Tâm nguyện chưa thành của “chim cánh cụt biết bay”

Một thời như hoa của đất...
Tâm nguyện chưa thành của “chim cánh cụt biết bay”

Đã mấy năm rồi tôi mới có dịp đến thăm lại “chim cánh cụt biết bay” Hoa Xuân Tứ. Nhà Xuân Tứ ở phía ngoài đê sông Lam, thuộc vùng “ốc đảo” mỗi mùa mưa lũ về, đó là xã Hưng Nhân (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An). Thế hệ những năm 1960 - 1970 hẳn nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh cậu bé bị cụt cả hai tay đến tận vai, nhưng bằng nghị lực phi thường đã biến cằm và vai thành “đôi tay” để viết chữ, sinh hoạt... như bao người bình thường khác. Và mọi người đều trìu mến gọi Hoa Xuân Tứ là “chim cánh cụt biết bay”.

Ông Hoa Xuân Tứ với công việc hàng ngày của mình.

Ông Hoa Xuân Tứ với công việc hàng ngày của mình.

Một thời như hoa của đất...

Năm 1955, khi ấy Hoa Xuân Tứ lên 5 tuổi. Vào thời điểm hợp tác xã vào vụ ép mía, anh trai đi làm nên Tứ theo đi chơi. Lúc anh trai có việc phải đi đâu đó, thấy con trâu kéo trục ép mía cứ đi vòng vòng hay quá nên Tứ chạy lại ngó nghiêng. Bắt chước anh trai, Tứ vác cây mía cho vào guồng ép. Nhưng thay vì rút tay ra khi cây mía vào guồng thì Tứ cứ thế cầm đẩy theo. Một bàn tay bị cuốn vào vòng trục. Hoảng sợ, Tứ la lên rồi theo phản xạ tự nhiên đưa tay còn lại kéo tay kia ra. Thế là cả hai tay đều bị cuốn vào guồng, máy ép nát cả hai tay đến tận vai. Mặc dù tính mạng được giữ lại nhưng đôi tay đã không còn. Thời gian đầu Tứ rất buồn và rơi vào trạng thái u uất. Mỗi khi thấy các bạn nô đùa bơi lội trên sông Lam, Tứ ngồi bên bờ tre vừa giữ quần áo cho  bạn vừa khóc. Đến tuổi đi học Tứ còn buồn hơn khi thấy các bạn được đến trường. Tứ đòi đi học nhưng cha mẹ chỉ ậm ừ vì biết con mình không thể viết được chữ. Không chấp nhận thực tế, cậu quyết tâm tập viết chữ cho bằng được. Những lúc ra đồng chăn trâu Tứ nhờ các bạn dạy. Những khi các bạn ào xuống sông tắm, Tứ ngồi trên bờ hì hụi học. Đầu tiên Tứ dùng chân kẹp các que tre tập viết trên nền đất, trên sân; sau chuyển sang tập viết bằng cằm và vai. Thời gian đầu bố mẹ, anh chị không cho học vì thấy con, thấy em chân thì co quắp, cổ và vai oặt đi… Nhưng, với nghị lực phi thường, cuối cùng Tứ cũng viết bằng cả hai cách là dùng chân hoặc cằm và vai.

Tấm gương vượt lên số phận của Hoa Xuân Tứ không chỉ nổi tiếng trong làng mà dần lan ra khắp vùng. Bố mẹ Tứ đón nhiều người từ khắp nơi đến thăm con. Nhiều nhà báo đã đến viết về tấm gương của Tứ, trong đó xúc động nhất có thể kể đến bài của nhà văn Sơn Tùng. Bác Hồ đã đọc báo và rất xúc động. Bác đặc cách cho mời Hoa Xuân Tứ dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ năm 1967. Tấm gương vượt lên số phận của Hoa Xuân Tứ đã khiến những người tham dự đại hội vô cùng xúc động. Các nhà văn, nhà thơ lấy tấm gương của Tứ làm cảm hứng, trong đó có hẳn một cuốn truyện của nhà thơ Quang Huy mang tên Hoa Xuân Tứ. Các nhạc sĩ sáng tác ca khúc về Tứ, trong đó có bài được thiếu nhi thời đó thuộc lòng, trong bài có đoạn: Hoa Xuân Tứ, người bạn hiền ta yêu biết mấy, cụt cả hai tay mà anh vẫn mê say, như con chim không cánh mà vẫn biết bay…

Ông Tứ bên cô con gái bị tật nguyền - Hoa Thị Sen.

Ông Tứ bên cô con gái bị tật nguyền - Hoa Thị Sen.

Tâm nguyện chưa thành...

Cách đây mấy năm tôi đã có dịp đến thăm ông. So với ngày ấy, cái nền nhà “xây mãi không lên” như lời ông nói, đã có một ngôi nhà dựng lên với sự quyên góp của những người có tấm lòng với hoàn cảnh của ông. Bây giờ Hoa Xuân Tứ đã là ông nội, ông ngoại. Cuộc sống vẫn chưa hết khó khăn nhưng vợ chồng ông đã được hưởng niềm vui tuổi già bên những đứa cháu. Đứa con gái đầu cùng chồng lập nghiệp trong tỉnh Bình Dương, cô em kế tiếp lấy chồng ở xã Hưng Đạo trong huyện, 2 anh con trai cũng đã xây dựng gia đình và ở cận kề bố mẹ. Riêng cô con gái Hoa Thị Sen bị tàn tật từ bé vẫn phải nằm một chỗ. Trước đây vài năm, ông bà còn làm đến 3 mẫu ruộng, nhưng nay sức đã yếu nên chỉ còn làm được 5 sào. Ngoài ra, ông Tứ nhận trông coi hoa màu cho bà con xóm 4, mỗi năm được 1,4 tấn thóc. Vì thế ông bà cũng tạm đủ sống.

Cho đến tận hôm nay, ông chỉ còn một tâm nguyện vẫn chưa thực hiện được. Ông Tứ suy nghĩ và băn khoăn: không hiểu sao việc công nhận chế độ thương binh cho vợ ông-bà Lê Thị Sự, mặc dù hồ sơ đã hoàn tất, nhưng không biết còn vướng mắc nơi nào mà chưa được chấp nhận? Thời chiến tranh chống Mỹ, bà Sự tham gia dân công hỏa tuyến ở địa bàn huyện Nghi Lộc. Ngày 21-5-1968, trong khi đang đào hầm cất giữ xăng dầu cho bộ đội tại bãi Dộp thuộc xã Nghi Kiều (huyện Nghi Lộc) thì bom Mỹ dội xuống. 3 đồng đội hy sinh, bà Sự bị thương nặng với giám định thương tật 56%. Từ năm 2007, hai ông bà đã làm hồ sơ xin được hưởng chế độ chính sách, nhưng  đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Ông Tứ tâm sự: “Bà nhà tui bị thương thật. Có người làm chứng, có giấy tờ được mấy cơ quan đóng dấu đỏ xác nhận rõ ràng. Nhưng không hiểu răng bà nhà tui không được công nhận chế độ? Tui thương tật là do tai nạn, còn bà nhà tui bị thương là do làm nhiệm vụ, răng lại không được chi?”.

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục