Stress ở trẻ em - Người lớn cần trị bệnh

Thông thường, ai cũng nghĩ chỉ người lớn, những người bị áp lực bởi công việc, gia đình, các mối quan hệ xã hội... mới bị stress. Và ở Việt Nam, ngay cả khi người lớn bị stress thì đa phần cũng tự xử lý là chính, chỉ khi bệnh quá nặng mới chịu đến bệnh viện. Vài năm gần đây, những người có điều kiện kinh tế, có hiểu biết nhất định về căn bệnh này mới tìm đến các bác sĩ tâm lý khi có các biểu hiện stress.
.
Đấy là nói về người lớn, còn với trẻ em, hiện nay đa số các ông bố, bà mẹ đều không thừa nhận hoặc cố tình không thừa nhận con mình bị stress. Với tâm lý “rằng đang tuổi ăn, tuổi học, có phải lo lắng gì đâu mà bị stress. Rằng các em chỉ nhõng nhẽo để trốn học...” và rồi khi các em bị stress nặng, các ông bố bà mẹ mới đưa con em mình đến bác sĩ, đến bệnh viện thì lúc này việc chữa trị đã trở nên khó khăn hơn nhiều.

Lỗi của người lớn về thiếu hiểu biết, chủ quan... thì đã rõ. Nhưng cái lỗi lớn hơn là chính các ông bố bà mẹ đã vô tình đẩy con em mình bị stress.

Có lẽ trong lịch sử Việt Nam, chưa bao giờ việc học của con cái lại nhận được sự quan tâm, đầu tư của toàn xã hội như hiện nay. Hàng trăm trường đại học đủ các loại, các đẳng cấp khác nhau đua nhau mọc lên. Học sinh phổ thông cũng có đủ loại trường từ trường chuyên, trường điểm, trường tiêu chuẩn quốc gia, trường công lập, trường quốc tế... tha hồ để các bậc phụ huynh lựa chọn đưa con em mình vào. Ai cũng muốn con mình giỏi, được vào trường có tỷ lệ đậu đại học cũng như có tỷ lệ kiếm học bổng du học cao... Và thế là các em “được” cha mẹ, thầy cô xem như những con “gà chọi”, được cả nhà trường và gia đình tập trung rèn việc học và luyện thi nhằm đáp ứng kỳ vọng của nhà trường và cha mẹ.

Học và luyện thi văn hóa thôi chưa đủ. Với mong muốn con em mình phải trở thành một con người giỏi toàn diện, phải có sức khỏe... thế là ngoài việc học và luyện thi văn hóa, các em lại được bố mẹ “tranh thủ” những khoảng thời gian trống của các em, kể cả thứ bảy, chủ nhật để đưa các em đi học ngoại ngữ, học nhạc, học võ, học vẽ và đủ loại năng khiếu khác... Trong khi Luật Lao động quy định người đủ tuổi lao động chỉ làm việc 8 tiếng/ngày, không quá 12 tiếng/ngày nếu có tăng ca và chỉ làm 5-6 ngày/tuần. Ấy vậy mà tại các đô thị lớn, không ít học sinh có lịch học từ 6g sáng đến 9g tối, kể cả thứ bảy, chủ nhật và trong dịp nghỉ hè. Với cường độ học và thi như vậy, không chỉ các em mà có lẽ người lớn rơi vào hoàn cảnh ấy cũng phát điên chứ không chỉ stress...

Chúng ta đang cải cách giáo dục, cải tiến chương trình học, giảm tải cho học sinh... nhiều chương trình, đề án, khẩu hiệu đã được người lớn xây dựng và triển khai, nhưng xem ra áp lực  đối với các em vẫn chưa hề giảm mà còn có xu hướng tăng lên.

Vấn đề hiện nay là người lớn phải trả lời được câu hỏi chúng ta đang muốn gì? Muốn con em mình có một tuổi thơ đúng nghĩa, một kiến thức nền phổ thông cơ bản, một tâm hồn phong phú, biết rung động trước cái đẹp, biết hướng theo cái tốt, biết lên án cái xấu, biết yêu thương, chia sẻ với đồng loại, biết đâu là giá trị của chân thiện mỹ... Hay chúng ta muốn con em mình là những cỗ máy để thâu tóm càn khôn thiên hạ, muốn con em mình thành đạt mà tiêu chí của nó là phải kiếm được, phải có thật nhiều tiền. Bắt con em mình phải thực hiện ước mơ của cha mẹ mà không cần biết các em đang ước mơ gì?

Chung quy lại vẫn là “lỗi tại ta”, tại người lớn, vì vậy chính chúng ta, người lớn phải là người thay đổi, phải là người cần được “chữa bệnh” để con em mình không bị bệnh.

Sài Gòn Giải Phóng thứ bảy

Tin cùng chuyên mục