Tấm lòng những thầy thuốc quân y

Tấm lòng những thầy thuốc quân y

(SGGP-12G).- Không lương thưởng, không nguồn thu nhập, không ngại tuổi già… thế mà gần 19 năm nay, dù trời mưa trời gió rét thế nào, các cựu thầy thuốc quân y đều có mặt rất sớm ở phòng khám nhân đạo TP Huế để khám chữa bệnh cho những người nghèo, già yếu, nạn nhân chất độc da cam… Đó là phẩm chất cao quý của người thầy thuốc và cũng là bản chất của người lính Cụ Hồ.

Điểm đến cho dân nghèo

Người già nhất của đội ngũ y, bác sĩ ở đây đã tuổi 75, người trẻ nhất cũng trên 60. Tất cả đều là những thầy thuốc ở Viện Quân y 268 về hưu. Với tâm nguyện muốn tiếp tục cống hiến cho cuộc đời, họ đã đứng ra thành lập phòng khám nhân đạo này.

Từ phòng khám bước ra, y sĩ Trần Thị Kim hạ giọng: “Trung tâm này thành lập từ tháng 9-1990. Lúc đầu có tất cả là 14 cả y, bác sĩ và lương y, nhưng bây chừ chỉ còn lại 4 người thôi. Người bệnh tới thì nhiều, nhưng chẳng có người làm, thương họ lắm vì hầu hết họ là những người nghèo, không có tiền chạy chữa tại bệnh viện”.

Tấm lòng những thầy thuốc quân y ảnh 1

Lương y Tạ Xuân Hồng khám bệnh cho bà con

Mỗi năm phòng khám đã chẩn đoán và cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn người, chủ yếu là những người có hoàn cảnh khó khăn. Phòng khám rất đơn sơ chỉ rộng khoảng 30m2 đặt 4 chiếc giường gỗ cũ kỹ, nhưng hằng ngày đội ngũ y, bác sĩ già này làm việc không ngớt tay. Đi rất sớm, về lại muộn.

Các bác ở đây rất chu đáo, tận tình chăm sóc những người bệnh. “Chúng tôi không hề có một sự tính toán hay so bì chi cả. Về hưu rồi, mình muốn tiếp tục đóng góp cho xã hội bằng chút kinh nghiệm, những kiến thức sẵn có. Chúng tôi mong góp một phần nhỏ nhoi để những bệnh nhân nghèo bớt khổ. Chính vì vậy, chúng tôi làm việc luôn tay, khi nào hết bệnh nhân mới nghỉ, không kể giờ giấc...”, bà Kim bày tỏ.

Những việc làm nhân nghĩa của những tấm lòng cao cả, họ mong đem lại niềm vui cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn bằng tất cả những gì có thể được. Những tấm lòng ấy được nhiều bệnh nhân đáp lại bằng những hành động rất chân tình. Chị Phạm Thị Mai Hương ở phường Thuận Lộc, một bệnh nhân nghèo đến đây khám và chữa bệnh gần 5 năm nay xúc động: “Các bác, các dì ở đây rất tận tâm, chăm sóc chúng tôi với thái độ rất tận tình, khuyên bảo và quan tâm như chính người thân của họ”.

Một bệnh nhân khác thì viết với những dòng chữ nguệch ngoạc, nhưng đầy sự biết ơn “Tên tôi là Nguyễn Minh Thành. Nhờ ơn các bác sĩ chăm lo cho tôi và các bệnh nhân khác rất tốt. Trong lúc hoàn cảnh khó khăn, tôi may mắn được các bác sĩ giúp đỡ, chăm sóc như một người cha, người mẹ chăm sóc con…”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hưng – nguyên trưởng phòng khám kể có những trường hợp rất tội, làm anh em không cầm được nước mắt. Đó là trường hợp gia đình cụ Lê Hồng, ở phường Thuận Thành. Ông cụ năm nay đã 86 tuổi, cụ bà 73 tuổi bị liệt giường, gia đình rất khó khăn. Họ đến đây và được các bác chăm sóc. Không có gì đền đáp công ơn, cụ Hồng đã đem tặng cho phòng khám một miếng xà phòng thơm làm ai cũng cảm động. Trong cuốn sổ lưu niệm, chúng tôi còn đọc vô vàn những dòng bày tỏ cảm xúc, sự biết ơn của các bệnh nhân đối với đội ngũ y, bác sĩ phòng khám.

Nguy cơ đóng cửa phòng khám

Những năm về trước do có nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ cả tiền mặt và thuốc men nên số lượng người tới khám rất đông. Năm 2008, tuy có hơn 3.500 trường hợp tới khám và cấp thuốc miễn phí nhưng số lượng này đã giảm hơn nhiều so với những năm về trước vì phòng khám ngày càng cạn kiệt nguồn thuốc.

Lương y Tạ Xuân Hồng chùng giọng: “Các năm về trước, bốn bác sĩ ở đây cũng phải lận đận lắm. Chúng tôi chia nhau đi khắp nơi để xin tài trợ. Nhưng xin mãi rồi cũng ngượng vì toàn là xin những người quen biết hoặc phải vận động chính người thân, bạn bè ủng hộ cho phòng khám. Tội lắm, bây giờ mà không có thuốc thì chắc phòng khám đóng cửa”.

Phòng khám còn tổ chức nhiều đợt đi khám ở các huyện vùng núi như A Lưới, Phong Điền…; kết hợp với Bệnh viện Trung ương Huế khám và cấp thuốc cho hàng ngàn người dân ở các xóm vạn đò trên địa bàn TP Huế.

Nhìn vào những tấm bảng ghi nhận những đóng góp của các tấm lòng hảo tâm ngày càng giảm, lòng chúng tôi cũng cảm thấy xót xa. Mấy tháng nay, người đến khám cứ ít dần đi, vì thuốc ít quá nên không biết làm sao. Dược sĩ Nguyễn Thị Liễu nói: “Nhiều lúc bà con đến đông quá, không biết làm thế nào, cấp nhiều thuốc cho người này thì người khác không có. Mà cấp ít thì sợ họ không hết bệnh, cứ phân vân mãi rồi cũng đành phải san sẻ cho người một ít. Thương họ quá…”.

Hiện nay, các y, bác sĩ vẫn tiếp tục tới những nơi quen biết vận động bà con đóng góp nhằm duy trì phòng khám. Tấm lòng nhân nghĩa của ngưòi lính Cụ Hồ năm xưa trong các cựu quân y đã đọng sâu vào tâm trí người dân nơi đây. Bao năm tháng đã qua, họ không đòi hỏi một sự đền đáp nào mà chỉ mong muốn đóng góp những gì còn lại cho những người nghèo khổ, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Họ mong sao niềm tin, điểm tựa của những mảnh đời khó khăn không bị mất đi.

Hương Giang

Đọc nhiều nhất

Những sứ giả của chiến thắng

Những sứ giả của chiến thắng

“Vợ ơi, đội tuyển nữ Việt Nam giành huy chương vàng rồi!", từ thủ đô Phnom Penh (Campuchia), HLV Mai Đức Chung gọi điện về tổ ấm yêu thương, nơi có bà xã Phạm Thị Ngọc Uyển đang ngóng chờ tin vui thắng trận từ chồng. Có thể người phụ nữ gắn chặt cuộc đời với ông Mai Đức Chung đã biết tin chiến thắng khi theo dõi qua màn hình nhỏ, song cuộc gọi ấy sẽ giúp ông giải tỏa áp lực sau trận chung kết đầy cảm xúc…

Cuộc thi phóng sự - ký sự báo chí Người tốt - Việc tốt

Gương sáng ở làng chài Phước Tỉnh

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, với 11 anh chị em, ở thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, năm 1987, ông Nguyễn Văn Nhỏ (hiện 53 tuổi) từ biệt dải đất miền Trung đầy nắng gió tìm đến lập nghiệp ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ảnh

Dân quân tự vệ bảo vệ biên cương

Nhiều năm qua, lực lượng dân quân tự vệ của các công ty cao su (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam), có vùng sản xuất giáp ranh biên giới Campuchia đã phối hợp lực lượng bộ đội biên phòng và bộ đội địa phương tuần tra bảo vệ tài sản của Nhà nước, đảm bảo tốt an ninh trật tự trên địa bàn và vùng biên giới.