Sức bật đầu năm

Ngay đầu năm mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Theo nội dung của nghị quyết, có 6 trọng tâm chỉ đạo điều hành. Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật. Hai là, tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng thực chất, hiệu quả hơn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Ba là, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, thực chất hơn gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Bốn là, thực hiện nghiêm việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Năm là, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín và vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Chủ tịch AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Sáu là, chủ động thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, lan tỏa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường. Nghị quyết cũng nêu 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm triển khai 6 trọng tâm chỉ đạo điều hành trên.

Tại ĐBSCL, từ giữa tháng 12-2019, một số địa phương cũng đã triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Với vị trí là trung tâm vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,51%, tăng so với năm 2018 và tăng cao hơn so với mức tăng bình quân của cả nước. Đây là tiền đề quan trọng để TP Cần Thơ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2015-2020 trong năm tới. Tại Bến Tre, để thực hiện tốt tinh thần “Bứt phá về đích”, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Kết luận số 359 của Tỉnh ủy nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nâng cao hiệu quả thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh. Là tỉnh tăng trưởng xếp thứ 2 ở ĐBSCL, năm 2020, Bạc Liêu sẽ phát huy thành tích này với quyết tâm tiếp tục trở thành tỉnh nằm trong tốp đầu của khu vực về tăng trưởng kinh tế. Để tăng tốc, bứt phá, Bạc Liêu sẽ tập trung thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp với trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị ngành tôm. Đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành dự án xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2020 (2-1), UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2020, tạo ra khí thế sôi nổi ngay từ đầu năm với kỳ vọng năm 2020 sẽ có nhiều bước đột phá. Chỉ ra 4 nhóm vấn đề trọng tâm cần tập trung thực hiện trong năm 2020, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các sở, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể và phối hợp thực hiện hiệu quả.

Có thể thấy, quyết tâm của Chính phủ đã lan tỏa đến các địa phương ngay từ đầu năm, từ gợi ý của Thủ tướng về chỉ đạo, điều hành. Đó là không ngừng đổi mới tư duy xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để hoàn thành nhiệm phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển của đất nước.

Tin cùng chuyên mục