Sự cố tại đập thủy điện Sông Tranh 2 - Tổng lượng nước thấm đã giảm xuống còn 7-8 lít/giây

Trong cuộc họp báo tổ chức chiều 28-3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cũng như lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chủ dự án công trình thủy điện Sông Tranh 2, đại diện công ty tư vấn thiết kế dự án khẳng định vụ rò rỉ nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2 chỉ là một “khiếm khuyết” của công trình, không thể xảy ra vỡ đập.
Sự cố tại đập thủy điện Sông Tranh 2 - Tổng lượng nước thấm đã giảm xuống còn 7-8 lít/giây

Trong cuộc họp báo tổ chức chiều 28-3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cũng như lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chủ dự án công trình thủy điện Sông Tranh 2, đại diện công ty tư vấn thiết kế dự án khẳng định vụ rò rỉ nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2 chỉ là một “khiếm khuyết” của công trình, không thể xảy ra vỡ đập. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng cần có đánh giá một cách tổng thể, đưa ra kết luận chính xác của cơ quan Nhà nước về độ an toàn của đập.

  • Vẫn an toàn

Theo ông Nguyễn Tài Sơn, Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng thủy điện 1, đập thủy điện Sông Tranh 2 là công trình được xây dựng theo kết cấu đập trọng lực với kiểu thi công bê tông đầm lăn, vì vậy chỉ tiêu quan trọng nhất là dung trọng. Theo đó, chỉ tiêu dung trọng đặt ra là 2,45 tấn/m³ nhưng khi kiểm tra, đánh giá đều vượt so với thiết kế. Do đó, có thể yên tâm đập có kết cấu rất chắc chắn, ngay cả khi có lũ lớn cũng không thể trôi hoặc đổ được.

Ông Sơn cho rằng: “Thực ra, đập thủy điện Sông Tranh 2 chỉ có khiếm khuyết là để xảy ra lượng nước thấm hơi lớn và quy trình xử lý hiện tượng thấm khi có sự cố xảy ra chưa đạt yêu cầu”. Vì vậy cần phải xử lý đúng cách mới đảm bảo lâu dài cho độ an toàn của đập.

Công nhân lắp ống nhựa gom nước tại vai đập tiếp giáp với cửa xả thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Công nhân lắp ống nhựa gom nước tại vai đập tiếp giáp với cửa xả thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, để xảy ra hiện tượng rò rỉ nước ra mái đập phía hạ lưu như ở thủy điện Sông Tranh 2 là không được phép theo thiết kế của dự án. Tuy nhiên sau khi xảy ra sự cố, EVN đã tích cực chỉ đạo chủ đầu tư dự án và nhà thầu khắc phục sự cố, hạn chế lượng nước rò rỉ, thu gom nước về các hành lang thoát nước.

“Nhờ vậy, đến sáng 28-3, tổng lượng rò rỉ từ 30 lít/giây giảm xuống còn khoảng 7-8 lít/giây, chứng tỏ các giải pháp khắc phục đã có hiệu quả... Chắc chắn đập thủy điện Sông Tranh 2 sẽ không xảy ra sự gây nguy hại tới tài sản và tính mạng của người dân ở hạ lưu” - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết.

Dẫu vậy, hiện nay nhiều người vẫn còn hồ nghi về chất lượng của đập thủy điện Sông Tranh 2, đề nghị cần có cơ quan kiểm định độc lập, thậm chí có thể thuê các chuyên gia đủ năng lực và uy tín của nước ngoài vào làm rõ. Song ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về các công trình xây dựng cho rằng không cần phải mời cơ quan kiểm định độc lập mà nên để chủ đầu tư và nhà thầu tập trung khắc phục hiện tượng thấm trên mái đập của thủy điện Sông Tranh 2.

  • Khẩn trương xử lý nước thấm

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn không có nghĩa là chúng ta có thể chủ quan mà phải tích cực xử lý triệt để hiện tượng rò rỉ, vì để lâu dài thì nước thấm ra bề mặt đập sẽ ảnh hưởng tới chất lượng bê tông, an toàn của đập. Do vậy, giải pháp trong thời gian tới, trước mắt là phải triệt tiêu hiện tượng nước thấm ra phía hạ lưu mái đập. “Phải triển khai các giải pháp tích cực để trong thời gian ngắn nhất, hy vọng cuối tháng 3 có thể triệt tiêu dòng thấm, nước chỉ chảy vào các hành lang thoát nước”- Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Bước tiếp theo là xử lý các khe thấm để đảm bảo an toàn cho công trình, cố gắng hoàn thành trước mùa mưa lũ năm nay. Cuối cùng mới kiểm tra, đánh giá một cách toàn diện về tình trạng đập Sông Tranh để đảm bảo công trình được vận hành đúng thiết kế.

Ông Trần Văn Được, Phó Tổng giám đốc EVN bổ sung thêm: “Sau khi sự cố xảy ra, chúng tôi đã họp bàn với đơn vị tổng thầu, tư vấn thiết kế dự án và chủ đầu tư dự án thống nhất các bước xử lý hiện tượng thấm nước tại đập thủy điện Sông Tranh 2”. Theo đó, EVN đã yêu cầu kiểm tra toàn bộ hệ thống ống thông nước, có tổng cộng 72 ống thu nước hành lang. ÔÁng nào không thông, phải khoan bổ sung luôn. Thu gom toàn bộ nước về hành lang thoát nước, không để thấm ra mái đập hạ lưu. Đoàn kiểm tra gồm tổng thầu, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và ban quản lý dự án.

Ngoài ra, ông Lê Quang Hùng cho rằng, hiện nay chưa nên đặt ra vấn đề khoan mẫu để kiểm tra chất lượng công trình, vì toàn bộ quá trình thi công bê tông đã được kiểm tra, mẫu đã được lấy theo đúng tỷ lệ tần suất, sau đó khoan lõi lấy mẫu rồi mới nghiệm thu. Nếu chỉ thấm lõi, chưa chắc đã phải lấy mẫu bê tông vì cường độ bê tông vẫn đảm bảo.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết, hiện nay ở nước ta đã có 14 công trình thủy điện xây dựng theo kiểu đập bê tông đầm lăn như thủy điện Sông Tranh 2. Trước đây cũng đã từng xảy ra một vụ thấm nước tương tự tại công trình thủy điện Plei Krong với tổng lượng thấm khoảng 25 lít/giây. Tuy nhiên sau đó, sự cố đã được xử lý thành công, giảm lượng nước thấm trên bề mặt đập xuống chỉ còn khoảng 3 lít/giây. Hiện nay, công trình đang vận hành an toàn, ổn định. 

Cần có kết luận chính xác để dân yên tâm

Trả lời câu hỏi của báo giới sau những thông tin, kết luận sơ bộ về sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 do Bộ Công thương, EVN cũng như chủ thầu, công ty tư vấn thiết kế và chủ dự án đưa ra, ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Chúng tôi vẫn có niềm tin về an toàn đập thông qua các chỉ đạo và trao đổi với các chuyên gia. Tuy nhiên, tôi cũng muốn bày tỏ, nhân dân và chính quyền tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều lo lắng, nhất là việc liên quan tới hiện tượng trong thời gian qua từ động đất đến việc thấm nước có liên quan logic với nhau hay không. Tôi cho rằng lo lắng của nhân dân là chính đáng vì mặc dù đây là vấn đề thuộc về khoa học và chuyên môn nhưng chính quyền và người dân chỉ biết nhìn thực tế sự việc. Các nhà chuyên môn, các nhà khoa học nên có sự thống nhất để chúng tôi yên tâm. Nay chúng ta ngồi đây nhưng các nhà khoa học khác không có mặt vẫn có những nhận định khác nên nhân dân lo lắng. Do đó, chúng tôi mong muốn có kết luận chính thức, đánh giá bằng văn bản của nhà nước để tỉnh Quảng Nam hiểu và tuyên truyền cho nhân dân. Cần đánh giá tổng thể về công trình thủy điện Sông Tranh 2 để có giải pháp căn cơ hơn trong việc xử lý thấm nước và an toàn lâu dài của đập”.

PHÚC HẬU

Vụ rò rỉ nước tại đập thủy điện Sông Tranh 2

- Chính phủ kết luận việc thấm nước tại thủy điện Sông Tranh 2

- Gấp rút tìm phương án đối phó sự cố vỡ đập

Nước vẫn chảy xối xả

- Yêu cầu chống thấm trước mùa mưa lũ

- Nhà thầu vi phạm thiết kế

- Khẩn trương kiểm tra, khắc phục việc thấm nước tại thủy điện Sông Tranh 2

- Vụ đập thủy điện Sông Tranh 2 rò rỉ nước - Đề nghị mời chuyên gia tư vấn độc lập

- Vết nứt thủy điện Sông Tranh 2 là khe nhiệt?

Tin cùng chuyên mục