Bạn đọc viết

Tản mạn về sách giáo khoa

Tản mạn về sách giáo khoa

Nhiều người vui mừng khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, cụ thể là sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) ra đời, không phải chỉ có một bộ duy nhất như hiện nay.

Tham khảo sách lớp 5 tại Nhà sách Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Tham khảo sách lớp 5 tại Nhà sách Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Chỉ một chuyện SGK cho các nhà trường phổ thông mà cũng lắm điều bàn cãi. Vào giữa thế kỷ 20, ở một số địa phương của Mỹ có người lên án SGK, đòi loại nó ra khỏi nhà trường. Họ bảo: “SGK chỉ có tác dụng khiến học sinh học thuộc lòng. Nó chẳng còn cần thiết, bỏ đi là hơn!”. Nhưng rồi các trường học lại thấy không thể bỏ được. Thế là không những không bỏ mà còn thi đua nhau soạn SGK cho hay, sao cho có tác dụng tốt đối với việc học của trò.

Tôi nhớ GS Dương Thiệu Tống khi nói chuyện với bạn bè là giáo giới, lúc SGK của Bộ GD-ĐT mới ra đời bị chê vì có nhiều lỗi, GS bảo: “Đúng thôi, bởi người viết SGK có được học cách viết nó như thế nào đâu!”.

Quả là như thế thật. Kinh nghiệm cho thấy nhà trường phổ thông có thật nhiều môn học, mà môn nào cũng cần phải có SGK. Đã thế, sách cho học sinh lớp 1 lại không phải dễ viết, bởi đối tượng học sinh này sử dụng sách nhưng chưa biết đọc, làm sao biết đâu là kênh chữ, đâu là kênh hình! Nói thế để biết rằng không phải muốn viết cho sách lớp 1 như thế nào cũng được.

SGK là cụ thể hóa chương trình môn học do nhà nước quy định. Thế nhưng, trong đợt cải cách chương trình và SGK thì chương trình môn Vật lý của bậc học PTCS lại được soạn thảo thật tùy tiện. Hậu quả là những SGK môn Vật lý cho các lớp 6, 7, 8 có nhiều thiếu sót.

Có thể nói, SGK là một loại sách đặc biệt đòi hỏi tác giả về cả 2 mặt: về khoa học phải chính xác, phải cập nhật những thành tựu của thế giới; về sư phạm phải được biên soạn để nó là công cụ hướng dẫn nhận thức của học sinh, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, phát triển toàn diện năng lực của người học. Quả là những yêu cầu khó mà đáp ứng đầy đủ.

Nhìn lại chương trình và SGK môn Vật lý của ta thì thấy rõ sự thua thiệt của các học sinh phổ thông từ lớp 6, khi bắt đầu học Vật lý, cho đến hết lớp 12 khi kết thúc môn học. Hóa ra học mà chẳng được biết vật lý học nghiên cứu cái gì, đã có những thành tựu ra sao, không biết thế nào là vật lý cổ điển, vật lý hiện đại và nội dung lạc hậu so với các nước phát triển.

Nói miên man, dông dài như thế để thấy rằng, thông tin sẽ có nhiều bộ SGK ra đời chưa hẳn là một tin vui. Tôi cũng không nghĩ rằng ai cũng có thể viết SGK, bởi còn phải được Bộ GD-ĐT cho phép hay không…

Nguyễn Trọng Di

Tin cùng chuyên mục