Thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về việc tổ chức cuộc vận động sáng tác văn bia truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định; để các tác giả tham gia có thêm thực tế, ngày 23-6, đoàn cán bộ Thành ủy TPHCM do đồng chí Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, dẫn đầu cùng các cán bộ lão thành cách mạng, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các văn nghệ sĩ TPHCM đã có chuyến tham quan thực tế tại Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định tại huyện Củ Chi.
Vùng trắng nay xanh
Sau khi dâng hương tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, đoàn đã tham quan công trình xây dựng Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định. Theo ban quản lý dự án, công trình có tổng diện tích trên 13,5ha, đang thực hiện xây dựng giai đoạn 1 của dự án gồm các hạng mục chính như: đền thờ chính, sân hành lễ, bia tưởng niệm các chiến sĩ vô danh, cột cờ, hệ thống cây xanh, công trình thoát nước, khu vệ sinh, hệ thống điện với kinh phí đầu tư 88 tỷ đồng.
Các thành viên trong đoàn khá bất ngờ và thích thú khi tham quan sa bàn về trận đánh bại cuộc hành quân Cedar falls vào vùng Tam giác sắt tháng 1-1967, do quân đội Mỹ và quân đội ngụy quyền Sài Gòn thực hiện. Chúng đã chuốc lấy thất bại, bởi ý chí kiên cường, sự dũng cảm mưu trí và sức mạnh của những đoàn quân từ trong lòng đất.
“Đây là Đài phát thanh Giải Phóng!”. Tiếng nhạc hiệu quen thuộc khiến nhiều cán bộ lão thành cách mạng bồi hồi khi đoàn chúng tôi bước vào vùng giải phóng. Tái hiện toàn cảnh sinh hoạt của nhân dân Củ Chi trong thời điểm chiến tranh đặc biệt (1960 - 1965), công trình xây dựng nhiều cảnh sinh động như họp chợ, sản xuất nông nghiệp, trường học, trạm xá, thanh niên đăng ký tòng quân, chế tạo vũ khí, truyền tin… “Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ/ Ngọn đèn khuya leo lắt bên lều/ Thảm thiết thay vợ yếu chạy tìm chồng/ Cơn bóng xế dật dờ trước ngõ”, nhà văn Trần Thanh Giao xúc cảm đọc khi tham quan giai đoạn tái hiện quang cảnh thời Chiến tranh Cục bộ (1965-1968).
Những hình ảnh trong quá khứ cứ thế lần lượt hiện ra: những mái tranh vách đất bình dị với đường làng rợp mát tre xanh, con đường quanh co với chiếc xe ngựa chở hoa; ngôi trường bao quanh bởi giao thông hào, không khí thanh bình bên ruộng lúa xanh um, bên giàn mướp trĩu quả, trên khuôn mặt những chú mục đồng… Không hẹn mà gặp nhau, cả đoàn cùng lên tiếng: Vùng trắng nay đã xanh!
“Hành quân” về địa chỉ đỏ
“Đề nghị ban tổ chức có thêm nhiều chuyến “hành quân” nữa về những địa chỉ đỏ ở vùng vành đai để văn nghệ sĩ có thêm thực tế sáng tác chất lượng hơn” – đồng chí Trần Hữu Phước, nguyên thư ký của đồng chí Lê Đức Thọ, nêu ý kiến. đồng chí Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, cho rằng, cuộc đấu tranh của quân dân Sài Gòn – Gia Định chủ yếu là chính trị kết hợp vũ trang, thế nên vùng vành đai giữ vai trò chỗ dựa quan trọng để giải phóng Sài Gòn, và văn bia cũng cần phản ánh cả mặt trận đấu tranh trong tù của các tù nhân. Theo ông Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, phong trào đấu tranh cách mạng Sài Gòn – Gia Định có đặc trưng riêng, từ phong trào đấu tranh của công nhân, phụ nữ, phong trào sinh viên học sinh, phong trào phật tử xuống đường… nên văn bia phải thể hiện được điều này. Riêng về cách viết, cách thể hiện bài văn bia, Hội Nhà văn TPHCM và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM sẽ tổ chức hội thảo trao đổi thêm vấn đề này.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, đồng chí Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, cho biết, ngoài các đơn vị, trường đại học, trước mắt ban tổ chức sẽ cung cấp 30 bộ tư liệu lịch sử liên quan cho Hội Nhà văn TPHCM để phục vụ nghiên cứu cho các tác giả. Ban tổ chức sẽ cung cấp sự kiện, số liệu, tổ chức giao lưu với nhân chứng lịch sử với những câu chuyện kể sống động giúp các tác giả thêm cảm xúc. Tiếp đó, Thành ủy TPHCM sẽ có những chuyến đi về các địa điểm: khu căn cứ Rừng Sác (Cần Giờ), khu căn cứ An Phú Đông (quận 12), khu căn cứ Vườn Thơm (Bình Chánh), 18 thôn vườn trầu (Hóc Môn) và một số địa chỉ đỏ trong nội thị như di tích hầm chứa vũ khí bí mật, hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng…
| |
Minh An