Thời gian qua, nông nghiệp - nông thôn ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng kinh tế đất nước. Cùng với việc triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội, các tỉnh, thành đang nỗ lực tạo nguồn hàng hóa ổn định, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất các mặt hàng thiết yếu cung ứng cho thị trường…
Bước tiến vững chắc
Chúng tôi về Hậu Giang trong những ngày vụ lúa đông xuân đang thu hoạch rộ, men theo quốc lộ 61, lúa phơi vàng ngoài sân và chất đầy trong nhà dân. Tiếng máy suốt, máy gặt đập liên hợp nổ ran khắp xóm làng. Trong ngôi nhà tường khang trang cặp kênh xáng Xà No, lão nông Lâm Ngọc Quang (Bảy Quí) cùng các “chiến hữu” trong câu lạc bộ sản xuất lúa giống đang nhóm họp bàn chuyện sản xuất giống vụ hè thu.
Câu chuyện của họ cứ bị ngắt quãng, bởi lâu lâu có người đến nhà Bảy Quí mua lúa giống. Thời gian qua, Bảy Quí đã sản xuất, cung ứng cho nông dân hơn 3.000 tấn lúa giống chất lượng cao, kháng sâu bệnh, chịu phèn. Những nông dân như Bảy Quí đang góp phần thực hiện chủ trương tăng cường sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Theo đó, các tỉnh sẽ quay vòng gần 2 triệu ha đất lúa từ 2-3 vụ lúa/năm, đưa diện tích trồng lúa trong năm lên 3,8 triệu ha, trong đó có 1 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao, đồng thời mở rộng diện tích cánh đồng một giống, tạo thuận lợi cho việc gieo sạ đồng loạt, khống chế dịch bệnh, cơ giới hóa đồng bộ; xây dựng thêm kho chứa nhằm nâng sức chứa của hệ thống kho chứa trong vùng.
Năm 2010, sản lượng lương thực Việt Nam vượt qua ngưỡng 40 triệu tấn, về đích trước 5 năm (mục tiêu của Chính phủ vào năm 2015 đạt 40 triệu tấn lương thực). Trong đó, nông dân ĐBSCL đã tạo ra kỳ tích cho vựa lúa khi đạt sản lượng 21,55 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn so với năm 2009.
Các chuyên gia nhận định, mặc dù gặp không ít khó khăn, ngành nông nghiệp vẫn chứng tỏ sức vươn lên mạnh mẽ của mình, đóng góp rất lớn vào tăng trưởng chung cho cả nước. GDP tăng từ sản xuất nông nghiệp làm tăng thu nhập của người nghèo từ 2 đến 4 lần so với GDP tăng từ các hoạt động phi nông nghiệp.
Thời quan qua đã chứng minh rằng trong những thời điểm kinh tế đất nước gặp khó khăn, nông nghiệp đã “gồng gánh”, trở thành trụ đỡ quan trọng, đảm bảo được an sinh xã hội khu vực nông thôn. Nếu như mỗi năm, lượng gạo hàng hóa buôn bán trên thế giới khoảng 25-30 triệu tấn, Việt Nam đã đóng góp trên 20% (6 triệu tấn). Đây là sự đóng góp rất lớn của nông dân ĐBSCL.
Thế giới rất phục Việt Nam về lãnh vực này. Không chỉ có gạo mà vị thế thương mại của nhiều loại nông sản xuất khẩu của Việt Nam trên thế giới cũng có thứ hạng cao: hạt tiêu có vị thế số 1; cà phê, gạo, hạt điều đứng thứ 2; cao su thứ 4; trà thứ 7. Kim ngạch xuất khẩu nông sản liên tục tăng ở mức cao trong các năm vừa qua đủ để xác định vị thế cường quốc nông nghiệp của Việt Nam trên thị trường thế giới. Do đó, sản xuất nông nghiệp là yếu tố quan trọng hiện nay để góp phần cùng Chính phủ kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Xây dựng cánh đồng lớn
Đây là một chương trình tích cực do Bộ NN-PTNT phát động, phù hợp với sản xuất lúa ở Việt Nam. Trở thành nền tảng để hình thành các vùng sản xuất lớn, tập trung tạo ra chuỗi giá trị sản xuất trong nông nghiệp. Theo các nhà khoa học, muốn vậy, cả vùng phải đẩy mạnh tiến trình cơ giới hóa, nhất là khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Muốn có “đất dụng võ” cho cơ giới hóa, phải có diện tích đất sản xuất lớn gắn với vùng chuyên canh. Hình thành vùng sản xuất lúa lớn là cách tối ưu cho cơ giới hóa và tối ưu cho mối liên kết “bốn nhà”.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tam Nông (Đồng Tháp), huyện vừa triển khai mô hình công ty cổ phần nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, hiện đại. Các cổ đông sẽ là những nông dân có đất trong vùng dự án, họ góp cổ phần bằng đất sản xuất để hình thành nên tài sản của công ty. Chủ những thửa đất ấy sẽ trở thành công nhân của công ty (nếu muốn) và được trả lương sòng phẳng. Hằng năm, hiệu quả sản xuất sẽ được chia cổ tức tùy theo số vốn đất góp vào. Toàn bộ ruộng trong công ty sẽ được san bằng không còn bờ, chỉ riêng việc ấy diện tích canh tác sẽ tăng thêm 5 - 10%.
Bằng kỹ thuật xác định độ cao bởi tia laser, toàn bộ mặt ruộng sẽ được san phẳng để có độ cao chênh lệch không quá 1 cm. Với cách ấy, chi phí bơm nước sẽ giảm khoảng 50%. Với thửa ruộng lớn như thế, tất cả các chi phí sản xuất khác như gieo sạ, bón phân, xịt thuốc, thu hoạch... cũng đều giảm. Tiến thêm một bước, công ty sẽ đầu tư chế biến, hợp đồng xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm ra tận nước ngoài. Dự kiến đến năm 2015, trên đồng ruộng Tam Nông sẽ có những “cánh đồng bất tận” như thế.
Sản xuất lúa theo GAP là mô hình đang được các địa phương áp dụng. Từ vụ đông xuân năm 2009-2010, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo cho ngành nông nghiệp vùng Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL hướng dẫn và khuyến khích nông dân áp dụng mô hình sản xuất này để nâng cao giá trị hạt gạo. Tại các tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng và An Giang đã có khoảng 190 ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP.
Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh, mô hình sản xuất lúa Global GAP tại xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, có sự bao tiêu sản phẩm của công ty ADC bước đầu đem lại kết quả cao và đang được nhân rộng ra một số địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Mô hình này giúp nông dân trồng lúa GAP bán được giá cao hơn lúa thường 20%.
Ngoài sản xuất lúa, nhiều mô hình kết hợp như lúa - tôm tại Cà Mau, lúa - màu tại An Giang, Đồng Tháp, trồng nấm rơm, trồng ớt, trồng khoai lang (ở Trà Vinh, Vĩnh Long) đã mang lại cho nông dân nguồn thu nhập cao, vừa góp phần ổn định cuộc sống, phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu, vừa giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn ở nông thôn.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, bộ sẽ triển khai nhiều giải pháp trong năm 2011 nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ: Chỉ đạo sát sao về thời vụ, cơ cấu giống vụ lúa hè thu sắp tới, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích vụ thu đông nhằm tăng thêm 1 triệu tấn lúa ở ĐBSCL. Đồng thời, các địa phương tập trung thâm canh, tăng năng suất chất lượng các loại cây công nghiệp, rau quả để tận dụng cơ hội thuận lợi về thị trường và giá như hiện nay để tăng kim ngạch xuất khẩu. |
MINH TRƯỜNG - CAO PHONG