Tám lần tiễn con, bảy lần khóc thầm

Đầu tháng 12, nhân chuyến công tác về vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) của tỉnh Long An, tôi tranh thủ ghé lại ấp Cả Rưng xã Tuyên Bình Tây huyện Vĩnh Hưng thăm Mẹ VNAH Trần Thị Viết. Mẹ đã bước vào tuổi 119, sức khỏe tuy có yếu hơn trước nhưng vẫn còn minh mẫn. Gặp mẹ, tôi hỏi mẹ còn nhớ “thằng” nhà báo không? Mẹ cười, rồi gật đầu bảo: “Phải thằng nhà báo ghé hồi mùa nước không…”.
Tám lần tiễn con, bảy lần khóc thầm

Đầu tháng 12, nhân chuyến công tác về vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) của tỉnh Long An, tôi tranh thủ ghé lại ấp Cả Rưng xã Tuyên Bình Tây huyện Vĩnh Hưng thăm Mẹ VNAH Trần Thị Viết. Mẹ đã bước vào tuổi 119, sức khỏe tuy có yếu hơn trước nhưng vẫn còn minh mẫn. Gặp mẹ, tôi hỏi mẹ còn nhớ “thằng” nhà báo không? Mẹ cười, rồi gật đầu bảo: “Phải thằng nhà báo ghé hồi mùa nước không…”.

Nỗi đau chất chồng nỗi đau

Thật không ngờ, tôi ghé thăm mẹ cách nay đã 7 năm, giờ mẹ vẫn còn nhớ. Năm 2004, nước không nhiều như năm 2000-2001, nhưng cũng đủ “bao vây” căn nhà của mẹ Viết ở cánh đồng Cả Rưng hàng tháng trời. Nhìn đồng nước mênh mông, vừa nhai trầu mẹ vừa kể: “Năm 1952, cũng vào mùa nước nổi như vầy, thằng Hai Liễn (Nguyễn Văn Liễn - con trai lớn của mẹ) nó xin má vào Công an xã Tuyên Bình. Nhưng tội nghiệp, chiến đấu chưa được bao lâu thì tháng 6-1953 nó hy sinh”. Dừng lại giây lát, mẹ kể tiếp: “Mất đứa con đầu, má cũng buồn lắm. Nhưng ý nó là vậy, má không cản. Không lâu sau, 4 đứa em nó: thằng Anh (Nguyễn Văn Anh), thằng Kiểng (Nguyễn Văn Kiểng), thằng Tạo (Nguyễn Văn Tạo) với thằng Yến (Nguyễn Văn Yến) đồng loạt lên tiếng xin má cho đi theo cách mạng”...

Mẹ Viết ngồi ăn trầu nhắc lại chuyện xưa (ảnh chụp năm 2004).

Mẹ Viết ngồi ăn trầu nhắc lại chuyện xưa (ảnh chụp năm 2004).

Rồi cuộc chiến ngày một ác liệt hơn, linh cảm của mẹ Viết như báo trước những điều chẳng lành.
Tháng 12-1958, mẹ chưa kịp vui khi nghe tin đội du kích xã mới thắng giặc một trận thì nhận được tin anh Tạo (con thứ sáu, 22 tuổi), Tiểu đội trưởng du kích xã đã hy sinh trong trận này. Nỗi buồn chưa nguôi, mẹ lại nhận thêm tin anh Kiểng (con thứ ba), Đội trưởng Đội du kích xã, cũng hy sinh trong trận tấn công đồn giặc.

Nén nỗi đau, năm 1959 mẹ tiếp tục tiễn hai con Nguyễn Văn An và Nguyễn Văn Trị lên đường. Chưa được bao lâu, mẹ lại được tin anh Trị cướp súng giặc không thành nên bị giặc bắt và xử tử tại Mộc Hóa (1963). Gạt nước mắt khóc đứa con thứ tư hy sinh, mẹ lại tiếp tục động viên và tiễn người con út Nguyễn Văn Dẫu vào bộ đội. Đứa cháu nội Nguyễn Văn Bi (con liệt sĩ Nguyễn Văn Liễn) cũng xin bà nội lên đường tiếp bước cha và các chú, bác, mẹ cũng đồng ý.

Thế nhưng, nỗi đau chất chồng nỗi đau. Mùa xuân 1968, trước khí thế tấn công dồn dập của quân giải phóng, địch ở nhiều nơi bỏ chạy tán loạn. Lúc này mẹ lại nhận được tin anh Dẫu đã hy sinh anh dũng ở chiến trường Mỹ Tho. Rồi chiến sự ngày một khốc liệt hơn, mẹ hiểu nỗi đau mất mát chỉ chấm dứt khi cuộc chiến này kết thúc. Nhưng người mẹ nào không đau xé lòng khi hay tin con mình mất. Mẹ cũng vậy. Mẹ khóc thật nhiều khi biết tin anh Nguyễn Văn Anh, cán bộ binh vận xã Vĩnh Đại hy sinh vào năm 1971. Năm 1972, khi “mùa hè đỏ lửa” mở ra một thế trận mới, ác liệt ở khắp các chiến trường, mẹ nhận thêm tin anh An đã nằm xuống trên mảnh đất Tháp Mười anh dũng.

30-4-1975, chiến tranh kết thúc. 8 lần tiễn con đi, nhưng 7 người con của mẹ Viết đã là liệt sĩ!

Nhân chứng lịch sử

Nhìn mẹ Viết móm mém nhai trầu (mẹ ăn trầu từ nhỏ), vui vầy bên các cháu, trông mẹ thật thanh thản. Hỏi chuyện hồi xưa, mẹ kể mà nghe chạnh lòng. Mẹ nói: “Hồi đó dốt lắm. Nghe nói có Cụ Hồ lập Đảng Cộng sản Việt Nam; nghe nói ông Cụ lãnh đạo khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám; nghe nói ông lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; nghe nói ông kêu gọi toàn quốc kháng chiến; nghe nói Cụ Hồ thương dân lắm…”. Mẹ luôn dùng điệp từ “nghe”. Mãi đến năm 1968 mẹ mới “biết” có cuộc nổi dậy và tổng tấn công vào Tết Mậu Thân; “biết” có đại thắng mùa xuân năm 1975…

Theo mẹ Viết “lý giải”: Hồi xưa, mới 17 tuổi, mẹ có chồng từ Thủ Thừa về Vĩnh Hưng. Nhà nghèo nên quanh năm chỉ biết làm thuê làm mướn, quanh quẩn ở cái vùng này thì làm gì mà biết (!).

Kể về nội, anh Nguyễn Văn Bình, 45 tuổi, cháu nội mẹ Viết không giấu niềm tự hào: “Bà nội rất thương tôi. Mấy chục năm trời bà không hề la mắng hay đánh đòn tôi lần nào. Bà luôn dạy tôi phải biết sống như các chú, các bác ngày xưa”. Anh còn bật mí: “Bà thích nghe cải lương, nghe hoài không chán”. Nghe anh Bình nói thế, lúc này tôi mới để ý cái máy hát nằm kế bên chỗ mẹ Viết ngồi ăn trầu đang vang lên giọng ngân nga của Thanh Tuấn, hát bài Cung đàn mới của tác giả Ngô Hồng Khanh. Mẹ vừa nghe, vừa nhai trầu, lâu lâu lại xoa đầu đứa bé con của anh Bình đang nũng nịu bên bà. Mẹ cười bảo: “Nó biết ý, trưa là mở máy hát cho bà cố nghe”…

Thật thú vị, một ngày ở bên mẹ Viết, tôi hỏi không biết bao nhiêu điều nhưng vẫn cảm thấy chưa hỏi hết những điều muốn biết. Như hồi đó người dân ở đây sinh sống như thế nào, đám cưới ra sao… Vì vùng này, theo mẹ Viết kể, ngày xưa hoang vu, hiểm trở lắm, trăn rắn, muỗi mòng, đỉa nhặng nhiều vô số kể. Còn muốn đi từ Vĩnh Hưng về Thủ Thừa phải chèo ghe cả ngày đường, xa thật xa mới thấy bóng vài cái nhà, mà nhà của người ta cũng nghèo lắm.

Kể lại chuyện xưa, mẹ nói như cố để tôi hiểu được câu chuyện của mẹ, của người dân vùng ĐTM cách nay hơn một thế kỷ, kể từ lúc mẹ có chồng về Vĩnh Hưng. Lúc đó, vùng đất này còn hoang sơ lắm…, còn bây giờ, tất cả đã đổi thay. Trường học, chợ búa, điện thắp sáng… giờ đã rải khắp vùng ĐTM. Người dân không còn lo cái đói nữa. Mẹ như một nhân chứng lịch sử, một nhân chứng cho bao đổi thay của vùng ĐTM hôm nay. Ngay như chuyện tôi vượt trên 100km đường nhựa từ TP Tân An về tới huyện Vĩnh Hưng. Đi thêm trên 10km đường rải đá đỏ để đến nhà mẹ là một minh chứng cho sự đổi thay ở đây. Bởi ngày xưa “nằm mơ” cũng không ai nghĩ bây giờ có con đường này. Có lẽ như hiểu ý, mẹ Viết cười, rồi khẽ bảo: Con đi đường chạy xe nhớ cẩn thận, ráng giữ gìn sức khỏe - trước khi tôi chào mẹ để ra về.

Từ Vĩnh Hưng trở về, tôi luôn nghĩ về mẹ Viết. Bà Mẹ VNAH có tuổi đời gần gấp đôi “tuổi đời” nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc nhưng mẹ vẫn sống vui vẻ, thanh thản với đàn cháu… Mẹ quả xứng danh cây đại thụ giữa ĐTM.

ĐĂNG NGUYÊN 

Tin cùng chuyên mục