Sống thật và mê nghiên cứu

Sống thật và mê nghiên cứu

Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XV năm 2015

Không chỉ là tấm gương sáng ở Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM về tính cần cù, chịu khó học tập - nghiên cứu, sống hết lòng với mọi người, Nguyễn Thị Kim Liên (30 tuổi, Trưởng phòng Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản) còn được đồng nghiệp, bạn bè biết đến là “cây sáng kiến’ trong lĩnh vực nhân giống, bảo tồn thủy sản quý hiếm...

Chị Kim Liên đang chăm sóc đàn cá dĩa - một loài cá giá trị xuất khẩu cao nhưng lại khó nuôi ở Việt Nam

Sinh ra ở vùng quê nghèo Bình Triều (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), từ nhỏ Liên đã được trui rèn rất nhiều về lòng nhẫn nại, tính chịu khó nên lớn lên khi thực hiện một công việc dù lớn hay nhỏ, Liên đều quyết tâm làm bằng được. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành Nuôi trồng thủy sản (Đại học Nông lâm TPHCM), Liên mạnh dạn chọn Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao (Ban quản lý Khu nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM) làm bến đỗ với vị trí... công nhân chăm sóc giống! Vừa làm việc ban ngày tại đây, đêm đến Liên lại chạy xe máy hàng chục cây số lên trung tâm thành phố để học tập nâng cao trình độ chuyên môn. 6 năm sau, Liên đã cầm trên tay hai tấm bằng đại học và thạc sĩ.

Quá trình làm việc, Liên nhận thấy các loại cá cảnh, cá thương phẩm như cá heo xanh, cá dĩa, cá chạch lửa... có giá trị kinh tế rất lớn ở thị trường trong nước và quốc tế nhưng hiện đang giảm số lượng, do khó thích nghi với điều kiện sống ở Việt Nam vì tỷ lệ sinh nở ít, lại bị tận thu quá mức. Là một kỹ sư nuôi trồng thủy sản đam mê nghề, Liên luôn trăn trở: “Cách nào để cá đẻ nhiều, để cá kháng bệnh? Đặc biệt là làm sao để không chỉ có trung tâm nghiên cứu mà người dân vẫn nuôi và kinh doanh được?”. Liên bắt đầu lao vào nghiên cứu. Ngoài thời gian làm việc tại Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao, Liên tận dụng triệt để các ngày cuối tuần, nghỉ phép, thậm chí cả ban đêm để “phiêu dạt” trên mạng, đi khắp nơi, tiếp cận với nhiều nông dân, chuyên gia thu thập kiến thức liên quan.

“Tôi lao vào nghiên cứu, thí nghiệm, ứng dụng lần 1 không được, tôi lại tiếp tục làm. Có loại cá phải điều chỉnh, thí nghiệm độ pH, oxy hòa tan... cả trăm lần và đến nay tất cả đều cho ra kết quả tốt”, Liên chia sẻ. “Nghiên cứu nuôi sinh khối Artemia trong bể kính làm thức ăn cho cá dĩa” là một trong số hàng chục đề tài nhân giống, bảo tồn thủy sản được Liên nghiên cứu áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. Khi ăn thức ăn này, cá dĩa mẹ sẽ để số lượng cá con tăng hơn 30% so với ăn thức ăn thường (trùn chỉ, tim bò...). Với hơn 20 đề tài nghiên cứu nhân giống, bảo tồn thủy sản và chuyển giao công nghệ thành công, Liên đã giúp người nuôi trồng thủy sản làm lợi hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ở công việc chuyên môn là vậy, trong cuộc sống sinh hoạt tại cơ quan công tác, Liên luôn được đồng nghiệp, cấp trên thương quý vì sống chân thành, sẵn lòng giúp đỡ đồng nghiệp tiến bộ, vượt qua khó khăn trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tháng 7-2015, Liên đã được Hội đồng chấm giải Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2015 công nhận là 1 trong 15 người đoạt giải thương danh giá này.

TUẤN VŨ

--------------------------------------------------------

Có duyên với sáng chế

Ngày đầu tiên bước chân vào Xí nghiệp Cao su kỹ thuật cao (nay là Công ty TNHH một thành viên Cao su Thống Nhất thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn), kỹ sư Huỳnh Văn Kháng cứ ám ảnh mãi hình ảnh những công nhân hàng ngày hì hục vác đá cây bỏ vào các bồn chứa keo để làm keo mau nguội. Làm việc được 5 tháng, anh đề xuất lãnh đạo xí nghiệp đầu tư để anh chế tạo máy làm lạnh nước và lắp đặt hệ thống giải nhiệt keo.

“Ngày ấy khi nghe tôi trình bày, nhiều người tròn mắt vì lính mới vào làm mà dám xin vài chục triệu đồng thực hiện một đề tài nghe có vẻ hoang tưởng”, anh Kháng cười hiền lành nhớ lại những ngày đầu tiên bước vào lĩnh vực sáng chế cho xí nghiệp.

Kỹ sư Huỳnh Văn Kháng (áo trắng) hướng dẫn đồng nghiệp sử dụng các thiết bị

Xin lần 1 không được, kỹ sư Huỳnh Văn Kháng vẫn kiên trì đề xuất tiếp với cam kết lấy lại vốn sau 2 - 3 tháng. May mắn, anh lọt vào “mắt xanh” một kỹ sư Hóa học - Phó Tổng giám đốc Trần Thanh Lãm, một trong những lãnh đạo ủng hộ và nuôi dưỡng các phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Sau một thời gian ngắn, hệ thống chế tạo máy làm lạnh nước và hệ thống giải nhiệt keo ra đời. Ưu điểm lớn nhất của hệ thống này là có đầu ra đạt đến 50C, có bộ lọc sạch nước tránh tạp chất (cát bụi) mà nước đá cây không thể đạt được. Không chỉ vậy, hệ thống ấy còn được dẫn thẳng đến các bồn chứa keo và đường ống tuần hoàn trong toàn xí nghiệp.

Đúng như lời anh Kháng cam kết, sau 2 tháng, xí nghiệp thu hồi lại vốn! Chỉ trong 1 năm, hệ thống làm lạnh của anh Kháng đã làm lợi cho xí nghiệp gần 60 triệu đồng, giúp hàng chục công nhân đỡ vất vả sức lực.

Từ đó, đều đặn hàng năm, kỹ sư Huỳnh Văn Kháng đều có các sáng kiến cải tiến quan trọng, đóng góp lớn cho công ty. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011 - 2015, anh Kháng đã có gần 20 sáng kiến, cải tiến và thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng với tổng giá trị làm lợi hàng năm gần 3 tỷ đồng. 7 năm công tác tại đây kỹ sư Huỳnh Văn Kháng (37 tuổi) đã có một bộ “sưu tập” các bằng khen, giấy khen, danh hiệu thi đua cho các phong trào lao động giỏi. Là Trưởng ban Cơ điện của công ty, anh còn đào tạo sử dụng thiết bị, dụng cụ cải tiến, an toàn lao động… cho hơn 240 lượt đàn em, sinh viên thực tập của đơn vị và bồi dưỡng, đào tạo cho nhiều công nhân đạt danh hiệu thợ giỏi.

“Tôi may mắn được làm việc trong một ngôi nhà thân thiện, mà ở đó sự sáng kiến luôn được trọng dụng và khuyến khích, nhờ vậy tôi có điều kiện phát huy”, kỹ sư Huỳnh Văn Kháng đúc kết ngắn gọn những thành quả đạt được của mình.

LINH ĐAN

Tin cùng chuyên mục