Tạo điều kiện cơ chế, chính sách hơn nữa cho phụ nữ Thủ đô phát huy năng lực

Ngày 30-8, Thành ủy Hà Nội tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 55-KL/TW ngày 8-1-2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.
Tạo điều kiện cơ chế, chính sách hơn nữa cho phụ nữ Thủ đô phát huy năng lực

Theo ông Phùng Văn Dũng, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, TP Hà Nội có dân số hơn 8,435 triệu người, trong đó khoảng 50,4% là phụ nữ. Đảng bộ Hà Nội là đảng bộ lớn nhất cả nước với 475.880 đảng viên sinh hoạt tại 15.248 chi bộ thuộc 3.280 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó số đảng viên nữ chiếm 42,8%. Trong 10 năm qua, công tác phụ nữ đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, cùng sự phối hợp chặt chẽ của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và sự phát triển toàn diện của phụ nữ Thủ đô.

Khen thưởng các cá nhân xuất sắc của TP Hà Nội về công tác phụ nữ trong tình hình mới

Khen thưởng các cá nhân xuất sắc của TP Hà Nội về công tác phụ nữ trong tình hình mới

Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tiếp tục được triển khai hiệu quả, tập trung thực hiện Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp” giai đoạn 2018 - 2025. Giai đoạn 2018-2022, các cơ sở Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) đã giúp 6.050 hộ phụ nữ nghèo thoát nghèo có địa chỉ, 15.122 hộ cận nghèo nâng cao mức sống. Hàng năm, các cấp hội phối hợp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho trên 15.000 lao động. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động là 48,5%; tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là 21,1%.

Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vị trí quản lý, lãnh đạo ở các cấp có chuyển biến khá tích cực. Tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ 3 cấp nhiệm kỳ 2020-2025 tăng so với nhiệm kỳ 2015-2020: cấp cơ sở đạt 26,3% (tăng 3,6%), cấp huyện đạt 24,1% (tăng 8,03%), cấp thành phố đạt 19,7% (tăng 7,7%), trong đó 25% Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội là nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 là 24,13%. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tăng so với nhiệm kỳ trước, trong đó cấp thành phố đạt 25,5% (tăng 2,4%), cấp huyện đạt 33,3% (tăng 3,3%), cấp xã đạt 39,7% (tăng 11,2%).

Từ năm 2018 đến nay, đội ngũ cán bộ Hội LHPN từ thành phố đến cơ sở có 150 cán bộ được điều động, luân chuyển sang công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể. Tỷ lệ nữ được kết nạp vào Đảng chiếm 44,4% trong tổng số đảng viên được kết nạp (23.922/53.835), trong đó có 9.455 cán bộ, hội viên ưu tú do Hội LHPN giới thiệu, góp phần tạo nguồn cán bộ nữ tại địa phương, đơn vị.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, công tác phụ nữ và hoạt động các cấp Hội LHPN còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Một bộ phận phụ nữ trình độ nhận thức còn hạn chế, đời sống khó khăn. Tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em vẫn diễn biến phức tạp. Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến bình đẳng giới và công tác phụ nữ.

Trước những kết quả trên và sau khi nghe tham luận của một số đơn vị, địa phương, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, thành phố luôn quan tâm, tạo điều kiện cho công tác phụ nữ và đặt trong tổng thể công tác chính trị của thành phố; được lồng ghép vào các chương trình, nghị quyết, cơ chế chính sách trên các lĩnh vực của thành phố, đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội.

10 năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Hà Nội luôn được bảo đảm, tạo ra môi trường cho phát triển, bảo đảm mọi mặt đời sống người dân, trong đó, có phụ nữ và trẻ em gái. Đáng chú ý, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, nhất là cấp thành phố và quận, huyện đều tăng so với trước. Cán bộ nữ đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đúng với năng lực, sở trường.

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế, bất cập, nhất là chưa có nhiều chính sách đặc thù cho phụ nữ Thủ đô. Một số nhóm đối tượng phụ nữ đặc thù chưa có chính sách quan tâm tương xứng với điều kiện của thành phố; việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ nữ chưa đồng đều giữa các cấp và giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Do đó, thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp thành phố tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho phụ nữ được phát huy năng lực. Cùng với quan tâm phát triển quy hoạch của thành phố, còn phải quan tâm đến quy hoạch phát triển đồng đều cả vật chất và tinh thần, chỉ số hạnh phúc, đối tượng thụ hưởng trước tiên là trẻ em và phụ nữ.

Lưu ý, thời gian tới, nhất là dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0, đòi hỏi lực lượng có tay nghề cao nên lao động nữ, nhất là phụ nữ nông thôn dễ bị ảnh hưởng. Cần có các cơ chế, chính sách đào tạo, hỗ trợ các đối tượng này. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các cơ chế chính sách đối với riêng phụ nữ thành phố Hà Nội phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Thủ đô; rà soát lại quy hoạch đối với quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ để có chỉ đạo trong hệ thống chính trị thành phố bảo đảm chỉ tiêu theo quy định.

Tin cùng chuyên mục