Các loài động vật có vú khác đều cho con non bú ngon lành ngay sau khi sinh mà không cần “bảng hướng dẫn cách cho con bú”. Con người chúng ta cũng vậy, khi đứa bé chào đời, người mẹ nào cũng có một thôi thúc tự nhiên hướng đến con mình, 2 tay nâng ẵm con, ôm con vào lòng và cho con bú mà không cần ai chỉ dẫn.
Nhưng con người vốn “thông minh” hơn các loài có vú khác nên thường hỏi han nhau, nghe lời chỉ vẻ, đọc hướng dẫn cách cho con bú trước. Có lẽ vì “biết trước” nên lần đầu cho con bú, người mẹ nào cũng trở nên… lóng ngóng. Chưa kể là “con người xã hội”, các chị em thường bị chi phối bởi nhiều yếu tố: tâm lý sẽ trở lại với công việc sau 6 tháng nghỉ sinh; vấn đề thẩm mỹ; căng thẳng trong cuộc sống...
Cho con bú sữa mẹ ngay sau khi bé ra đời để bé được hưởng những giọt sữa non quý giá
Nhưng sự thật luôn hiển nhiên: Cho con bú là thiên chức cao cả, là sự gắn kết tình cảm thiêng liêng đẹp đẽ giữa mẹ và con. Cho con bú đúng cách, con sẽ được hưởng “siêu thực phẩm” quý giá nhất để thông minh, khỏe mạnh, mẹ vẫn giữ được sự gợi cảm của gái 1 con, 2 con, 3 con hay… mấy con đi nữa!
Quan sát tại bệnh viện phụ sản
Dạo quanh vòng khu sản khoa tại các bệnh viện ở TPHCM, giường bệnh hầu như chật kín sản phụ. Không đủ giường nằm trong phòng, nhiều sản phụ phải nằm cạnh con trên những chiếc giường tạm đặt ngoài hành lang lối đi. Nhiều người cho biết, phần vì mệt sau khi phải “vượt cạn”, không gượng dậy nổi, phần ngại “tênh hênh” giữa hành lang nên ngại cho bé ngậm vú mẹ như lời dặn của bác sĩ. Người thân sẽ tự đi xuống căng tin bệnh viện để mua sữa bột pha cho bé uống trước vì sợ bé đói. Vì vậy, khi được hỏi cho con bú những giọt sữa non đầu tiên chưa, nhiều bà mẹ… ngơ ngác!
Bác Kim Thoa, 54 tuổi, chăm con gái sinh tại Bệnh viện Từ Dũ, tay ẵm đứa cháu trai mới sinh cho bú bằng sữa bột đã được gia đình chuẩn bị kỹ trước, vì con gái chưa có sữa kịp. Nằm gần đó, chị Thanh Minh, 25 tuổi, cho biết: “Vì đây là đứa con đầu lòng, nên tôi cố gắng tìm hiểu việc cho con bú đúng cách. Khi tôi vừa sinh bé, tôi cố gắng nằm bên cạnh con, cho con ngậm vú để kích thích sữa, nhưng thấy con ngậm lâu, rồi bắt đầu khóc nhiều. Lúc đó, nghe mọi người xung quanh khuyên nếu chậm sữa thì cho bé bú sữa bột trước nên tôi cũng làm theo”.
Chị Nguyễn Lê Bảo Linh (ngụ đường Phạm Viết Chánh, Q.Bình Thạnh, TPHCM): “Hỗ trợ quá khích” từ gia đình
Lúc mới sinh mổ tại Bệnh viện Từ Dũ, tôi khá mất sức, mặt mày tái mét. Em bé được bà nội ủ trong lòng, bà không cho tôi ôm con vì cho rằng tôi sinh xong dơ dáy, ôm con sẽ khiến con ngu. Tôi nói nếu tôi không ôm con, cho con bú thì sữa không xuống được. Bà vẫn nằng nặc để con xa tôi, trong khi dùng rượu pha gừng rồi hành củ nướng xoa lên ngực khiến tôi nóng rát khó chịu, ngực căng đau. Bà bảo làm như vậy sữa mới “chín, thơm, không bị tanh”, còn con tôi trước mắt cứ cho… bú bình!
Kể chuyện cho con bú
Chị Minh Thư (ngụ P.Đa Kao, Q.1, TPHCM) có con trai nay 3 tuổi, kể lại thuở bé con vừa chào đời:
Lúc mới sinh, con tôi ngủ suốt, tôi không có cách gì cho con bú được. Nhưng may là tôi có người chị làm tại khoa nhi một bệnh viện ở tỉnh nên tôi gọi điện cho chị thường xuyên để hỏi cách cho con bú. Chị căn dặn, tôi làm theo lời và thấy mọi việc suôn sẻ, dễ dàng. Khi em bé ngủ, tôi vẫn cứ đưa vú vào miệng bé, ban đầu bé vẫn say ngủ không bú, nhưng tôi cứ kiên trì như vậy suốt một ngày một đêm, cuối cùng bé cũng chịu bú, đó là phản xạ tự nhiên, nhưng tôi vẫn chưa ra sữa. Trong nguyên một ngày đầu chưa có sữa tôi lo bé đói nhưng chị tôi nói: “Bé có đủ dưỡng chất dự trữ trong những ngày đầu, em cứ kiên trì tập bú cho con vì sữa non rất quý, không việc gì vội vã cho con bú sữa ngoài”. Buổi sáng của ngày thứ hai, con tôi vẫn bú “chay” vú mẹ, nhưng đến chiều thì tôi có sữa. Bé bú bao nhiêu thì đủ no? Lúc đầu tôi băn khoăn về điều đó nhưng khi cho con bú, nhìn gương mặt thỏa mãn hạnh phúc rồi dần đi vào giấc ngủ của con tôi biết con đã no thì ngưng. Tôi cho con bú đến khi con 12 tháng thì thấy sữa mình không còn đủ chất lượng, tôi cảm nhận vậy thôi chứ không biết chắc, vì phải ra vào trông coi quầy thuốc tây, rồi công việc nhiều dần, việc ăn uống không được kỹ lưỡng như trước. Con tôi lúc ấy cũng đã có răng, tập ăn nhiều thức ăn khác, tôi mới cai sữa cho con. Tôi thấy con ít bệnh vặt, có lẽ nhờ bú sữa mẹ.
Chị Phan Hòa Bình (ngụ P.5, Q.10, TPHCM):
Tôi mới sinh, cứ thấy con nhỏ như con mèo, ẵm cho bú cứ sợ con… gãy cổ. Nhờ có chị hộ lý, ngày ngày đến nhà vệ sinh vết thương cho tôi và tắm cho con, hướng dẫn nên tôi mới biết cách cho con bú. Tôi cho con bú luôn cho đều cả 2 bên vú, “nếu không sau này sẽ… bên to bên nhỏ”, nghe chị hộ lý dặn vậy tôi lo răm rắp tuân theo. Trước khi cho con bú, tôi uống 2 ly lớn nước hoặc sữa, rửa tay thật sạch rồi dùng nước sôi để nguội rửa sạch bầu vú, lấy khăn sữa lau khô. Tôi ẵm con lên, dùng 2 chiếc khăn sữa khô, một chiếc đặt dưới đầu cổ em bé - phần tì lên tay tôi, một chiếc lót dưới lưng bé, rồi bắt đầu cho bé bú. Tôi đặt khăn sữa khô như vậy vì khi bé bú sẽ sinh nhiệt nên ra mồ hôi, cần lót khăn sữa khô để bé thoải mái trong lúc bú, không bị mồ hôi làm khó chịu và da bé luôn khô ráo, tránh nổi mẩn. Tôi luôn nặn bỏ một phần sữa trước khi cho con bú.
Khi bé bú no, tôi không dựng con lên hay cho nằm đột ngột, vì như vậy sẽ khiến bé nôn trớ. Tôi nhẹ nhàng dùng 2 tay bợ đỡ phần lưng, đầu, cổ bé dựng nhẹ bé lên mặt nghiêng sang một bên trên vai tôi, nhẹ nhàng vuốt lưng, kiên trì vuốt cho đến khi nghe tiệng bé ợ “rột” thì yên tâm đặt bé nằm xuống. Lúc đó bé đã ngủ ngon rồi.
Chị Quế Lâm (27 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TPHCM):
Bé nhà tôi nay đã 9 tháng, nhưng bắt đầu từ 2 tháng là tôi đã phải tập cho bé uống sữa bột. Dù mẹ tôi lúc nào cũng nấu những món lợi sữa cho tôi ăn, rồi uống thêm nước hoa quả, massage đến cả việc chạy thầy uống thuốc bắc mà sữa vẫn ít, bé thì ngày càng ốm vì không bú mẹ nhiều. Tôi tủi thân quá! Nhưng chuyển qua cho bé uống sữa bột thì thường hay bị táo bón, nên tôi phải thay đổi sữa liên tục, càng đổi sữa tôi càng hoang mang.
Chị Nguyễn Phương Thùy Linh (ngụ đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TPHCM):
Tôi cho con bú chỉ 4 tháng thôi vì tôi phải đi làm mà cháu thì rất háu bú, dễ bú, bú được cả sữa mẹ lẫn sữa bột. Hồi cháu được 1 tháng rưỡi, lúc vẫn bú sữa tôi hoàn toàn, một hôm tôi phát hiện da cháu bỗng vàng khè. Tôi lo lắng không biết nguyên nhân gì. Tôi thử nặn sữa mình ra đầy lòng bàn tay thì phát hoảng khi thấy sữa màu trắng đục pha vàng. Lúc đó chợt nhớ ra, ngày nào mẹ tôi cũng nấu nước nghệ cho tôi uống thay nước, để tôi đẹp da và mau lành vết thương do sinh nở. Tôi trở lại uống nước sôi để nguội bình thường, chỉ uống nước nghệ vài lần trong tuần, thì thấy da con tôi hết vàng và hồng hào trở lại.
Chị Thủy An (ngụ đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TPHCM):
Con tôi lúc sinh ra một bên tay trái bị trật phải nẹp, vì thế tôi chỉ cho con bú được một bên bầu vú phải của tôi. Một tháng đầu cứ cho con bú một bên như vậy, ngực tôi chênh nhau hẳn “bên 5 bên 10”. Một lần chị bạn đến thăm thấy vậy tá hỏa, vội khuyên tôi cho con bú bên bầu vú phải, bên trái dùng máy hút sữa lấy sữa ra để 2 bên được… bằng nhau.
Tư thế cho con bú Vấn đề “ngực xấu” - Cho con bú mẹ không phải nguyên nhân khiến ngực xấu. Nguyên nhân là chăm sóc bầu vú không đúng cách như massage quá mạnh, quá nhiều, không biết cách nặn sữa, bơm hút quá nhiều, tư thế cho bú không đúng, mặc áo nịt ngực không đúng (mặc quá chật hoặc không mặc khiến không đủ lực nâng đỡ bầu vú). - Cai sữa đột ngột khiến bầu vú thu hồi nhanh bất thường, không đồng bộ. Nhiều trường hợp bầu vú thu về nhỏ hơn trước khi có thai hoặc mềm nhão, chảy sệ. - Nên cai sữa từ từ (giảm cử bú dần dần trong ít nhất 3 tháng) và dinh dưỡng đầy đủ, giàu vitamin E, A, giúp bầu vú có thời gian co lại, tuyến sữa trong bầu vú có thời gian thu hồi. Theo tài liệu Complications of Breast Implants của Bộ Y tế Mỹ |
LÂM AN - THỦY NGÂN