Tam-mơya hồi sinh

Cùng với tình trạng “chảy máu” cồng chiêng, những điệu tam-mơya (múa truyền thống) của người Churu bên dòng Đa Nhim cũng một thời vắng bóng. Sự hồi sinh những điệu múa này có dấu ấn tích cực của “nữ chúa” Ma Bio ở xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Tam-mơya hồi sinh

Cùng với tình trạng “chảy máu” cồng chiêng, những điệu tam-mơya (múa truyền thống) của người Churu bên dòng Đa Nhim cũng một thời vắng bóng. Sự hồi sinh những điệu múa này có dấu ấn tích cực của “nữ chúa” Ma Bio ở xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Gọi Ma Bio là “nữ chúa” có lẽ cũng không quá, bởi vai trò thủ lĩnh của người phụ nữ tuổi quá ngũ tuần này trong việc vận động đồng bào gìn giữ văn hóa truyền thống. Ở các buôn làng người Churu, có lẽ mọi người nhắc đến Ma Bio đầu tiên bởi tài làm rượu cần của bà. Cả chục năm trước, rượu cần Ma Bio đã có thương hiệu, có chỗ đứng. Nhưng cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với người phụ nữ này lại xoay quanh những vũ điệu cổ xưa của tộc người sống bên dòng Đa Nhim huyền thoại.

Ma Bio giới thiệu bộ chiêng ba của dân tộc Churu.

Ma Bio giới thiệu bộ chiêng ba của dân tộc Churu.

Dù vừa xây cất xong căn nhà khang trang nhưng Ma Bio vẫn tiếp chuyện những vị khách phương xa trong ngôi nhà gỗ đã cũ. Đây là nơi bà ngâm ủ rượu cần, nơi cất giữ những bộ chiêng quý và cũng là không gian để bà truyền dạy cho lớp trẻ những vũ điệu truyền thống của dân tộc mình.

Ma Bio bắt đầu câu chuyện bằng những điệu chiêng. Âm thanh phát ra từ bộ chiêng từ đời ông, đời cha của bà để lại. Bà nói rằng, người Churu cả nam và nữ đều chơi chiêng. Lúc bà còn nhỏ, trong buôn làng có nhiều người biết đánh chiêng lắm. Riêng trong gia đình bà thì ai cũng mê chiêng. Sinh ra trong không gian đầy ắp tiếng chiêng ấy, nên năm lên 10, bà đã biết cầm dùi đánh chiêng một cách tự nhiên và từ đó tiếng chiêng cứ theo bà, gắn bó như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bà.

Ma Bio cho biết, trong đời sống tinh thần của người Churu, chiêng có vị trí rất quan trọng. Đặc biệt, đối với người Churu, gắn chặt với tiếng chiêng, tiếng trống là những điệu múa truyền thống. Các điệu tam-mơya ari-ya, tam-mơya dam-dra, tam-mơya t’rum-pô và tam-mơya păh-gơ-năng đều hình thành trên nền những bài chiêng cổ của người Churu, mỗi điệu múa gắn với một bài chiêng.

Trong các lễ hội như lễ vào mùa, lễ đắp đập, mừng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ cúng đình…, khi âm thanh của bộ chiêng ba, tiếng trống păh-gi-năng, trống sơng-gơr và kèn lơ-ker vang lên thì mọi người cùng bắt đầu hòa điệu múa. Đó không chỉ là hình thức sinh hoạt văn nghệ mà quan trọng hơn là cách để người Churu thể hiện tình cảm với nhau và với các đấng thần linh.

Vậy mà đã có một thời gian khá dài, vì nhiều lý do mà lớp trẻ dân tộc Churu không còn mặn mà với chiêng, nhiều người bán đi những bộ chiêng quý. Các điệu tam-mơya cũng vắng dần trong các nghi lễ và sinh hoạt cộng đồng của người Churu. Chứng kiến cảnh mai một của các giá trị truyền thống, Ma Bio buồn lắm, bà đi từng nhà để vận động đồng bào không bán chiêng. Biết nhiều hoàn cảnh túng thiếu, phải bán chiêng quý, Ma Bio gom tiền để mua lại. Hôm tiếp chuyện chúng tôi, Ma Bio cũng vừa bán hơn một tấn lúa để chuẩn bị mua lại một bộ chiêng quý ở xã Tu Tra.

Cùng với việc vận động gìn giữ chiêng quý, Ma Bio tập hợp con cháu trong buôn làng đến để truyền dạy đánh chiêng và học các điệu múa truyền thống. Bà nói: “Lúc đầu cũng ít cháu nghe theo, nhưng mình thuyết phục dần dần các cháu cũng đến học, rồi thấy thích và rủ nhau ngày một đông. Bây giờ đã nhiều cháu chơi nhuần nhuyễn như Luyến, Tou Ruy…”.

Theo ông Phạm Hoàng Anh, người làm công tác văn hóa trên 30 năm tại huyện Đơn Dương, từ tấm lòng và nhiệt huyết của mình, đến nay, bà Ma Bio đã truyền dạy cho hơn 50 thanh niên dân tộc Churu biết đánh chiêng.

Khi đã nhiều người biết đánh chiêng, bà thành lập đội chiêng, tổ chức đi biểu diễn để giới thiệu nét độc đáo văn hóa dân tộc mình. Không những vậy, để làm phong phú thêm hoạt động của đội chiêng, năm 2009, Ma Bio đã lặn lội ra tận Quảng Nam, thuê các nghệ nhân đúc bộ đồng la (các dân tộc Tây Nguyên khác gọi là chiêng, không có núm). Rồi bà dành cả gần 2 tháng trời lên Gia Lai cấy lúa “đổi công” để học thẩm âm đồng la (chỉnh chiêng). Ma Bio giải thích, sở dĩ phải học thẩm âm tận Gia Lai vì dân tộc Churu không có đồng la mà chỉ có chiêng ba (gọi là cing hoặc sar).

Bây giờ, trong các lễ hội của người Churu, tiếng trống, tiếng chiêng đã vang trở lại và những điệu tam-mơya nhịp nhàng, uyển chuyển cũng đang dần hồi sinh.

Ông Tou Prong Dzung, nhà nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ Churu, cho biết, người Churu có 3 điệu múa chính là tam-mơya ari-ya, tam-mơya dam-dra và tam-mơya păh-gơ-năng. Trong đó, tam-mơya ari-ya là điệu múa phổ thông nhất, động tác múa nhẹ nhàng đơn giản nên mang tính cộng đồng cao, mọi người tham gia lễ hội (kể cả du khách) cũng có thể hòa nhịp. Cũng chính đặc trưng đó mà điệu tam-mơya ari-ya có nhiều biến thể chứ không ràng buộc quá chặt chẽ.

Ngược lại, tam-mơya dam-dra là điệu múa vui nhộn, tiết tấu nhanh, thường được các đôi nam thanh nữ tú dùng để biểu hiện tình cảm. Còn tam-mơya păh-gơ-năng là điệu múa cúng. Có tài liệu cho rằng, điệu múa chính trong lễ cúng là t’rum-pô.

Nam Viên

Tin cùng chuyên mục