Bờ cát trải dài, trắng mịn. Sóng gió rì rào; nước trong lành, mát rượi. Mỗi buổi chiều, ngàn người kéo nhau đến tắm và người dân địa phương thích thú gọi đây là “biển” nước ngọt của Tây Ninh.
Bãi Vàm thành “khu du lịch”
Gần cả tháng qua, từ khoảng 14 giờ là bắt đầu có ô tô, xe máy nườm nượp, nối đuôi nhau đi về hướng bãi Vàm. Đây là bãi cát trải dài khoảng 2ha ở thượng nguồn hồ Dầu Tiếng, thuộc tổ 16, ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Từ trung tâm xã Tân Hòa, phải vượt quảng đường đất đỏ gồ ghề cả chục cây số mới vào đến địa phận ấp Suối Bà Chiêm. Từ cổng chào của ấp này, đi tiếp vào rừng đầu nguồn phòng hộ Dầu Tiếng khoảng 6km nữa mới đến P25 - một địa danh cũ của tổ 16. Từ đây, đi theo một con đường mòn ngoằn ngoèo giữa đám mì rậm rạp dài hàng trăm mét nữa mới tới bãi Vàm.
Bãi Vàm thu hút khách
Khi chúng tôi cùng ông Nguyễn Văn Sa, Trưởng ấp Suối Bà Chiêm, đến đây thì đã rất đông người đang tung tăng dưới nước. Trên bãi cát, một số người khác cắm cọc giăng lều hoặc bẻ nhánh cây làm “tum” che nắng. Một vài người đem thức ăn, nước uống, như bánh mì, cá viên chiên, bò lụi, rượu, bia, nước ngọt vào bày bán. Nhiều tốp thanh niên nam nữ chở theo thùng loa di động để trên “bãi biển”, tắm xong lên bờ mở nhạc ca hát, nhún nhảy. Những gia đình có người già, con nhỏ thì cẩn thận đem theo tấm đệm, bao ni lông, trải xuống bãi cát ngồi ăn, uống. Có vài ba nhóm đem theo gà, vịt đã làm sẵn, vào đây nhặt củi rừng, nhóm lửa nướng lên thưởng thức ngay trên bãi cát.
Chúng tôi cũng thay quần áo xuống bãi Vàm tắm thử. Ở đây thuộc đầu nguồn sông Sài Gòn nên nước trong xanh, mát lạnh. Các bạn trẻ mặc sức bơi lặn, vui đùa. Sóng ở đây không mạnh như sóng biển, nhưng cũng đủ tạo thích thú cho những người đang vẫy vùng dưới nước. Ở đây còn có một niềm vui khác mà ở các bãi biển du lịch nổi tiếng như Vũng Tàu, Nha Trang, Mũi Né không có được. Đó là người dân vừa tắm mát vừa dễ dàng bắt được nhiều cá thể hến và chem chép. Chỉ cần ngồi xuống, dùng tay mò trong cát là có thể tóm được những chú hến to tròn hay những con chem chép đóng đầy rong rêu. Những người dân địa phương có kinh nghiệm thì đem theo nồi để nấu món đặc sản tươi ngon này ăn tại chỗ. Vài người còn rửa sạch, đem về nhà ướp với muối ớt, bột nêm, rồi phơi nắng khoảng một giờ là có món ăn dân dã.
Chị Dung, 23 tuổi, bán thuốc tây ở ấp Suối Bà Chiêm, kể: “Gần một tuần nay, chiều nào em cũng cùng bạn bè trong xóm vào đây vui chơi, tắm mát chứ thời tiết nóng quá, ở nhà chịu không nổi”. Theo thống kê của UBND xã, mỗi ngày có khoảng 2.000 người đến đây tắm. Ngoài dân địa phương, còn có nhiều người ở các xã, huyện lân cận, thậm chí có cả người dân ở tỉnh Long An hoặc bên Campuchia cũng tìm đến đây.
Ông Sa cho biết, nơi đây là vùng đất bán ngập. Vào mùa hồ Dầu tiếng tích nước, gần như bãi đất này bị chìm trong nước. Mùa nước hồ xuống thấp, bãi đất mới lộ ra. Năm nay, nước hồ Dầu Tiếng xả gần cạn, cộng với thời tiết nắng nóng gay gắt, kéo dài, nhiều người dân địa phương mới tìm đến bãi Vàm để giải nhiệt. Từ đó mới rộ lên phong trào rủ nhau đi tắm. Mấy ngày cuối tuần vừa qua, số người đến đây không ngừng tăng lên. “Ở địa phương xa xôi hẻo lánh như vầy mà có được nơi vui chơi cho bà con, kể ra cũng hay. Nếu được đầu tư hẳn hoi, nơi đây có thể trở thành khu du lịch sinh thái lý tưởng”, ông Sa vui vẻ nói.
Nếu biết đầu tư bài bản…
Tuy nhiên, nụ cười của người đứng đầu ấp không kéo dài. Nhìn những tốp thanh niên ăn nhậu, ca hát, nhảy nhót trên bãi Vàm, ông Sa không yên tâm.
Gần 40 năm trước, khi chưa xây dựng công trình thủy lợi Dầu Tiếng, ở bãi Vàm này là rừng. Khi hồ Dầu Tiếng tích nước, cây rừng ở đây được khai thác và chết hết. Đến nay, trên và dưới bãi Vàm còn nhiều gốc, rễ cây lồi lên lởm chởm. Những gốc cây lộ thiên trên cạn còn dễ nhìn thấy và tránh được. Còn nhiều gốc cây ngầm dưới mặt nước, bị nước xâm thực trở nên mục rã phần thân mềm, còn lại phần lõi cứng, chỉa lên nhọn hoặc như bãi chông thì vô cùng nguy hiểm. Trong thời gian bơi lội ở đây, tôi đã nhiều lần đạp phải những gốc cây ngầm như thế, suýt bị trầy da. Trong khi đó, nhiều bạn trẻ lại vui đùa quá khích, thường chơi trò đứng trên lưng bạn khác, bật lên nhào lộn ra sau. Nếu chẳng may “đáp” lên một trong những gốc cây nhọn dưới nước thì hậu quả chắc sẽ nặng nề.
Chính quyền ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hòa kiểm tra tình hình an ninh trật tự trên bãi Vàm
Rác thải trên bãi Vàm cũng là vấn đề cần quan tâm. Mặc dù số lượng người mới đến bãi Vàm tắm trong thời gian gần đây, nhưng trên bãi đã xuất hiện nhiều loại rác thải sinh hoạt như chai nhựa, hộp xốp, bọc ni lông... Nếu khách đến đây tắm ngày càng nhiều thì lượng rác thải sinh hoạt cũng sẽ tăng lên. Nơi đây là đầu nguồn hồ Dầu Tiếng và nước trong công trình thủy lợi này không chỉ dùng để tưới nông nghiệp mà còn dùng để cung cấp nước sinh hoạt cho dân cư ở TP Tây Ninh và một phần TPHCM.
Phương tiện của người dân vô, ra và để trong bãi Vàm cũng chưa ổn. Muốn xuống bãi tắm này, phải điều khiển phương tiện chạy theo một con đường mòn nhỏ, bề ngang chỉ khoảng 2,5m giữa rẫy mì. Vào giờ cao điểm, lượng khách vào, ra tấp nập. Hai xe gắn máy lưu thông ngược chiều còn “lách” nhau qua được; trường hợp ô tô đi ngược chiều nhau thì một trong hai xe phải tránh vào đám mì.
Vấn đề cứu nạn, cứu hộ cũng cần được đặt ra vì số lượng khách xuống tắm khá đông. Trong đó có nhiều trẻ em, nhưng không thấy ai mặc áo phao hay có dịch vụ cho thuê phao cứu sinh như những bãi tắm du lịch khác. Ban đêm, ở đây cũng không có đèn chiếu sáng và sóng gió rất dữ. Nơi đây được người dân địa phương gọi là “ngã ba sóng gió”, nếu có người ham vui, bơi ra xa, không may bị hụt chân, vọp bẻ sẽ dễ dẫn đến đuối nước.
Trên thực tế, khi hồ Dầu Tiếng có tích nước đến đỉnh điểm, bãi Vàm này cũng không ngập hết. Nơi trồng mì hiện nay vẫn là một bãi cát trắng, mặc dù không rộng như mùa nước hồ xả cạn, nhưng vẫn có thể đến đây tắm được. Nếu chính quyền quan tâm, đầu tư cho xe móc hết góc cây rừng, quy hoạch nơi bán thức ăn, nước uống, bãi giữ xe, bố trí người thu gom rác, cứu nạn, cứu hộ và giữ gìn an ninh trật tự thì bãi Vàm hoàn toàn có thể trở thành địa điểm du lịch lý tưởng
Đại Dương