 2010-2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho TPHCM. Cụ thể là các tuyến phố lớn trở nên thông thoáng, sạch đẹp hơn, nguy cơ chập điện, cháy nổ, sự cố do thời tiết giảm đáng kể, đảm bảo an toàn cho người dân. Hệ thống cáp ngầm giúp giảm thiểu sự cố mất điện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng cao của thành phố. Hạ tầng cáp ngầm tạo điều kiện cho việc triển khai các ứng dụng công nghệ như giao thông thông minh, quản lý năng lượng và kết nối số.

Dù đạt được nhiều thành tựu, chương trình ngầm hóa lưới điện tại TPHCM cũng đối mặt với không ít thách thức: tổng kinh phí cho các dự án ngầm hóa ước tính lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, đòi hỏi sự huy động nguồn lực lớn từ ngân sách và doanh nghiệp. Việc thi công ở đô thị đông đúc gây ùn tắc và ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân, đặc biệt tại khu vực trung tâm. Sự thiếu đồng bộ giữa ngành điện lực, viễn thông và các đơn vị xây dựng đôi khi làm chậm tiến độ dự án. Việc sửa chữa và bảo trì cáp ngầm phức tạp hơn so với dây trên cao, đòi hỏi đội ngũ kỹ thuật chuyên môn cao và thiết bị hiện đại.

Tin cùng chuyên mục