“Sóng ngầm” buôn lậu qua biên giới - Bài 1: Muôn nẻo hàng lậu

Thời điểm gần tết, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao, cùng với lợi nhuận rất lớn nên tình trạng buôn lậu hàng hóa Trung Quốc qua khu vực biên giới phía Bắc tại các địa phương như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh diễn ra căng thẳng. Năm nay, trước sự phòng chống quyết liệt của các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, tình hình buôn lậu qua khu vực này có chiều hướng hạ nhiệt nhưng vẫn tiềm ẩn những “sóng ngầm” khó lường.
“Sóng ngầm” buôn lậu qua biên giới - Bài 1: Muôn nẻo hàng lậu

Thời điểm gần tết, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao, cùng với lợi nhuận rất lớn nên tình trạng buôn lậu hàng hóa Trung Quốc qua khu vực biên giới phía Bắc tại các địa phương như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh diễn ra căng thẳng. Năm nay, trước sự phòng chống quyết liệt của các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, tình hình buôn lậu qua khu vực này có chiều hướng hạ nhiệt nhưng vẫn tiềm ẩn những “sóng ngầm” khó lường.

Lợi nhuận cao và nhu cầu lớn nên vào dịp gần tết, tình trạng buôn lậu hàng hóa qua biên giới phía Bắc trở nên nóng bỏng. Không chỉ có những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như quần áo, vải vóc, giày dép, đồ điện tử mà vào dịp cuối năm các mặt hàng cấm như pháo nổ, tiền giả, thuốc lá, thực phẩm không rõ nguồn gốc, rượu giả cũng nhập lậu. Đặc biệt, nhiều đối tượng buôn lậu không từ bỏ bất cứ thủ đoạn tinh vi nào, thậm chí là liều lĩnh để đối phó với các biện pháp ngăn chặn quyết liệt của lực lượng chức năng.

Chiến sĩ Đồn biên phòng Tân Thanh kiểm tra hàng lậu bắt giữ được tại khu vực cửa khẩu.

Hàng lậu vẫn “chảy”

Gần tết, những đợt gió mùa Đông Bắc liên tục tăng cường, kèm theo mưa phùn khiến cái lạnh miền biên ái thêm tê tái. Không gian yên ắng của thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc, Lạng Sơn) khi bóng tối buông xuống, bỗng nhiên bị phá vỡ bởi tiếng gầm rú của động cơ ô tô, xe máy chạy tốc độ cao trên đường. Trong vài phút, một đoàn 6 - 7 xe máy, “xe cóc” (Suzuki 7 chỗ) chất đầy những bao hàng phóng bạt mạng về phía TP Lạng Sơn. Tiến “củi” - một cửu vạn có thâm niên tại khu vực Đồng Đăng bảo: “Đến giờ ăn hàng rồi. Dạo này biên phòng, công an và hải quan làm gắt lắm nên tranh thủ được lúc nào là phải “đua” thôi chứ không thì chết đói…”.

Trong khi các cửu vạn đang hối hả chuyển hàng lậu thì tại khu vực đường dẫn vào cửa khẩu Cốc Nam, cánh “chim lợn” liên tục điện thoại để cảnh báo cho đồng bọn, chốc lát lại hướng ánh mắt đề phòng cảnh giác lực lượng chức năng tại cửa khẩu.

Tại biên giới tỉnh Lạng Sơn, hai huyện Văn Lãng và Cao Lộc được xem là điểm nóng hàng lậu Trung Quốc vì có tuyến biên giới chạy dài hàng chục cây số từ cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng) cho tới cửa khẩu Cốc Nam nằm ngay sát thị trấn Đồng Đăng. Không chỉ có vậy, tuyến đường biên này lại có rất nhiều đường mòn, lối tắt để vận chuyển hàng lậu như gốc Nhãn, đường mòn 386 ở khu vực Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, khu vực Khe Thớt, Thác Nước (thị trấn Đồng Đăng), Ma Mèo (Tân Mỹ). Hơn nữa, nhiều khu vực có đường mòn lối tắt, nhất là xung quanh thị trấn Đồng Đăng lại nằm rất gần với quốc lộ 1A và 4B nên rất dễ để cho dân cho buôn lậu vận chuyển hàng lậu từ Trung Quốc vào nội địa.

Thượng tá Ninh Văn Hợp, Đồn trưởng Đồn biên phòng của khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) cho biết, đường biên giới mà đồn có nhiệm vụ quản lý chỉ khoảng 4km, từ mốc 1107 (Tân Mỹ, Văn Lãng) tới mốc 1121. Tuy nhiên trong đó có khoảng 2km rất nóng bỏng về hàng lậu vì có những đoạn đường mòn, lối tắt mà chỉ cần vượt được một hai vách núi không quá khó khăn là có thể sang được bên chợ Lũng Vài - Lũng Khoang (Trung Quốc). Có những lúc cao điểm, phía ngoại biên đối diện đường mòn khe Bà Đen, Thác Nước, khe 06... thuộc khu Kéo Kham (Đồng Đăng) có tới 300 - 500 đối tượng mang vác hàng, cùng với đó là khoảng 200 xe máy, ô tô tham gia vận chuyển hàng lậu.

Cửu vạn vận chuyển hàng lậu ở Lạng Sơn.

Đủ kiểu đối phó

Trong khi đó tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng) - khu kinh tế mở lớn nhất tại khu vực biên giới phía Bắc, hoạt động buôn bán rất sôi động, những đoàn xe container xuất, nhập hàng hóa dừng đỗ chật kín hết cả cửa khẩu.

Theo Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, đây là thời điểm mà lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới sôi động nhất vì nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam và Trung Quốc đều tăng rất cao vào dịp tết. Hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu vẫn là hoa quả, nông sản và thủy sản, trong khi đó hàng nhập về lại rất đa dạng từ nguyên vật liệu sản xuất cho tới “thượng vàng hạ cám” hàng tiêu dùng.

Tại chợ Tân Thanh, các quầy hàng đều chất ngất đủ chủng loại hàng hóa, từ quần áo, giày dép, hàng điện tử cho tới mỹ phẩm, thuốc men, thực phẩm. Các chủ hàng buôn bán tại Tân Thanh không chỉ có người Việt Nam mà còn nhiều người Trung Quốc hàng ngày cũng sang kinh doanh tại đây. Mặc dù đã có hai cửa hàng kinh doanh vải vóc, quần áo ở chợ Phò Chài (Trung Quốc) nhưng hàng ngày, Tòng “vải” (một thương nhân Trung Quốc) vẫn sang chợ Tân Thanh để buôn bán và tìm “đối tác” làm ăn lâu dài.

Tòng “vải” không ngần ngại cho biết, hàng hóa ở khu vực biên giới này chẳng thiếu thứ gì, thậm chí những mặt hàng cấm như tiền giả, pháo nổ, dao kiếm, công cụ hỗ trợ, súng bắn điện... đều có hết, miễn là người mua có tiền và nhu cầu. Chất lượng, giá cả cũng rất đa dạng, từ hàng nhái loại fake 2, 3 cho tới fake 1, thậm chí thích giống tới 99% hàng xịn cũng chỉ cần đặt hàng trước ít ngày là có hàng. Ông chủ hàng người Trung Quốc này cũng bật mí, bây giờ các chủ hàng lớn ở Việt Nam chẳng mấy khi sang Trung Quốc, hay lên trên biên giới làm gì cả. Mọi công đoạn giao dịch từ chọn hàng, đặt hàng, trả tiền đều qua mạng và điện thoại, còn khâu khó nhất là việc chuyển hàng từ biên giới về Lạng Sơn, hay Hà Nội cũng không phải lo ngại gì cả!

Trung tá Vũ Quốc Ân, Chính trị viên Đồn biên phòng Tân Thanh, cho biết, nhu cầu lớn, lợi nhuận cao nên các đối tượng buôn lậu không từ bỏ bất cứ thủ đoạn tinh vi nào, thậm chí là liều lĩnh, côn đồ để đưa được hàng lậu vào nội địa, cũng như đối phó với lực lượng chức năng. Hàng lậu thường được tập kết tại các đường mòn trên biên giới, sau đó được xé lẻ gọn nhẹ, chờ thời cơ để “đội quân” cửu vạn lên đến hàng trăm người vượt biên vận chuyển vào nội địa. Các đối tượng buôn lậu không chỉ tổ chức đội quân “chim lợn” theo dõi và cản trở lực lượng chống buôn lậu mà còn thường thuê các cửu vạn là người dân địa phương để vận chuyển hàng hóa qua đường mòn, lối mở ở khu vực đường biên hiểm trở.

Đặc biệt, cửu vạn vận chuyển hàng lậu qua biên giới không chỉ có thanh niên, mà còn có cả người già và trẻ nhỏ. Thậm chí, nhiều đầu nậu còn bắt  cửu vạn phải đặt cọc tiền hàng được thuê vận chuyển nên khi bị bắt giữ các đối tượng vận chuyền hàng lậu thường không chấp hành lệnh kiểm tra mà vứt hàng xuống núi, hoặc tổ chức chống đối nhằm tranh cướp lại hàng.

Lực lượng đồn biên phòng Lạng Sơn bắt giữ một vụ vận chuyển hàng lậu tại đường mòn gần cửa khẩu Tân Thanh.

Gồng mình ngăn chặn

Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết, để ngăn chặn buôn lậu qua biên giới, cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn duy trì đủ quân số, túc trực 24/24 giờ tại 47 lán trại chốt trên các đường mòn lối mở bất kể thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, đồng thời tiến hành rào dây thép gai 57 điểm với chiều dài gần 1.000m tại các đường mòn, lối mở trọng điểm qua lại biên giới.

Theo Thượng tá Ninh Văn Hợp, trong suốt hai tháng qua, lực lượng đồn Hữu Nghị cũng như nhiều đồn biên phòng khác trên địa bàn Lạng Sơn đang phải căng mình trên toàn tuyến biên giới để chống buôn lậu. Riêng đồn Hữu Nghị đã tổ chức rào dây thép gai 15 đường mòn trên biên giới, chiều dài 480m, cao 1,6 - 2m; duy trì lực lượng chốt tại 15 lán trên biên giới và các đường mòn trọng điểm ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và vận chuyển hàng lậu. Đồng thời duy trì hai tổ cơ động có nhiệm vụ cơ động tuần tra bắt giữ đối tượng vận chuyển hàng lậu xuống khu vực khe 05, 06 thuộc khu Nam Quan và quốc lộ 1A thuộc khu vực Thác Nước thị trấn Đồng Đăng và tuyên truyền giải tán cửu vạn tụ tập chờ qua biên giới vác hàng. Thời gian qua, lực lượng của đồn phối hợp với các đơn vị trên địa bàn và lực lượng chức năng đã kiểm tra và xử lý 24 kho thu gom, tập kết hàng hóa thẩm lậu qua biên giới, đồng thời bắt giữ 354 vụ nhập hàng hóa qua biên giới có giá trị hàng tỷ đồng, trong đó có 7 vụ với gần 400kg pháo các loại.

Tuy nhiên, Thượng tá Ninh Văn Hợp cũng thẳng thắn cho rằng, các giải pháp phòng chống, ngăn chặn buôn lậu hiện nay chỉ mang tính tình thế, còn về lâu dài, đòi hỏi phải có biện pháp phòng chống hàng lậu ngay từ nội địa, đồng thời phải đẩy mạnh việc sản xuất hàng hóa trong nước mới có thể ngăn chặn triệt để.

Trước tình hình buôn lậu diễn ra căng thẳng vào dịp gần tết, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Lạng Sơn, cho biết, trên khu vực biên giới đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng phối hợp với hải quan tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến, địa bàn biên giới, tập trung kiểm soát chặt các khu vực đường mòn, lối mở nơi có điều kiện, khả năng vận chuyển hàng lậu. Trong khu vực nội địa, tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo lực lượng công an thực hiện các chuyên đề, chuyên án đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại.

VĂN PHÚC - THÀNH NAM - NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục