Tăng cường thúc đẩy hợp tác, đầu tư Việt Nam - Lào - Thái Lan

Sáng 10-4, Diễn đàn Kết nối thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch Việt Nam – Lào – Thái Lan diễn ra tại Paksé, tỉnh Champasak, Lào. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM dẫn đầu đoàn đại biểu TPHCM tham dự diễn đàn và có bài phát biểu quan trọng.

Thúc đẩy phát triển Hành lang kinh tế Đông – Tây

Tham dự diễn đàn có lãnh đạo chính quyền, doanh nghiệp và hiệp hội các tỉnh thành Champasak, Sekong, Salavan, Attapeu (Lào); TPHCM, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp (Việt Nam); Ubon Ratchathani (Thái Lan).

Lãnh đạo TPHCM và các tỉnh Nam Lào chụp ảnh lưu niệm với các trưởng đoàn dự diễn đàn

Lãnh đạo TPHCM và các tỉnh Nam Lào chụp ảnh lưu niệm với các trưởng đoàn dự diễn đàn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Pakse Nguyễn Văn Trung cho biết, với mục đích triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế năm 2023, thực hiện các Thỏa thuận tại Kỳ họp 45 Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ Việt Nam – Lào và đặc biệt là thúc đẩy hợp tác phát triển Hành lang kinh tế Đông – Tây, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse chủ trì, phối hợp với Chính quyền tỉnh Champasak, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức diễn đàn với mục tiêu gặt hái được những kết quả tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực kêu gọi, xúc tiến, thúc đẩy đầu tư, thương mại và du lịch, qua đó góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ khăng khít giữa 3 nước Việt Nam – Lào – Thái Lan nói chung và giữa các tỉnh, thành địa phương 3 nước nói riêng.

Trong những năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng vai trò của tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây qua việc đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản, đưa vào Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tạo nhiều điều kiện về cơ chế, chính sách để thúc đẩy liên kết vùng, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn lực hợp lý, hài hòa, bền vững.

Các địa phương của Việt Nam trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây đi qua đã tích cực đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm khai tác tốt tiềm năng, lợi thế của tuyến, thúc đẩy giao lưu văn hóa, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa các địa phương trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây.

Cơ sở hạ tầng trên tuyến từng bước đầu tư hoàn thiện hoặc quy hoạch để thực hiện đầu tư trong thời gian tới như: sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế), sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), Cảng hàng không Quảng Trị (đang chuẩn bị đầu tư); hệ thống cảng biển: Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Tiên Sa (Đà Nẵng), Kỳ Hà (Quảng Nam), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Cửa Việt, Mỹ Thủy (Quảng Trị)…

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thăm gian hàng của TPHCM tổ chức nhân Diễn đàn Kết nối, thúc đẩy, hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch Việt Nam – Lào – Thái Lan
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thăm gian hàng của TPHCM tổ chức nhân Diễn đàn Kết nối, thúc đẩy, hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch Việt Nam – Lào – Thái Lan

Tại diễn đàn, các tỉnh, thành của Việt Nam, Lào, Thái Lan cập nhật, cung cấp thông tin về tiềm năng, thế mạnh, các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư và đề xuất các nội dung hợp tác giữa các bên; xây dựng kế hoạch, triển khai nội dung hợp tác đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển Hành lang kinh tế Đông – Tây.

Tiềm năng, thế mạnh của TPHCM

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng chí Phan Văn Mãi giới thiệu sơ lược về một số tiềm năng và thế mạnh của TPHCM, như là cơ hội để diễn đàn có thể cùng tìm kiếm các thị trường mới.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại diễn đàn

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại diễn đàn

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, TPHCM không chỉ nằm ở trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á, nơi có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và thị trường của hơn 600 triệu người, nằm lân cận các nước trong ASEAN nhất là Lào, Thái Lan, với hạ tầng giao thông thuận tiện, tận dụng các tuyến đường kết nối, thuận lợi cho hợp tác trong lĩnh vực logistics, vận chuyển, bảo quản hàng hóa, nhất là nông sản, là sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của cả ba nước. Điều này tạo nên cơ hội việc làm rộng mở đối với người lao động và giúp dễ dàng giao thương với các nước láng giềng.

Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM có quy mô kinh tế lớn nhất nước, tương đương khoảng 65 tỷ USD. Nhà đầu tư đến TPHCM có cơ hội tiếp cận lượng khách hàng rất lớn, đầy tiềm năng, đó là người dân sinh sống, làm việc ở TPHCM; cộng với lượng khách du lịch đến TPHCM mỗi năm (3,5 triệu lượt khách quốc tế và 25 triệu lượt khách nội địa trong năm 2021).

Hơn nữa, từ TPHCM, doanh nghiệp có thể khai thác thị trường của vùng Đông Nam bộ, được đánh giá là vùng kinh tế năng động, đóng góp nhiều vào kinh tế chung của Việt Nam với quy mô dân số trên 20 triệu người.

Ký kết thỏa thuận giữa VECOM và 3 tỉnh Nam Lào (Champasak, Sekong, Salavan)

Ký kết thỏa thuận giữa VECOM và 3 tỉnh Nam Lào (Champasak, Sekong, Salavan)

Cũng tại diễn đàn, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa VECOM với 3 tỉnh Nam Lào là Champasak, Sekong và Salavan nhằm tăng cường kết nối giao thương với các tỉnh thành thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam Việt Nam thông qua nâng cao trình độ nguồn nhân lực và các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh, xây dựng nền tảng thúc đẩy giao lưu trực tuyến xuyên quốc gia Việt Nam – Lào – Thái Lan.

Phát biểu bế mạc diễn đàn, đồng chí Vilayvong Butdakham, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Champasak cho rằng kết quả của diễn đàn lần này một lần nữa minh chứng cho sự cố gắng và chung sức chung lòng của 3 nước Lào, Việt Nam, Thái Lan trong phối hợp, tạo thế mạnh, cơ hội và các khâu của đầu tư, kết nối – hội nhập trong lĩnh vực đầu tư – thương mại – du lịch để xác định phương hướng hợp tác trong thời gian tới, bền vững hơn. Đồng thời, đây là dấu mốc quan trọng để cùng nhau xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội văn minh, giàu đẹp theo ý định và mong muốn của nhân dân 3 nước Lào – Việt Nam – Thái Lan.


Hành lang kinh tế Đông – Tây gồm 4 quốc gia: Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, là chương trình phát triển kinh tế được khởi xướng tại Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8 vào năm 1998 với 3 mục tiêu: Tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển giữa các quốc gia thành viên; Giảm chi phí vận chuyển, cũng như thúc đẩy vận chuyển hàng hóa, người dân hiệu quả hơn; Giảm nghèo và hỗ trợ phát triển khu vực nông thôn và biên giới.

Tin cùng chuyên mục