Nhận diện hạn chế
Công ty Hùng Vương thành lập năm 1992, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng. Một trong những sản phẩm chủ lực của công ty là sản xuất ống cống bê tông cốt thép (BTCT).
Song, với hệ thống giàn quay cống tròn BTCT công nghệ ly tâm cũ, được vận hành từ năm 1999 đến nay đã tương đối lỗi thời và bộc lộ nhiều nhược điểm, khó đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng như: về mặt kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng và giá thành sản phẩm; chi phí sản xuất cao, hao tốn điện năng; thời gian và chi phí bảo trì tốn kém.
Với công nghệ cũ, quá trình sản xuất phụ thuộc chủ yếu vào kinh nghiệm của người vận hành dẫn đến áp lực về nhân công; người lao động phải tiếp xúc trực tiếp với nguồn điện nên chưa đảm bảo an toàn lao động…
Nhận diện những hạn chế đó, cuối năm 2016, anh Toản mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo công ty hướng nghiên cứu, cải tiến của mình. Được ban giám đốc ủng hộ, công đoàn công ty sát cánh, sau 6 tháng mày mò nghiên cứu, anh Toản đã cho ra đời hệ thống giàn quay cống tròn BTCT công nghệ ly tâm vận hành trên bảng điều khiển tự động. Mất 2 tháng đưa vào thử nghiệm với nhiều thao tác chỉnh sửa, cải tiến mà anh Toản nghiên cứu đã giải quyết toàn bộ những nhược điểm của hệ thống cũ.
Không bằng lòng với cái sẵn có
Từ hiệu quả ấy, công ty đã đưa mô hình nhân rộng ra các chi nhánh, đến nay, 4 nhà máy với 19 giàn quay được vận hành đã làm lợi nhiều cho công ty.
Cụ thể: giúp giảm 30% sức lao động cho việc vận hành, bảo trì và sửa chữa; về mặt cơ khí, do tận dụng lại được vật tư thay thế, đã giảm số lần bảo trì sửa chữa từ 2 lần/năm xuống 1 lần/năm, giúp công ty tiếp kiệm được 680 triệu đồng/năm, tiết kiệm gần 674.000kW điện/năm, tương đương gần 1,4 tỷ đồng/năm.
Tính ra, cải tiến hệ thống giàn quay cống tròn BTCT công nghệ ly tâm vận hành trên bảng điều khiển tự động của kỹ sư Toản đã làm lợi cho công ty hơn 2 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, điều khiến anh Toản tâm đắc nhất là cải tiến đã đảm bảo an toàn cho người lao động, hạn chế để công nhân phải tiếp xúc trực tiếp với nguồn điện trong quá trình sản xuất.
Ngoài ra, thời gian qua, anh Toản cũng có nhiều cải tiến nổi bật khác như thiết kế, chế tạo dây chuyền máy đúc gối bê tông công nghệ rung bàn, giúp Công ty Hùng Vương giảm 50% chi phí làm khuôn, giảm 60% sức lao động, tăng năng suất 6 lần so với phương pháp cũ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành và giảm thất thoát vật liệu…
Dây chuyền này làm lợi cho công ty hơn 1 tỷ đồng/năm. Hay thiết kế máy nạp liệu bê tông cho cống tròn BTCT công nghệ quay ly tâm, giúp làm lợi cho công ty 1,2 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, trợ lý Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công đoàn Công ty Hùng Vương, cho biết, kỹ sư Trần Quốc Toản rất nhiệt huyết với phong trào thi đua và lăn xả với các công trình nghiên cứu. Hơn 10 năm gắn bó với công ty, kỹ sư Trần Quốc Toản đã nghiên cứu 17 sáng kiến và cùng tập thể nghiên cứu 9 sáng kiến khác, tất cả đều được công ty áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Khi được hỏi động lực nào khiến anh không ngừng tìm tòi, cải tiến các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, anh Toản cười vui: “Tôi coi cải tiến là sứ mệnh của mình. Tôi luôn không bằng lòng với cái sẵn có vì nó chưa đem lại lợi ích cao nhất cho công ty, cho khách hàng và chưa đảm bảo an toàn của chính người lao động, đó là động lực giúp tôi miệt mài nghiên cứu”.
Từ những nỗ lực ấy, năm 2018, kỹ sư Trần Quốc Toản được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng bằng khen Người thợ trẻ giỏi toàn quốc lần thứ IX.