Đọc thông tin trên báo SGGP số ra ngày 20-11, người dân cảm thấy bức xúc và xót xa cho việc đầu tư, sử dụng vốn vào tiểu dự án thủy lợi Ô Môn-Xà No. Triển khai từ năm 1999, đầu tư hết gần 600 tỷ đồng nhưng đến nay gần 10 năm, dự án này vẫn ngổn ngang, chưa phát huy được hiệu quả kiểm soát lũ, xây dựng hệ thống thủy lợi, phục vụ tưới tiêu, cấp nước sạch cho nông thôn…
Điều khiến dư luận càng bức xúc và khó hiểu hơn là vì sao từ phương án duyệt ban đầu của Bộ NN-PTNN chỉ có 254 tỷ đồng, sau nhiều lần điều chỉnh, dự án này đội lên gần 600 tỷ đồng và cần rót thêm 1.200 tỷ đồng nữa mới phát huy hiệu quả.
Báo cáo giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đã nêu rõ hạn chế của dự án là công trình thi công chậm trễ, kéo dài so với thời gian dự kiến hoàn thành, chủ đầu tư liên tục điều chỉnh các hạng mục công trình chứng tỏ việc khảo sát, thiết kế ban đầu chưa tốt, chưa sát với thực tế.
Điều đáng nói hơn là một công trình ngốn hàng trăm tỷ đồng nhưng không có giám sát cộng đồng theo quy định của Chính phủ, nhiều hạng mục mới làm xong chưa bàn giao đã xuống cấp , hư hỏng… Như thế đã bắt đúng bệnh của “dự án rùa bò”, ngốn nhiều nguồn vốn nhưng thực hiện kém hiệu quả, phát sinh thêm số vốn cần đầu tư quá lớn.
Trong tình hình cả nước đang thắt lưng buộc bụng, chắt chiu, tiết kiệm từng đồng vốn ngân sách thì việc điều chỉnh thêm số vốn quá lớn của tiểu dự án nói trên cần phải xem xét kỹ lưỡng. Đó là chưa kể việc sử dụng nguồn vốn ODA của dự án vì sao kém hiệu quả, mà nguyên nhân bắt nguồn từ khâu thiết kế khảo sát chưa tốt? Chủ đầu tư đề nghị nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 2 vay từ Ngân hàng Thế giới nhưng lấy cơ sở nào để đảm bảo chủ đầu tư sẽ sử dụng nguồn vốn này hiệu quả hơn giai đoạn 1? Vay vốn từ nguồn nào thì chúng ta cũng phải trả và con cháu chúng ta phải nai lưng ra làm việc mới có thể trả nổi món nợ này.
Vì thế, đề nghị Chính phủ sớm tiến hành thanh tra, kiểm toán lại việc thực hiện dự án này cũng như việc sử dụng nguồn vốn ODA để tìm rõ nguyên nhân chậm trễ, điều chỉnh vốn nhiều lần tốn kém đến mức không thể chấp nhận được.
Ngoài tiểu dự án thủy lợi Ô Môn- Xà No này, còn có bao nhiêu dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA kém hiệu quả? Cần phải thanh tra, kiểm toán để phát hiện ra những sai phạm, đình chỉ ngay những công trình sử dụng nguồn vốn ODA không hiệu quả, gây thất thoát nghiêm trọng.
THANH HƯƠNG (Cần Thơ)