Theo báo cáo của Ember, năng lượng tái tạo gồm gió, Mặt trời, hydro và năng lượng sinh học đã góp phần tạo ra 40% tổng sản lượng điện của 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn sản lượng điện sản xuất từ năng lượng hóa thạch (34%). Ember cho biết sở dĩ việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo vào sản xuất điện tăng là do các nước EU lắp đặt mới hệ thống điện gió và điện Mặt trời, cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi kể từ đầu năm.
Tính trên toàn EU, tỷ lệ sản xuất điện từ gió và Mặt trời đạt mức kỷ lục là 21%. Tại những nước gồm Đan Mạch, Ireland và Đức, con số này còn cao hơn nhiều, lần lượt đạt 64%, 49% và 42%. Thông qua việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, lượng phát thải khí carbon của ngành điện tại 27 nước thành viên EU cũng đã giảm khoảng 23%; trong khi đó, sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch giảm 18%. Ember cho rằng đây là bước tiến nhanh trong giai đoạn chuyển đổi nhiên liệu của ngành điện châu Âu khi mà chỉ 9 năm trước, sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch lớn gấp đôi sản lượng điện năng lượng tái tạo.
Cùng lúc này, chính quyền thành phố London cũng công bố kế hoạch cải tạo hệ thống tàu điện ngầm London chạy hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo. Động thái này là một phần trong kế hoạch biến mạng lưới đường sắt nổi tiếng của thành phố không phát thải khí CO2 vào năm 2030 và khiến toàn bộ thành phố trở nên trung hòa carbon vào năm 2050. Giao thông vận tải cho London (TfL) là lĩnh vực tiêu hao điện lớn nhất ở London nói riêng và nước Anh nói chung khi sử dụng 1.6TWh/năm, tương đương với mức tiêu thụ điện cửa khoảng 437.000 hộ gia đình. Một nghiên cứu gần đây của British Business Energy đã tính toán rằng cần có 200 tourbine gió hoặc 5,6 triệu tấm pin Mặt trời để cung cấp năng lượng tái tạo trong một năm.
Hiện 16% điện năng được sử dụng để cung cấp năng lượng cho hoạt động của tàu điện ngầm đến từ các nguồn tái tạo. Tòa Thị chính London đã đưa ra các hạn mức tiêu hao năng lượng của tàu điện ngầm để có cơ sở mua điện từ các nhà cung cấp năng lượng tái tạo. Chính quyền thành phố London cũng đang tìm cách mở rộng việc sử dụng năng lượng tái tạo trong tương lai cho toàn bộ khu vực hành chính của mình. Điều đó sẽ bao gồm tất cả các mạng TfL cũng như các nhu cầu khác. Kế hoạch này cũng tiết kiệm chi phí với hy vọng nó sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi xanh và tăng tốc hành động khẩn cấp về khí hậu.
Với gần một nửa số doanh nghiệp Anh làm việc từ xa do Covid-19, việc không di chuyển nhiều từ nơi này sang nơi khác đang trở thành một thói quen mới và 45% công chức đang mong đợi có sự linh hoạt hơn trong giờ làm việc sau khi lệnh hạn chế đi lại kết thúc. Nếu 45% số người đi làm ở London tiếp tục làm việc từ xa, sẽ tiết kiệm được hơn 460.000 kWh điện, tương đương với việc cung cấp năng lượng cho 46.000 ngôi nhà ở thủ đô mỗi ngày.