
Từ ngày 15-2 đến nay, tại xã Hồng Hà, thuộc huyện Đan Phượng (Hà Tây), liên tục diễn ra hiện tượng sụp đất bất thường (sụp đất theo chiều thẳng đứng, tạo thành hố sâu). Theo ông Phạm Hồng Chân, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà, mặc dù đây là vùng nằm giáp sông Hồng, nhưng khu vực bị sụp đất không phải diễn ra ở mép sông như thường lệ ở nhiều nơi mà sụp “cục bộ” tại nơi cách bờ sông vài trăm mét.

Sụp đất theo chiều thẳng đứng, sâu gần 3m tại thôn Hồng Giang, xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Tây. Ảnh: TOÀN THẮNG
Đặc biệt, trong những ngày cuối tháng 2-2006, hiện tượng sụp đất diễn ra mạnh, quy mô rộng với chiều dài khoảng 1km, tại cụm dân cư số 7 thuộc thôn Hồng Giang, cách vị trí sụp đất lần thứ nhất 611m theo hướng chảy của sông Hồng, làm hỏng nhà cửa của 9 hộ dân và toàn bộ phần sân đình, chùa của thôn bị thụt xuống 2,5m so với cao độ ban đầu.
Cũng theo ông Phạm Hồng Chân, trước đó, ngày 15-10-2005, sụp đất đã diễn ra tại cụm dân cư số 8, thuộc thôn Hồng Giang, nhưng ở quy mô nhỏ, làm 3 hộ dân bị sập nhà, phải di chuyển gấp. Hiện nay, các vết nứt phát sinh từ khu sụp đất đang lan sâu vào phía trong cụm dân cư, đe dọa tính mạng trực tiếp 33 hộ dân và 68 hộ có nguy cơ bị sụp lở, nhiều người rất hoang mang bởi vùng đất bị sụp có thể tiếp tục mở rộng.
Theo ông Chu Văn Thưởng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tây, hiện tượng sụp đất bất thường ở Hà Tây cũng tương tự hiện tượng ở Quảng Trị. Tuy nhiên, chắc chắn không phải do hiện tượng bị “karst hóa” như ở Quảng Trị, mà có thể do cấu tạo địa chất lòng sông có biểu hiện rất phức tạp.
Theo tiến sĩ Phạm Văn Quang, Phó Viện trưởng Viện Địa chất và môi trường (thuộc Tổng Hội Địa chất Việt Nam), có thể có 2 nguyên nhân dẫn tới sụp đất ở đây. Thứ nhất, do đứt gãy kiến tạo địa chất, thường xảy ra ở khu vực ven các sông, hồ khiến vùng đất này bất thường nâng lên còn vùng đất kia đột ngột sụp xuống.
Nguyên nhân thứ hai là ở bên dưới các lớp địa diệp, chất mùn, sét, cát… bị rửa trôi, tạo thành hang rỗng. Tuy nhiên, tiến sĩ Phạm Văn Quang vẫn cho rằng cần phải nghiên cứu thực địa một cách cẩn trọng mới có thể kết luận chính xác.

Một trong những hố sụp đất theo chiều thẳng đứng, sâu 2,5m-3m tại thôn Hồng Giang (Hồng Hà - Đan Phượng-Hà Tây). Ảnh: TOÀN THẮNG
Còn Sở NN-PTNT Hà Tây thì cho rằng, nguyên nhân có thể do sụt giảm mực nước ngầm tại khu vực và mực nước sông Hồng đã gây sụt lún đất bất thường. Hiện các chuyên gia của Viện Địa chất đang về khảo sát, nghiên cứu, đưa ra kết luận chính xác về nguyên nhân để tìm giải pháp xử lý.
Chiều qua, 1-3, UBND tỉnh Hà Tây đã chỉ đạo nhanh chóng di chuyển dân ra khỏi khu vực sụp lở và có nguy cơ sụp lở, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án tái định cư cho dân, khẩn trương di dời nhà cửa, tài sản, ổn định sản xuất và đời sống. Trước mắt, mỗi hộ dân bị sụp đất, mất nhà được hỗ trợ 3,5 triệu đồng.
Cũng theo Sở NN-PTNT Hà Tây, đến thời điểm này, tỉnh này đã triển khai dự án tái định cư cho các hộ dân trong vùng sụp đất nguy hiểm, với mức đầu tư hơn 7 tỷ đồng tại khu Đầm Hương, cùng ở xã Hồng Hà. UBND tỉnh Hà Tây đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục giao 15.000m2 đất xây dựng cơ sở hạ tầng để đón 69 hộ dân vùng sụt đất đến định cư, ổn định cuộc sống.
Chi cục Quản lý đê điều Hà Tây cũng đã có kế hoạch triển khai dự án kè đá đoạn bờ hữu sông Hồng tại thôn Hồng Giang, để ngăn tình trạng sạt lở đất và bờ sông vào mùa lũ.
VĂN PHÚC