Ô nhiễm gây thiệt hại GDP từ 5% - 7%
Hệ quả về môi trường do quá trình tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, gia tăng dân số… ngày càng rõ nét. Xung đột giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường ngày càng bộc lộ rõ khi chất lượng môi trường ngày càng xấu đi. Các sự cố về môi trường, tranh chấp môi trường và xung đột môi trường diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường; có nguy cơ lan rộng cả về không gian, thời gian và tần suất.
Theo TS Lê Việt Phú, chuyên gia kinh tế, Trường Đại học Fulbright, tác giả của đề tài nghiên cứu “Ước lượng thiệt hại sức khỏe và chi phí kinh tế của ô nhiễm không khí tại TPHCM”, ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã gây thiệt hại đến 5% GDP hàng năm. Nồng độ ô nhiễm bụi trong không khí tăng rất nhanh, trung bình/năm đã vượt ngưỡng cảnh báo của WHO tới 3 lần và mang đến rủi ro về bệnh tật, tử vong cho người dân. Ước tính vào năm 2013, Việt Nam có đến 40.000 trường hợp tử vong có liên quan đến ô nhiễm không khí (do hạt bụi PM 2.5). Tại TPHCM, con số này là 3.000 người, tăng gấp đôi so với năm 1990. Thiệt hại về người dẫn đến thiệt hại về kinh tế, xét ở góc độ kinh tế cá nhân. Tổng số người chết do ô nhiễm không khí (năm 2013) nếu quy ra con số thiệt hại về kinh tế sẽ tương đương 5% - 7% GDP.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID), Việt Nam nằm gần cuối bảng xếp hạng (năm 2016) của Đại học Yale về chất lượng không khí, vị trí 170/180 quốc gia. Đó là lý do tại sao nhiều người đang thức tỉnh và nhận ra rằng, chúng ta đang ở trong tình trạng nguy hiểm và có hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Liệu Việt Nam có cần thông qua các quy định mới để bảo vệ môi trường hoặc đơn giản là mở rộng các quy định hiện tại, như đánh thuế khí đốt? Các quy định này có nên đặt trách nhiệm lên vai giới doanh nghiệp nhiều hơn? Liệu đã tới lúc 92 triệu công dân Việt Nam nên khuyến khích đi bộ hay sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, thay vì đi xe máy hoặc xe hơi cá nhân?
Bà Ngụy Thị Khanh cho rằng, việc ban hành một bộ luật về “không khí sạch” là rất cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Yếu tố môi trường đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và toàn xã hội. Do đó, đòi hỏi cần có các chính sách phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Cần giải pháp cấp bách, đột phá
Trong hơn 20 năm qua, xu hướng của ô nhiễm không khí luôn tăng và có thể nhận thấy xu hướng này tiếp tục tăng trong tương lai. Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây nhiều bệnh tật, dẫn đến tử vong mà còn ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc phải có chính sách phù hợp nhằm thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường bền vững trong dài hạn (thông qua việc tái cơ cấu lại các ngành kinh tế), Việt Nam cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; trong đó có những chế tài đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm, có tỷ lệ chi ngân sách đúng mức cho hoạt động sự nghiệp môi trường. Ngoài ra, phải đa dạng hóa trong đầu tư về sản xuất năng lượng, ngoài năng lượng từ đốt than. Khích lệ sử dụng những nguồn năng lượng sạch, thiết bị tiết kiệm năng lượng…
Theo TS Lê Việt Phú, nguồn gây ô nhiễm chính ở các đô thị là phương tiện giao thông; vì vậy, nhà nước nên hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy. Và muốn thực hiện được điều này phải phát triển hệ thống giao thông công cộng thật tốt để thu hút người dân.
Mặt khác, TS Lê Việt Phú cũng lưu ý việc đề nghị tăng thuế môi trường từ xăng dầu sẽ gây nhiều thiệt hại cho người nghèo, vốn phải dành một phần thu nhập để mua xăng dầu. Việc đánh thuế qua xăng dầu không quan trọng bằng việc kiểm soát khí thải từ xe máy (đến năm 2020 chúng ta mới bắt đầu kiểm tra khí thải xe máy). Bên cạnh đó, cần thiết giảm các ngành, dự án gây ô nhiễm cao, tiêu tốn nhiều năng lượng. Đồng thời phải chuyển đổi từ tăng trưởng kinh tế đơn thuần sang tăng trưởng kinh tế bền vững, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo được an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Đồng quan điểm này, PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Trưởng phòng Quản lý ô nhiễm và biến đổi khí hậu (Viện Môi trường và Tài nguyên - Đại học Quốc gia TPHCM), cho biết, chính quyền TPHCM cũng đặt ra mục tiêu tới năm 2020, có 90% công ty công nghiệp phải lắp đặt hệ thống xử lý ô nhiễm không khí, nhằm giảm 70% không khí ô nhiễm vào cùng thời điểm. Để thực hiện mục tiêu này, TPHCM cần đẩy mạnh việc kiểm tra khí thải các loại phương tiện giao thông, loại bỏ xe gây ô nhiễm môi trường; kiểm tra nguồn khí thải từ các nhà máy phát sinh khí thải với lưu lượng lớn, giảm kẹt xe...
Về giải pháp dài hạn, thành phố cần quy hoạch và phân vùng xả khí thải để phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. TPHCM là nơi tập trung mật độ công nghiệp rất cao, vì vậy nên sớm có thêm những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng không khí và nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng không khí.