Sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh

Những ngày này, ai cũng tất bật chạy đua với thời gian để chuẩn bị đón năm mới, nhưng cũng có nhiều người đã không quên những mảnh đời bất hạnh đang trải qua những ngày sống cơ cực lay lắt vì bệnh tật. Nhiều bạn đọc đã đến Báo SGGP với mong muốn góp một phần tiền dành dụm của mình giúp đỡ những gia đình kém may mắn như là một sự động viên, an ủi giúp họ vượt qua khó khăn... 
Sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh

Những ngày này, ai cũng tất bật chạy đua với thời gian để chuẩn bị đón năm mới, nhưng cũng có nhiều người đã không quên những mảnh đời bất hạnh đang trải qua những ngày sống cơ cực lay lắt vì bệnh tật. Nhiều bạn đọc đã đến Báo SGGP với mong muốn góp một phần tiền dành dụm của mình giúp đỡ những gia đình kém may mắn như là một sự động viên, an ủi giúp họ vượt qua khó khăn... 

 

 Là những người làm nhiệm vụ nối nhịp cầu nhân ái trên Báo SGGP, chúng tôi xúc động khi thấy danh sách những bạn đọc hảo tâm ngày càng dài ra, danh sách những bệnh nhân nghèo được chữa lành bệnh ngày càng nhiều thêm. Mỗi một ngày qua đi, cuộc sống lại mở ra thêm một trang đời mới với niềm vui được chia sẻ và niềm hạnh phúc được đón nhận ngày càng nhân rộng lên. Chính cái triết lý sâu xa của sự cho - nhận đã tô thêm những gam màu tươi sáng cho bức tranh cuộc đời…

 

Mới đây, bộ phận tiếp nhận từ thiện đã tiếp một cụ già ngoài 80 tuổi ở quận Gò Vấp (TPHCM) đến đóng tiền giúp cho một hoàn cảnh bệnh hiểm nghèo được đăng trên trang Nhịp cầu nhân ái Báo SGGP với một tờ giấy ghi danh sách những người đóng góp mà cụ đã đi vận động. Dò hỏi thăm mới biết, sau khi đọc báo thấy hoàn cảnh của chị Lương Thị Kiều Oanh (ở Sóc Trăng) bị bệnh xơ gan không có tiền chữa bệnh, con trai chị có nguy cơ phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí nên cụ đã đi vận động các cụ cũng là cán bộ hưu trí góp mỗi người một ít và đến Báo SGGP đóng góp 1.850.000 đồng với cái tên là “nhóm phụ lão ở quận Gò Vấp”. Điều đáng quí là số tiền đó chứa đựng bao tình cảm mà các cụ đã gửi gắm, chia sẻ mong ước những bệnh nhân được khỏe mạnh.

Ngoài nhóm phụ lão ở quận Gò Vấp, chúng tôi còn tiếp nhận nhiều sự đóng góp của các cụ cũng là cán bộ hưu trí đã dành dụm những khoản tiền lương hưu ít ỏi của mình giúp các em bé mồ côi, bất hạnh. Bác cán bộ hưu trí 83 tuổi (ở khu phố 7, phường 15, quận 10) đã đến báo đóng góp 4 triệu đồng từ lương hưu của mình giúp cho 2 bé mồ côi ở Quảng Ngãi. Có những bạn đọc, dù tuổi đã cao, sức khỏe kém, phải thường xuyên uống thuốc nhưng đã bớt tiền mua thuốc chữa bệnh để giúp người nghèo như bác Nguyễn Thị Tùng Vân (ở quận 5). Mỗi ngày bác Vân bớt 1 viên thuốc, để dành một khoản tiền, lâu lâu bác lại nhờ anh xe ôm chở đến báo đóng tiền làm từ thiện. Học tập theo gương bà, các cháu của bác Vân cũng có ý thức tiết kiệm và thương người nghèo từ khi còn nhỏ. Được ba mẹ cho tiền đi học ăn quà, em bỏ ống heo để dành, lâu lâu nhờ bà đem đến báo đóng góp giúp các bạn nhỏ tuổi bị bệnh hiểm nghèo. Còn nhớ, cách đây không lâu, trên Báo SGGP đăng hoàn cảnh khó khăn của hai vợ chồng nghèo bị suy thận nặng là anh Quách Minh Tâm và chị Nguyễn Thị Huê (ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh). Ngay trong ngày phát hành báo, có một bạn đọc cao tuổi gọi điện đến hỏi thăm hoàn cảnh và địa chỉ để trực tiếp đến nhà thăm. Mặc dù nhà ở tận quận 7, nhưng bà và nhóm bạn đã thuê xe taxi tìm đến tận nhà thăm và giúp tiền cho vợ chồng nghèo này chữa bệnh. 

Những trang Nhịp cầu nhân ái trên Báo SGGP. Ảnh: VIỆT NGA

Còn nhiều nữa những cái tên thân quen vẫn thường xuyên xuất hiện trên bảng vàng Nhịp cầu nhân ái Báo SGGP như các anh Trí Đức, Tạ Tỷ, Thái Hồng Lan, anh Dân, chị Hồng, chú Phạm Văn Luận, cô Dung… Những đơn vị như: Công ty Điện lực Phú Mỹ 3, Công ty cổ phần Vận tải giao nhận và TM Quang Châu, Công ty TNHH XD-DV Kỹ thuật Viễn Đông, Cửa hàng Phương Bằng… vẫn đều đặn hàng tuần đóng góp những phần tiền dành dụm, những khoản lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh giúp những bệnh nhân nghèo, mảnh đời kém may mắn có cơ hội được chữa bệnh và ổn định cuộc sống.

ĐẶNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục