
“Các ý kiến đều rất tâm huyết và đầy trách nhiệm, mỗi ý kiến đều có sự nghiên cứu tổng kết thực tiễn thể hiện tính đặc thù của khu vực và chứa đựng cái hồn của nhà khoa học ở trong đó” – Giáo sư Đỗ Nguyên Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương đã nói như vậy khi kết luận Hội nghị đại biểu trí thức khoa học (phía Nam) góp ý dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng do Ban Khoa giáo Trung ương tổ chức hôm qua 23-11 tại TPHCM.
Khoảng cách về khoa học sẽ ngày càng lớn
Nhiều ý kiến – hầu hết được chuẩn bị bằng văn bản của các nhà khoa học từ mọi lĩnh vực được nêu lên tại hội nghị đại biểu các nhà khoa học góp ý văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng cho thấy sự nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm của giới trí thức TPHCM trước sự kiện trọng đại của Đảng.

Họ say sưa góp ý nhiều nội dung của văn kiện, từ những vấn đề thuộc về quan điểm, lý luận đến những vấn đề đặt ra từ thực tiễn cách mạng cả nước và TPHCM; từ tổng quan bố cục của văn kiện đến những ngôn từ cụ thể… Và trên hết là ngọn lửa rực cháy trong tâm khảm của những nhà khoa học ở một khu vực sôi động của cả nước muốn có đóng góp hữu ích nhất vào sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc.
Dù với nhận định “Khoa học công nghệ ngày nay chưa thực sự trở thành động lực phát triển của đất nước và so với các nước trong khu vực còn một khoảng cách lớn về trình độ”, nhưng GS TSKH Nguyễn Ân Niên, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đã xác định đó là trách nhiệm trước hết thuộc về những nhà khoa học ở thế hệ của ông.
Những phân tích của ông cho thấy có nhiều hạn chế trong các chính sách vĩ mô khiến khoa học công nghệ chậm phát triển. Những bất hợp lý như: chỉ với 150.000 đồng/tháng thù lao trách nhiệm, các chủ nhiệm đề tài khoa học cũng không thể tập trung toàn lực cho nghiên cứu khoa học, lại phải mất nhiều công sức và thời gian cho việc lo chứng từ, sổ sách cho những khoản chi khá rắc rối để quyết toán đề tài khoa học.
Chủ nhiệm đề tài không có quyền trả thù lao cho mình mà phải ăn theo các hợp đồng thuê khoán… Chính những trói buộc như vậy, nhà khoa học đành bó tay ngồi nhìn trong khi khả năng họ có thể làm tốt hơn trong việc chế tạo ra máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Một nghịch lý khác: Nhiều người có những báo cáo khoa học giá trị được quốc tế công nhận, nhưng tại những hội thảo khoa học trong nước và quốc tế họ không được tham dự chỉ vì không có kinh phí đi lại, ăn, ở…
3 vấn đề chiến lược của ngành y tế
Nghiên cứu khá kỹ văn kiện Đại hội X, nhất là các trang nói về lĩnh vực y tế, những góp ý của GS-BS Trần Tấn Trâm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng I TPHCM đã làm “giật mình” các đại biểu bởi ông đề cập đến thực trạng nhức nhối và vấn đề mang tính chiến lược của ngành y tế.
Theo GS-BS Trần Tấn Trâm, có 3 vấn đề khá cơ bản mà chưa được đưa vào văn kiện, đó là săn sóc sức khỏe ban đầu (SSSKBĐ), quá tải ở các bệnh viện lớn và hiện tượng nghèo hóa bệnh nhân do chi phí y tế. Ông đưa ra biểu đồ tóm tắt các giai đoạn phát triển của y tế cho thấy, 3 lĩnh vực phát triển như vũ bão là công nghệ cao dựa vào bệnh viện, chi phí y tế và quá tải bệnh viện, trong khi lĩnh vực SSSKBĐ phát triển nhanh trong giai đoạn 1975 - 1995 lại tuột dốc nhanh chóng ở thời kỳ sau.
Ông phân tích, công nghệ cao trong y tế phát triển thiếu chọn lọc vừa gây lãng phí vừa làm đội chi phí y tế. “Chi phí y tế quá sức tưởng tượng dẫn đến hiện tượng nghèo hóa bệnh nhân khi họ phải bán nhà cửa, ruộng vườn để chữa bệnh đã trở thành phổ biến hiện nay. Hàng loạt các ca ghép gan, ghép thận được thực hiện nhưng sau đó là cái gì? Chúng ta thực hiện ghép gan, thận cho bệnh nhân hay cho chính chúng ta? Một đàn em nheo nhóc, gia đình đứa bé lấy tiền đâu để mua thuốc chống thải ghép?” - những câu hỏi ông đặt ra như xoáy vào tim!
Từ đó, ông cho rằng cần phải đổi mới ngành y tế theo hướng quản lý đúng mức mua sắm và sử dụng công nghệ y tế cao cấp theo hướng thiết yếu và thích hợp, hiệu quả; gấp rút “hạn chế gia tăng chi phí y tế” bằng việc phát triển nhanh bảo hiểm y tế toàn dân; cải thiện, đổi mới SSSKBĐ; hợp lý hóa tổ chức hệ thống bệnh viện. Đó là những vấn đề mang tính chiến lược nhằm giải quyết những tồn tại của nền y tế và đem lại sự chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân.
Nhìn ở góc độ quản lý, GS-BS Nguyễn Chấn Hùng cho rằng, những nỗ lực của các bệnh viện TPHCM chưa được nhìn nhận đúng mức và đang bị kiểu quản lý phân cấp hạn chế. “Chúng tôi đang tự chòi đạp để hoạt động. Do chuyên môn cao nên các bệnh viện TP đang gánh một lượng lớn bệnh nhân từ các tỉnh. Lẽ ra, các nhà quản lý phải thấy và tạo điều kiện cho chúng tôi hơn là hạn chế theo kiểu: anh là bệnh viện địa phương, anh không được thực hiện những ca mổ cấp cao”, ông nói.
Nền giáo dục: Phải là nền giáo dục mở
Với bề dày kinh nghiệm thực hiện mô hình đại học mở và thực hiện thành công nhiều chương trình đào tạo từ xa từ TPHCM đến tỉnh Bình Dương, GS Cao Văn Phường, Hiệu trưởng Trường ĐHDL Bình Dương góp ý: “Cần đưa vào văn kiện thực hiện chính sách mở đối với nền giáo dục (GD) quốc gia”. Ông lý giải “mở trong giáo dục” thể hiện qua những điều sau: mở rộng quy mô; đa dạng hóa cơ sở trường lớp; mở rộng phạm vi giáo dục, quốc tế hóa giáo dục; đa dạng phương thức đào tạo không chính quy, đặc biệt là phương thức đào tạo từ xa; xã hội hóa giáo dục, có chính sách ưu đãi cho các cơ sở GD ngoài công lập…
Tâm đắc với vấn đề cơ cấu lao động trong tương lai, TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng khi phát triển thành nền kinh tế tri thức thì cơ cấu lao động sẽ chỉ còn 2 loại là lao động trí tuệ và lao động kỹ năng. Mà lao động kỹ năng phải qua đào tạo. Do đó, nền GD phải được đổi mới theo hướng, tách giáo dục phổ thông ra khỏi đào tạo và thành lập Bộ Đào tạo để làm nhiệm vụ dạy nghề với sự tập trung tất cả các trường dạy nghề, không để manh mún như hiện nay. Mặt khác, Nhà nước cần bao cấp cho GD phổ thông, còn đào tạo nghề sẽ do người học tự gánh lấy chi phí. Nhà nước chỉ bao cấp những trường đào tạo những nghề mang tính cơ bản phục vụ sự phát triển đất nước. Quan điểm trên cũng được GS Phan Thị Tươi, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM ủng hộ…
Trí tuệ và tâm huyết của các nhà khoa học có lẽ không chỉ ở những lời góp ý tại hội nghị này. Những ý kiến đó sẽ được nghiên cứu nghiêm túc để góp phần tăng thêm trí tuệ và sự sáng suốt của Đảng trong quá trình lãnh đạo xây dựng và bảo vệ đất nước – GS Đỗ Nguyên Phương kết luận.
VĂN ĐỊNH – LÂM VY