Tưởng niệm 40 năm thảm sát Sơn Mỹ (16-3-1968/16-3-2008)

Sơn Mỹ 40 năm trước và bây giờ

Sơn Mỹ 40 năm trước và bây giờ

Cách đây 40 năm vào ngày 16-3-1968, lính Mỹ đã sát hại 504 đồng bào vô tội ở thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh. Sự kiện này đã gây chấn động thế giới, nhiều người căm phẫn mỗi khi đến nơi đây. 40 năm trôi qua, trên mảnh đất đau thương này đã có những đổi thay đáng mừng, đời sống của người dân từng bước được cải thiện.

Đau thương

Sơn Mỹ 40 năm trước và bây giờ ảnh 1

Tượng đài Sơn Mỹ.

Dường như đã trở thành thông lệ, hàng năm cứ đến đầu tháng ba là chúng tôi về xã Mỹ Khê huyện Sơn Tịnh. Trở lại Khu chứng tích Sơn Mỹ lần này, mặc dù những hình ảnh và hiện vật ở đây khá quen nhưng mỗi khi đặt chân đến đây lòng tôi lại ngập tràn những cảm xúc.

Khu chứng tích Sơn Mỹ được nâng cấp, mở rộng và trở thành một chứng tích đặc biệt quan trọng, gây sự chú ý của du khách mỗi khi đến Quảng Ngãi.

Anh Phạm Thành Công, Quyền Giám đốc Ban quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ, là một trong những người còn sống sót trong vụ thảm sát kể, năm đó anh mới 11 tuổi, trong vụ thảm sát này gia đình anh có 5 người chết, gồm mẹ, chị và 3 người em ruột.

Trong giọng kể của anh đôi khi lại đứt quãng, nghẹn ngào. Nói về chuyện phục vụ khách tham quan, anh Phạm Thành Công cho biết, sau khi được Bộ Văn hóa Thông tin có chủ trương đầu tư nâng cấp di tích này trở thành di tích lịch sử quốc gia đặc biệt quan trọng, năm 2003, Sở Văn hóa Thông tin khởi công mở rộng khu chứng tích trên 10.000m2 để xây dựng một số hạng mục như: nhà trưng bày, đường nội bộ, tôn tạo phục dựng một số di tích, xây dựng tượng đài... với kinh phí gần 12 tỷ đồng.

Công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2005. Anh Công cho biết, với cương vị là người quản lý khu di tích này, anh cảm thấy mình may mắn nhưng đây cũng là một trách nhiệm đối với quê hương.

Từ Khu chứng tích Sơn Mỹ chúng tôi đi qua cánh đồng Cây Trâu thuộc xóm Khê Thuận, thôn Tư Cung, lúa mùa này xanh mơn mởn. Cách đây 40 năm, trên cánh đồng này có trên 400 người dân vô tội đã thiệt mạng dưới họng súng của lính Mỹ. Bây giờ ở xóm Khê Thuận, thôn Tư Cung nhà cửa khang trang, làng quê thật yên ả.

Chúng tôi ghé thăm nhà ông Phạm Đạt, một nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát. Ông Đạt kể, ngày 16-3-1968 là một ngày tang tóc đối với gia đình ông. Buổi sáng định mệnh đó và mãi mãi sau này, ông không còn gặp được 11 người thân gồm gia đình mẹ ruột, người em ruột, vợ và con. Bản thân ông bị thương nặng, thoát chết trong gang tấc.

Bây giờ kể lại câu chuyện thảm khốc này ông không khỏi bàng hoàng, đôi mắt của ông như trông về cõi xa xăm và trong đôi mắt ấy, tôi lại thấy hằn lên nỗi căm hờn. Còn cụ Phùng Thị Phó, một trong những người sống sót trong vụ thảm sát năm ấy, tuy may mắn còn sống nhưng 8 người trong gia đình bà đã bị giặc Mỹ giết rất dã man.

Sự kiện “Sơn Mỹ” gây chấn động trong lịch sử chiến tranh. Thế giới bàng hoàng khi biết sự kiện này, gắn với cái tên: Vụ thảm sát Mỹ Lai! Nhiều du khách, trong đó có cựu chiến binh Mỹ từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam đã không khỏi kinh hoàng khi nhìn thấy hình ảnh và hiện vật được trưng bày ở Khu chứng tích Sơn Mỹ.

Ông Robert Kirkland, một cựu chiến binh Mỹ, người đã từng tham gia vào vụ sát hại nhiều người dân vô tội ở Sơn Mỹ, mỗi khi trở lại mảnh đất này luôn cầu nguyện sự tha thứ. Trong cuốn sổ lưu niệm tại Khu chứng tích Sơn Mỹ, ông viết: “Tôi đã 6 lần trở lại Sơn Mỹ và mỗi lần về lại mảnh đất này tôi đều có một cảm xúc khác nhau. Cảm xúc lớn nhất trong tôi là một nỗi buồn không thể nào thốt lên bằng lời được. Tôi đến Sơn Mỹ cách đây mấy chục năm vì chiến tranh, vì mệnh lệnh. Hãy tha thứ cho những việc chúng tôi đã làm. Tôi nghĩ tất cả mọi người hãy quan tâm hơn nữa đến người dân ở mảnh đất này..”.

Nhiều nhà báo nước ngoài như bà Greig Craft - Hãng tin tài chính Mỹ Boomberg - khi đến tham quan Khu di tích Sơn Mỹ xúc động nói: “Tôi thật sự xúc động về sự kiện này”. Còn ông Brenton Speed - Hãng Truyền hình Fox Sports (Úc) - bàng hoàng: “Thật khủng khiếp! Tôi không thể tưởng tượng nổi!”.

Hồi sinh

Sơn Mỹ 40 năm trước và bây giờ ảnh 2

Trên cánh đồng này 40 năm trước, có trên 200 người dân vô tội bị lính Mỹ giết hại.

40 năm trôi qua, trên quê hương Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh đã có nhiều đổi thay, ký ức chiến tranh cũng đã lùi sâu vào dĩ vãng. Nhưng nỗi đau này vẫn còn hằn sâu trong tâm thức của mỗi người dân Sơn Mỹ.

Người dân Sơn Mỹ hôm nay chung tay xây dựng quê hương. Nhiều công trình phục vụ dân sinh được xây dựng tạo điều kiện để phát triển kinh tế-xã hội.

Hiện nay, xã có 2 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở, 1 trường THPT được xây dựng khang trang; Trung tâm Y tế Mỹ Lai được xây dựng với gần 30 giường bệnh, phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Điều đáng mừng là hàng năm số lượng học sinh của xã ngày càng tăng, nhiều em tốt nghiệp các trường đại học.

Ông Lư Trung Tín, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh cho biết, là một xã thuần nông, mấy năm gần đây nhờ biết cách làm ăn, chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng nên đời sống của bà con từng bước được cải thiện. Toàn xã chỉ còn trên dưới 100 hộ nghèo, chiếm trên 10% trong tổng số hộ trong xã.

Sơn Mỹ vẫn còn nỗi đau của 40 năm trước. Và trên mảnh đất đau thương này, từng ngày được hồi sinh. 

ANH VINH 

Ngày 16-3-1968, trời vừa hừng sáng, như mọi ngày, người dân Sơn Mỹ dậy sớm lo cơm nước để chuẩn bị cho một ngày lao động mới. Nhiều gia đình đang tụ tập bên mâm cơm. Một vài người đã lên đường đi chợ hoặc vác cuốc ra đồng.

Đột nhiên, đúng 5 giờ 30 những tiếng rít xé gió kéo theo tiếng nổ đinh tai nhức óc của các loại đạn pháo đã xé toang không gian bình yên đó. Các tràng pháo từ căn cứ núi Răm, Bình Liên (huyện Bình Sơn) chi khu Sơn Tịnh và tiểu khu Quảng Ngãi nhất loạt dội vào 4 thôn của xã Sơn Mỹ.

Sau 30 phút, pháo vừa dứt, 2 chiếc trực thăng HU.1A bay đến, quần đảo nhiều vòng, tới tấp khạc đạn đại liên và phóng rốc-két vào các điểm dân cư của 2 thôn Tư Cung và Cổ Lũy. Hai chiếc này vừa bay đi, lập tức một tốp 9 chiếc trực thăng từ hướng Chu Lai (căn cứ Mỹ nằm ở hướng Bắc) bay vào đổ quân xuống vạt ruộng phía Tây thôn Tư Cung. Tiếp đó, một tốp khác gồm 11 trực thăng đổ quân xuống bãi đất trống gần xóm Gò, thôn Cổ Lũy.

Lính Mỹ chia thành nhiều tốp làm nhiệm vụ chặn các ngả đường ra vào 4 thôn của xã Sơn Mỹ. Tốp khác lùng sục vào từng căn nhà, túp lều, bụi rơm, chúng nhả đạn vào tất cả những gì mà chúng bắt gặp. Nhiều kiểu giết người man rợ đã diễn ra như: đập đầu, mổ bụng, thiêu sống, giật mìn cho nổ tung xác, đẩy người xuống giếng rồi quăng lựu đạn theo… Đối với phụ nữ, chúng hãm hiếp tập thể rồi đâm và bắn chết.

Sau hơn 1 tiếng đồng hồ bắn giết, bọn lính Mỹ rút đi để lại một khung cảnh tang thương với hàng trăm xác chết rải rác khắp thôn xóm, máu loang đỏ mặt đất, bờ kênh. Nhiều người chết không toàn thây. Toàn bộ nhà cửa trong xóm đều bị thiêu hủy, cây cối đổ gãy, ruộng vườn bị xéo nát, trâu bò gà vịt bị giết sạch. Phút chốc, cả thôn xóm trù phú, yên bình trở thành vùng đất chết.

Tổng số người bị sát hại là 504 người gồm toàn phụ nữ, trẻ em và người già. “Tổn thất” duy nhất của lính Mỹ hôm đó là người lính da đen Herber Carter, do không chịu đựng nổi cảnh giết chóc man rợ nên đã tự bắn vào chân mình để khỏi tham gia vào hành động tội ác.

MAI NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục