Tăng trưởng xanh - thúc đẩy tạo việc làm và tăng thu nhập

Tăng trưởng xanh đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới; trong đó, giới doanh nghiệp (DN) được coi là chủ thể quan trọng nhất, đóng vai trò tích cực trong việc lựa chọn tăng trưởng xanh và hiện thực hóa mục tiêu bền vững của quốc gia. Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là con đường đúng đắn không chỉ trước mắt mà còn trong lâu dài...
Một mô hình phát triển nông nghiệp sạch tại Đà Lạt. Ảnh: Huy Anh
Một mô hình phát triển nông nghiệp sạch tại Đà Lạt. Ảnh: Huy Anh
Nhiều lợi ích 

Hiện biến đổi khí hậu đang là vấn đề chính ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của toàn cầu; trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo thống kê, trung bình mỗi năm, thiên tai tại Việt Nam đã gây thiệt hại về kinh tế từ 1% - 1,5% GDP. Riêng năm 2017, tổn thất do thiên tai gây ra rất lớn, thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD). Tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu đối với DN cũng dễ nhận thấy là làm tăng chi phí sản xuất, thiệt hại lớn sau thiên tai, giảm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, mất ổn định chuỗi cung ứng, chi phí về vốn để khôi phục sản xuất tăng, ảnh hưởng đến người lao động... Một trong những hướng tiếp cận mới, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho DN vừa giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững chính là tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh thúc đẩy tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân thông qua đầu tư của nhà nước và tư nhân, mở mang các ngành nghề thân thiện với môi trường... Đây là xu hướng phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, ngày nay các tổ chức tài chính chuyên nghiệp đều có chỉ tiêu về tăng trưởng xanh trong đánh giá đầu tư và người dân cũng ngày càng nhạy cảm hơn đối với những hoạt động ảnh hưởng tới môi trường của DN. Đây chính là yếu tố quan trọng để các DN thay đổi nhận thức và triết lý kinh doanh của mình hiện nay. 

Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Môi trường (ENTEC), tăng trưởng xanh thể hiện qua thực hiện tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nước, giảm chi phí nhân công, phí môi trường trong sản xuất, giảm phát thải và sử dụng nguyên liệu, vật liệu thân thiện với môi trường. Tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Thực hiện tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giúp giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng môi trường, kích thích tăng trưởng kinh tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Để thực hiện tăng trưởng xanh, các DN cần nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại, thay đổi cơ cấu nhiên liệu trong công nghiệp và giao thông vận tải. Thực hiện giải pháp giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, nâng cao tính cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần thực hiện điều chỉnh quy hoạch các ngành sản xuất, hạn chế những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm môi trường và tạo điều kiện phát triển cho các ngành sản xuất xanh mới. Mỗi DN sản xuất công nghiệp cần chủ động nghiên cứu xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững. 

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện tốt vấn đề tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sẽ giúp các DN phát triển bền vững, thông qua các hoạt động như tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm, tái chế chất thải, tiết kiệm tài nguyên. Tuy nhiên, các DN Việt Nam lại đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện trách nhiệm xã hội về bảo vệ môi trường, lựa chọn công nghệ xanh, chuyển hướng sang sản xuất xanh cũng như tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ingreetech, cho biết hiện các nhà đầu tư còn ngại đầu tư vào lĩnh vực tăng trưởng xanh, như đối với đầu tư thực hiện năng lượng Mặt trời cần diện tích rộng, trong khi giá thuê đất cao, đầu ra khó khăn vì giá điện bán ra thấp, khoảng 2.000 đồng/kWh, trong khi giá tiêu thụ điện sản xuất đối với doanh nghiệp là 4.000 đồng/kWh. Vì vậy cần có chính sách ưu đãi về cho thuê đất xây dựng dự án và tăng giá mua điện tư nhân trong lĩnh vực năng lượng Mặt trời. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM, cũng cho rằng tăng trưởng xanh đã được nhiều địa phương quan tâm, nhiều DN ứng dụng nhưng tầm quan trọng vẫn chưa được thực sự đề cao so với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nguyên nhân chính là do phần lớn người dân và DN chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của tăng trưởng xanh. Đây sẽ là điểm yếu đặc biệt đối với DN trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi các công ty mong muốn thu hút nguồn vốn và tìm kiếm khách hàng, đối tác từ nước ngoài. 

Trao đổi về nội dung này, TS Nguyễn Hồng Sơn, giảng viên kinh tế, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, nhận định TPHCM là một trong những địa phương tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ vào các mô hình nông nghiệp sạch, sản xuất xanh. Trong sản xuất nông nghiệp sạch, chi phí sản xuất và giá sản phẩm cao gần 2 - 3 lần so với sản xuất truyền thống nên thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Nếu các đơn vị sản xuất sạch tăng quy mô, diện tích và năng suất sản xuất sẽ xảy ra tình trạng cung lớn hơn cầu và giá thành sản phẩm sạch sẽ bị giảm. Trong điều kiện hiện nay, sản xuất truyền thống có chi phí vừa phải và tạo ra sản phẩm giá thành rẻ, còn sản phẩm sạch, an toàn giá lại cao, trong khi người dân vẫn có thói quen ưa chuộng sản phẩm có giá rẻ trong tiêu dùng hàng ngày. Vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cần mạnh tay xử lý cơ sở sản xuất bẩn, gây ô nhiễm môi trường; đồng thời khuyến khích người dân quan tâm đến thực phẩm sạch, an toàn để bảo vệ sức khỏe.

Tin cùng chuyên mục