Tăng trưởng và tâm lý “tháng Giêng”

Bắt đầu kỳ kế hoạch 2016-2021, môi trường và điều kiện kinh tế hiện có nhiều nét tích cực hơn so với đầu năm 2011, khởi điểm của kỳ kế hoạch trước. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh, một bộ máy điều hành mới đã và sẽ sớm được thiết lập… là những cơ sở để các chuyên gia kinh tế thống nhất dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2016 ở mức trên 6% khá xa.

Tại một cuộc hội thảo tổ chức một tuần trước khi bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân, các chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,82%, lạm phát ở mức 4,37%, tăng trưởng xuất khẩu đạt 10,4%. Mặc dù luôn thận trọng hơn, song các tổ chức quốc tế như WB, ADB, HSBC, Standard Chartered, Financial Times… đều cho rằng mức tăng trưởng của Việt Nam sẽ ở trong khoảng 6% - 6,5% (tăng đáng kể so với lần dự báo trước là 5,8% - 6,1%). Tuy nhiên, nhìn rộng ra thế giới, hồi cuối tháng 1 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra khuyến cáo: Năm 2016 sẽ là một năm đầy thử thách với triển vọng tăng trưởng chỉ ở mức 3,4%, thấp hơn mức dự báo đã đưa ra trước đây. IMF kêu gọi các nhà hoạch định chính sách kinh tế “không nên nghĩ về khả năng phục hồi ngắn hạn” mà phải tính toán triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.
 
Sự bất định của kinh tế thế giới đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hội nhập sâu rộng, thực hiện cải cách một cách nhanh chóng và thực chất hơn nữa để tận dụng cơ hội và giảm thiểu tác động không thuận của môi trường bên ngoài. Bên cạnh đó, dù được coi là một “điểm sáng” hiếm hoi trong bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2015 nhiều mảng tối, nhưng năng suất lao động tổng hợp của nước ta - thước đo khả năng cạnh tranh của một nền kinh tế vẫn rất thấp, như đã được phân tích rất nhiều lần ở tất cả các diễn đàn kinh tế.

Bước sang năm Bính Thân 2016 với một kỳ nghỉ tết kéo dài gần 1/3 tháng, chưa kể những ngày chuẩn bị trước tết, rồi sau đó là tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, hoàn toàn có cơ sở để lo ngại rằng nền kinh tế sẽ lại chạy chậm trong quý 1. Tấm huy chương “tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước” có mặt trái của nó, như PGS-TS Trần Đình Thiên từng thẳng thắn chỉ ra trong một diễn đàn kinh tế: Điều dễ nhận thấy trong đồ thị tăng trưởng GDP theo quý là cứ sau mỗi đợt “tổng kết” thành tích cuối năm với đỉnh cao tăng trưởng đạt được ở quý 4, thì sang quý 1 năm sau, đồ thị tăng trưởng lại rơi xuống điểm đáy khác, khởi đầu cho một năm mới, nền kinh tế lại hì hục bò lên.

Sẽ không thừa khi nhắc lại rằng, vào năm 1952, Nhật Bản là nước có thu nhập trung bình thấp, nhưng 15 năm sau Nhật Bản đã trở thành nước thu nhập trung bình cao. Chỉ 13 năm sau đó nữa, đất nước Mặt trời mọc đã vững vàng với vị thế “cường quốc kinh tế”. Hàn Quốc cần 16 năm (từ 1971-1987) để từ một nước thu nhập trung bình thấp thăng hạng lên trung bình cao. Và 10 năm sau đó, xứ sở Kim Chi ghi tên mình vào danh sách các nước tiên tiến… Philippines là một phản ví dụ. Thu nhập bình quân đầu người của nước này cao hơn cả Hàn Quốc vào năm 1950, nhưng đến năm 1976, Philippines mới trở thành nước thu nhập trung bình thấp và “giậm chân tại chỗ” từ đó đến nay.

Đã có nhiều khuyến nghị về việc Việt Nam cần tận dụng cơ hội phát triển trong giai đoạn dân số vàng. Theo nhiều mô hình nghiên cứu về cơ cấu dân số, giai đoạn cơ cấu dân số vàng của Việt Nam chỉ kéo dài đến năm 2020 (ở mô hình lạc quan nhất là đến năm 2025). Rõ ràng quỹ thời gian không còn bao lâu nữa. Nếu gánh nặng tăng trưởng tiếp tục được trao cho các quý sau theo cách thức mà PGS-TS Trần Đình Thiên mô tả, e rằng Việt Nam khó thoát khỏi vết xe dẫn thẳng tới chiếc bẫy thu nhập trung bình!

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục