Sức hút từ thủ phủ công nghiệp mới

Năm 2021, Bình Dương trở thành một hiện tượng khi có thu nhập bình quân đầu người hơn cả TPHCM và Hà Nội. Dù cũng là một trong các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ càng minh chứng cho vị thế đang lên và sức hút từ thủ phủ công nghiệp mới của vùng Đông Nam bộ.

Năm 2021, trong khi một số địa phương có mức tăng trưởng thấp hoặc suy thoái do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì Bình Dương vẫn đạt mức tăng trưởng 6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 7,02 triệu đồng/tháng, trong khi cả nước khoảng 4,23 triệu đồng/tháng. Năm nay, thu hút đầu tư vẫn là điểm sáng của tỉnh khi tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của các tập đoàn lớn trên thế giới, trong đó nổi bật là Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) khởi công xây dựng nhà máy trị giá hơn 1 tỷ USD ngày 3-11 tại KCN VSIP 3. Dự án mang lại cơ hội việc làm cho 4.000 lao động trong vòng 15 năm tới; là dự án có số vốn đầu tư lớn nhất do một doanh nghiệp Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam và là nhà máy thứ 6 của tập đoàn này trên thế giới. Mới đây, ngày 11-11, Bình Dương cũng đón nhận tin vui khi Trường Đại học Việt - Đức có tổng vốn đầu tư 180 triệu USD đã chính thức khánh thành. Sinh viên và học viên tốt nghiệp của trường đạt tiêu chuẩn đào tạo của Đức và châu Âu, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.  

Các đại biểu tham quan mô hình nhà máy của Tập đoàn Lego
Theo UBND tỉnh Bình Dương, 10 tháng đầu năm 2022, Bình Dương đã thu hút được 2,738 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 57% so với cùng kỳ, đứng thứ 2 cả nước về thu hút dòng vốn ngoại; trong đó có 58 dự án đầu tư mới (1,869 tỷ USD), 18 dự án điều chỉnh tăng vốn (20 triệu USD) và 138 dự án góp vốn (849 triệu USD). Kết quả đó cho thấy, Bình Dương tiếp tục là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài ở vùng Đông Nam bộ. 

Nếu cách đây hàng chục năm, Đồng Nai và TPHCM luôn là điểm đến của lao động từ các địa phương trên cả nước thì gần đây, cụm từ “đi Bình Dương” trở thành một cụm từ quen thuộc của người lao động đến từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc... Hiện toàn tỉnh có 30 KCN, gần 4.000 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 36,5 tỷ USD. Về số lượng KCN, Bình Dương chưa vượt qua Đồng Nai nhưng cái Đồng Nai thiếu là không có các KCN diện tích lớn, được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh như các KCN - đô thị tổng hợp VSIP 1, VSIP 2, VSIP 3. Tỉnh đang ưu tiên kêu gọi đầu tư dịch chuyển lên các huyện phía Bắc với Bàu Bàng là tâm điểm để không tập trung quá đông KCN tại khu vực Thuận An, Thủ Dầu Một, hạn chế các vấn nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường mà đô thị TPHCM đang gặp phải.   
Bình Dương có nhiều người nhập cư, hầu hết đang trong độ tuổi lao động, có việc làm, chiếm hơn 50% trong tổng số 2,5 triệu dân của tỉnh. Tỉnh đang trong thời kỳ dân số vàng với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ trọng lớn; cùng với định hướng phát triển đô thị thông minh đi trước cả nước đã góp phần tạo ra hấp lực mới trong thu hút đầu tư và đảm bảo duy trì vị thế tốp đầu về thu nhập bình quân đầu người trong nhiều năm tới. 

Tin cùng chuyên mục