Bài dự thi “Hoa giữa đời thường”

Tấm lòng người lính

Tấm lòng người lính

Ông là người tình nguyện bỏ tiền túi của mình ra lập Quỹ khuyến học giúp đỡ hàng ngàn trẻ em nghèo trong xã có điều kiện được đến trường và cũng là người tự nguyện bỏ tiền ra mua xe chở rác, ngày ngày đội mưa đội nắng đi thu gom rác thải làm sạch môi trường cho bà con lối xóm. Ông là Hoàng Mạnh Hạp, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

  • “Quỹ ông Hạp”

Sinh ra trên mảnh đất anh hùng xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), cũng như bao chàng trai khác, Hoàng Mạnh Hạp khoác ba lô lên đường đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Phút thư giãn của con người bận rộn.

Phút thư giãn của con người bận rộn.

Nhập ngũ năm 1950, tham gia chiến đấu ở chiến trường nước bạn Lào với các chiến dịch lớn ở trung Lào, thượng Lào. Năm 1981, ông Hạp trở về quê với nhiều rương hòm, mọi người trong xóm xôn xao: đất nước đang nghèo mà sao ông Hạp nhiều của cải vậy. Nhưng rồi mọi người mới té ngửa; vì đó chỉ là những kỷ vật thời sống và chiến đấu bên nước bạn Lào của ông. Đó là bộ quần áo lính đã “lên màu thời gian”, những kỷ vật của đồng đội trước lúc hy sinh đã gửi ông về trao lại cho người thân...

Về với cuộc sống đời thường, ông thấy buồn vì quê mình còn nghèo quá, trẻ em phải bỏ học nhiều. Những đêm trằn trọc suy nghĩ về tương lai của những đứa trẻ nghèo thất học, tương lai của quê hương, ông nghĩ mình nên làm một việc gì đó có lợi cho quê hương, cho bọn trẻ nghèo. Ông gom hết lương hưu và tiền ông dành dụm lâu nay, lập ra “Quỹ khuyến học”, với mong muốn giúp đỡ trẻ em nghèo có thêm cơ hội được đến trường. Ngoài số tiền của ông tích góp được, ông phải đi vận động kêu gọi mọi người ủng hộ. Ngày ngày, người lính già “thân chinh” đi khắp trong thôn ngoài xã, rồi lên huyện, lên tỉnh kêu gọi sự ủng hộ. Lúc đầu, quỹ của ông chỉ gói gọn dành để giúp đỡ trẻ em trong thôn Hiền Vân, sau lớn dần, vươn ra giúp đỡ học sinh toàn xã. Tiền quỹ thì có hạn mà người cần giúp đỡ thì lại quá nhiều, buộc ông hằng đêm phải trăn trở tìm cách tháo gỡ. Mặc cho người nhà can ngăn, nhưng ông già 78 tuổi này quyết định “ra đi” tìm nguồn viện trợ giúp bọn trẻ. Ông nói: “Chút sức lực còn lại cần làm việc gì đó giúp các em nghèo bớt khổ”. “Hành trình” của ông là tìm đến Hội đồng hương người Huế ở các tỉnh, thành phố. Điểm dừng chân cuối cùng của chuyến “hành trình” là TP Hồ Chí Minh. Ròng rã hơn một tháng lặn lội đi vận động, quyên góp, số tiền đã lên đến 40 triệu đồng. Số tiền quyên góp được ông trích ra 20 triệu để trao thưởng và giúp đỡ các em học sinh nghèo, số còn lại ông gửi cho Hội đồng hương Thừa Thiên-Huế ở TP Hồ Chí Minh, nhờ hội lấy số tiền đó cho hội viên vay để kinh doanh, rồi lấy lãi làm quỹ. Sau nhiều lần “thân chinh” đi khắp nơi vận động quyên góp, quỹ ông Hạp đã tăng lên, lúc đầu chỉ có 5 triệu, 10 triệu, đến nay quỹ của ông đã lên tới hơn 50 triệu đồng, người ta thường gọi là: “Quỹ ông Hạp”. Năm nào ông cũng lặn lội đi khắp nơi để xin ủng hộ giúp các em nghèo học giỏi, các em có hoàn cảnh khó khăn. Hàng ngàn em đã được quỹ ông Hạp giúp đỡ. Thầy Mùi, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vinh Hải tâm sự: “Tui bị tai biến mạch máu não, gia đình hết tiền chạy chữa vẫn không khỏi, 3 đứa con tui đứng trước nguy cơ phải bỏ học giữa chừng may thay được ông Hạp giúp đỡ, cả 3 đứa con tui đã học xong lớp 12, ông còn giúp các cháu tiền học nghề nữa. Gia đình tôi chịu ơn ông nhiều lắm”. Hay em Nguyễn Thị Ly Na từ nhỏ đã mồ côi cha, mẹ mất khi em vừa bước vào lớp 8, Na bơ vơ không nơi nương tựa đã được quỹ ông Hạp cứu giúp, chu cấp tiền ăn học, áo quần cho Na học hết cấp 3 và cho đi học nghề, nay em đã có công việc và có thu nhập ổn định. Rồi em Nhung, em Trang được quỹ ông Hạp giúp đỡ đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định. Còn nhiều và rất nhiều em nữa đã được ông Hạp cưu mang, giúp đỡ vượt qua khó khăn.

  • Ông Hạp “rác”

Ngày ngày người lính già vẫn thầm lặng làm sạch môi trường cho bà con lối xóm.

Ngày ngày người lính già vẫn thầm lặng làm sạch môi trường cho bà con lối xóm.

Trong một lần ra biển dạo chơi cùng đứa cháu, ông thấy biển sao hôm nay lạ quá, nước đục ngầu, rác thì ngổn ngang bốc mùi hôi thối. Ông đứng bần thần, ngẩn ngơ, ông lo cho sức khỏe của người dân quê mình. Về nhà ông vận động học sinh tham gia làm vệ sinh nơi công cộng. Cứ chủ nhật hàng tuần là ông xắn quần cùng bọn trẻ lội đi khắp nơi, từ đầm phá đến xó chợ, bãi biển để thu gom rác. Việc làm của ông được mọi người đồng tình hưởng ứng, nhưng một tuần một lần thu gom rác thấy không ăn thua, ngày thứ 2 thứ 3 còn sạch đẹp nhưng sang đến ngày thứ 4 thì đâu lại vào đấy, rác vẫn vứt ra tràn xóm, tràn đầm, ngổn ngang trên bờ biển. Một lần nữa, ông lại phải trăn trở tìm giải pháp mới để bảo vệ môi trường, cứu lấy nguồn nước sắp bị ô nhiễm. Ông dồn tất cả số tiền lương hưu cộng với số tiền đứa con trai gửi về để ông làm lễ thượng thọ, đem mua chiếc xe gom rác. Ngày ngày, bất kể trời mưa hay nắng, người ta vẫn thấy một cụ già đẩy xe rác đi khắp trong xã để thu gom rác. Ông được người dân gọi với cái tên mới rất dễ thương là: ông Hạp “rác”. Noi gương ông, đoàn viên thanh niên trong thôn Hiền Vân cũng nhiệt tình tham gia. Họ cùng ông ngày ngày đẩy xe rác đi làm sạch môi trường trong thôn, ngoài xã.

Năm nay ông Hạp đã 78 tuổi. Công việc này quả là vô cùng cực nhọc đối với một người ở tuổi “cổ lai hy” như ông. Nhưng ông vui lắm, vui vì thấy quê hương mình ngày một sạch đẹp, vui vì học trò nghèo không phải thất học… Nghe chuyện, cứ tưởng nhà ông cũng thuộc loại khá giả, nhưng tìm đến nhà thăm ông, hóa ra hai ông bà già sống chỉ trông chờ vào đồng lương hưu vài trăm ngàn đồng mỗi tháng. Nghèo khó là thế, nhưng trong căn nhà cũ của ông luôn rộn tiếng cười, khi thì hàng xóm tới chơi, khi thì khách qua đường nghe chuyện ghé hỏi thăm sức khỏe. Gặp ông, người già, trẻ con trong thôn ngoài xã đều vẫy tay chào, mấy bà đi chợ ríu rít thăm hỏi, còn học trò tíu tít bắt chuyện. Với ông, dường như niềm vui là mang đến lợi ích cho người khác! 

NGUYÊN LINH - VIỆT HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục