Hiện nay một số bệnh tâm lý có xu hướng tăng ở trẻ em như: trầm cảm, rối loạn cảm xúc… là những bệnh liên quan đến stress. Theo các bác sĩ tâm lý, nguyên nhân là do trẻ chịu nhiều áp lực từ việc học hành, nhà trường, xã hội, cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng nơi con, mâu thuẫn với bạn bè, hay không thể hòa nhập môi trường sống… Trong khi đó, đáng nói, xã hội vẫn còn những định kiến nặng nề về loại bệnh lý này, một số phụ huynh thường né tránh không thừa nhận con mình đang có vấn đề về tâm lý.
Tự làm tổn thương vì áp lực
Nhiều ngày có mặt tại Khoa Tâm lý Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần TPHCM, chúng tôi chứng kiến nhiều câu chuyện thương tâm về những trường hợp trẻ sớm mắc các chứng rối loạn tâm lý. Trước cửa các phòng khám, lẩn khuất phía sau hàng ghế chật kín người đang chờ đến lượt con mình, một phụ nữ với nét mặt lo âu đang nắm chặt tay con, đôi mắt ưu tư, đượm buồn nhìn những vết xước chằng chịt trên khắp cơ thể con…
Hỏi ra mới biết em tên N.T.A.Th. (14 tuổi, ngụ Q.3, TPHCM), từ nhỏ, Th. là một đứa trẻ ngoan, đạt nhiều thành tích cao trong học tập, nhạy cảm và hiếu động, cha mẹ còn dự định cho em du học. Nhưng đến năm 12 tuổi, Th. trở nên ít nói, vô cảm, mỗi khi cả nhà cùng xem một bộ phim đầy cảm động thì em lạnh lùng nói: “Có gì đâu mà đáng thương, con thấy bình thường”. Mẹ Th. để ý thấy môi em hay bị nứt, nên mua nhiều loại thuốc chống khô môi trị cho em, nhưng vẫn không thấy đỡ, thậm chí môi cứ bị chảy máu hoài và lúc nào em cũng mặc áo dài tay.
Có hôm, Th. đòi mẹ mua cho một con mèo, mẹ nghĩ chắc em thích nuôi mèo, yêu động vật. Đến một ngày, mẹ Th. tình cờ vào phòng con thì phát hiện Th. dùng móng vuốt con mèo làm công cụ để cào vào người mình. Bấy giờ, mẹ Th. mới hiểu em thường mặc áo dài tay là để che những vết rạch, trầy xước trên tay. Quá lo lắng, mẹ Th. đưa con đến bác sĩ tâm lý khám, mới biết Th. bị áp lực do gia đình quá kỳ vọng vào em, muốn em bằng mọi cách phải có được học bổng để du học giống các anh chị mình, em rất căng thẳng mà không thể biểu lộ.
Không chỉ vậy, mẹ Th. không thể tưởng tượng được rằng môi em bị nứt là do hàng ngày em đứng trước gương dùng tay để banh ra cho đến khi chảy máu môi, như một cách để giải tỏa áp lực. Điều đáng đau lòng hơn cả là những dấu hiệu bất thường đó đã xảy ra với em gần 2 năm thì gia đình mới phát hiện, nên việc điều trị rất khó khăn, phải kết hợp điều trị bằng thuốc, tâm lý trị liệu, nâng đỡ tinh thần, cũng như phải theo dõi 24/24 qua camera.
Theo một bác sĩ tâm lý của Bệnh viện Tâm thần TPHCM, đây là trường hợp cảnh báo nguy cơ tự tử rất lớn, vì khi Th. dám làm tổn thương bản thân được thì việc em tự tử là có thể xảy ra.
Cô đơn trong trường học
Tại Khoa Tâm lý tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần TPHCM, chúng tôi được các bác sĩ chia sẻ một trường hợp vừa xảy ra khoảng 1 tháng trước tại khoa này. Bệnh nhân là một bé gái mới 8 tuổi. Trước đây, bé phát triển tâm lý bình thường, ngoan hiền, chăm chỉ và học rất giỏi. Có lần, ông bà nội bé lấy thuốc uống nhưng tìm khắp nhà vẫn không thấy. Đến chiều, khi mẹ bé vào phòng bé dọn dẹp, sắp xếp lại đồ đạc thì thấy trong góc tủ của bé nhồi nhét rất nhiều thú bông, soạn hết thú nhồi bông ra thì thấy toàn thuốc là thuốc. Mẹ gọi bé hỏi: “Tại sao con lại có những hành động như vậy?”, bé trả lời: “Con lấy hết thuốc của ông bà nội cất trong tủ, để sẵn khi nào con buồn, con sẽ uống”.
Lo lắng khi thấy con có những biểu hiện lạ, mẹ đưa bé đến bác sĩ tâm lý khám. Bác sĩ theo dõi, tiếp cận bé một thời gian mới hiểu được nguyên nhân và thấy bé thật đáng thương. Bé buồn vì trong trường học không ai chơi với bé, bé không thể hòa nhập được với các bạn. Bởi bé được sinh ra trong một gia đình khá giả, bố mẹ cho bé học trường quốc tế nên bé phải ở bán trú, môi trường tiếp xúc chỉ quanh quẩn trong phạm vi trường học. Bố mẹ không muốn bé chơi với các bạn có hoàn cảnh gia đình thua kém, cho rằng sẽ ảnh hưởng những tính hư, tật xấu…
Những bạn bố mẹ của bé muốn bé chơi thì có bạn quá nóng tính, dữ dằn, có bạn lại quá đua đòi, hay bạo lực bắt bé phải đóng tiền hàng ngày mới được tham gia “hội”. Thầy cô thì kèm cặp, cho bé nhiều bài tập và kiểm tra bài liên tục… Do đó, bé vừa cảm thấy cô đơn vì không thể hòa nhập được với các bạn, vừa phải chịu áp lực từ việc học, lâu dần đã có những biểu hiện tâm lý bất thường.
Trẻ cần được lắng nghe
BS Trương Quốc Cường, Chuyên viên tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM, kể lại một trường hợp gần đây, một bé trai 8 tuổi đang học lớp 2 bán trú tại trường. Lúc học mẫu giáo và lớp 1, bé đi học bình thường. Lên lớp 2, bé bỗng xuất hiện những biểu hiện bất thường như mỗi buổi sáng khi thức dậy bé lại đau bụng. Sau đó, nặng hơn là bé đau bụng nhiều và kèm theo ói. Mẹ bé lo lắng đưa con đi điều trị khắp nơi, cho bé uống thuốc có khi bé hết, có khi không bớt, hay hết một vài hôm rồi bệnh lại tái phát.
Cuối cùng, mẹ bé quyết định đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 2, sau khi được bác sĩ tìm hiểu và cho biết nguyên nhân là do bé đến trường bị bạn bè chọc ghẹo, bé thưa với cô giáo, nhưng cô làm ngơ không quan tâm điều bé nói. Về nhà, bé cũng không kể cho mẹ. Từ đó bé bắt đầu có những biểu hiện trên. Mẹ bé cho biết trước khi bé xuất hiện triệu chứng đau bụng, ói mửa, bé đi học không tập trung, cô giáo mời phụ huynh nói chuyện về tình hình học tập của bé, sau khi mẹ nhắc nhở, bé bắt đầu than đau đầu.
Thời gian đầu bé đau ít, một cơn chừng 1-2 phút, càng ngày cơn đau của bé kéo dài hơn 15- 20 phút kèm ói, nhưng khi cho bé nghỉ học bé lại không còn đau nữa. Để điều trị cho bé, mẹ bé phải dành nhiều thời gian giao tiếp với con nhiều hơn, thay đổi việc chăm sóc bé và thay vì quá quan tâm đến bé thì cho bé cơ hội để trải nghiệm. Từ đó, triệu chứng của bé giảm dần. Tuy nhiên, trong cuộc sống, khi gặp phải những tình huống không tốt, bé lại cuống lên, mất bình tĩnh so với những người có tâm lý bình thường khác. Điều này cho thấy bé thuộc dạng là người dễ bị stress.
Stress kéo dài, nguy cơ tự tử cao
Thống kê của Bệnh viện Tâm thần TPHCM cho thấy, trong 3 năm trở lại đây, số lượng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện tăng khá cao. Nếu như 3 năm trước, bệnh viện nhận khoảng 400 bệnh nhân/tuần, thì hiện nay nhận 600-700 bệnh nhân/tuần (tổng hợp tất cả bệnh tâm lý có nguyên nhân thần kinh: chậm phát triển, động kinh, tăng động, sang chấn tâm lý…).
Người Việt Nam có thói quen, khi thấy có biểu hiện tâm lý bất thường, thường không đến các cơ sở y tế khám ngay, mà chọn cho mình cách tự xoay xở, tự chữa trị tại nhà như: đến tiệm thuốc tây mua thuốc, nghe bạn bè truyền tai nhau cách trị bệnh, hoặc theo trào lưu mới nhất hiện nay là tìm “bác sĩ Google”, sau đó làm theo hướng dẫn mà không cần biết nguồn gốc và tính chính xác của thông tin đó. Khi bệnh trầm trọng mới đến bệnh viện, lúc đó cơ thể đã quá sức chịu đựng, tức không còn là stress nữa mà bệnh đã quá nặng.
Khi trẻ mắc các bệnh về tâm lý sẽ kéo theo nhiều hệ lụy mà hậu quả trước mắt là sẽ mất một khoảng thời gian dài trẻ không thích ứng được với xã hội. Hoặc khi đã qua khỏi giai đoạn stress cấp tính, trẻ vẫn không thể đạt được khả năng học tập, tiếp thu như bình thường. Điều quan trọng là trẻ đã bị tổn thương về mặt tinh thần rất lớn. Lâu dài, trẻ sẽ hình thành một nhân cách lệch lạc, một nhân cách không bình thường, trẻ thu mình, nhút nhát hoặc phát triển theo hướng chống đối xã hội, không kiểm soát được hành vi, phá rối, nghiện ngập hay nguy hiểm nhất là tự tử.
Thiên Trang - Thủy Ngân