Tạo thương hiệu yến Cần Giờ

Hiện Cần Giờ có 23 cơ sở chế biến sản phẩm tổ yến, sản lượng 1,2 tấn/năm. Trung bình giá tổ yến thô khoảng 18 - 25 triệu đồng/kg (tùy theo chất lượng). Chim yến đã giúp nông dân phát triển kinh tế, nhưng nếu xây dựng nhà nuôi yến tràn lan sẽ khó có hiệu quả cao.
Cách đây 10 năm, UBND TPHCM chọn huyện Cần Giờ làm thí điểm mô hình nhà nuôi yến tập trung để làm cơ sở định hướng của TP; khi đó, nhiều nơi cũng đã rộ lên việc xây nhà dẫn dụ chim yến. Để có thể phát triển nghề nuôi yến, lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ kiến nghị UBND TPHCM sớm quy hoạch vùng nuôi chim yến để người dân yên tâm đầu tư và về lâu dài tiến tới xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm tổ yến Cần Giờ, vốn được nhiều người trong ngành nghề này đánh giá có chất lượng tốt.
Nhiều nhà yến chưa có “danh phận” 
Từ đề nghị của Sở NN-PTNT TPHCM, năm 2008, UBND TPHCM đã chấp thuận nuôi thí điểm chim yến trong 10 căn nhà tại xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ). Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP cũng hướng dẫn huyện Cần Giờ quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích đất cho phù hợp, đảm bảo mật độ xây dựng. Sở Xây dựng hướng dẫn xây dựng, thẩm định kết cấu an toàn công trình.
Sở NN-PTNT hướng dẫn quy trình nuôi, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và theo dõi sơ kết đánh giá hiệu quả của đề án này trước khi có thể triển khai ra diện rộng.
Tạo thương hiệu yến Cần Giờ ảnh 1 Một nhà dẫn dụ chim yến “chui” ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ
Từ 10 nhà thí điểm, đến nay, số nhà nuôi chim yến ở huyện Cần Giờ đã nhân rộng lên 256 nhà với sản lượng thu hoạch khoảng 7,9 tấn/năm. Tuy vậy, đến nay cũng chỉ có 10 nhà thí điểm được công nhận nuôi hợp pháp, số còn lại do người dân xây nhà ở rồi âm thầm thay đổi thiết kế theo kiểu mô hình nhà dẫn dụ yến. Vì vậy, việc tồn tại các nhà nuôi yến khác ở huyện Cần Giờ đến nay vẫn chưa có “danh phận”. 
Theo bà Trần Bạch Mai (ngụ xã Lý Nhơn), do chưa có quy hoạch nên người dân chỉ có thể xin phép xây dựng nhà ở rồi chuyển công năng, gắn thiết bị dẫn dụ chim yến về ở.
Tuy nhiên, việc quy hoạch cũng không nên quá gò bó theo kiểu vùng nuôi, do thực tế việc xây nhà chỉ để chim yến vào làm tổ, hàng ngày yến bay đi kiếm thức ăn ở môi trường tự nhiên. Nếu môi trường khu vực đó ô nhiễm hay không còn đủ nguồn thức ăn từ côn trùng thì đàn yến sẽ tìm kiếm nơi khác. 
Anh Lê Văn Vân (ngụ xã Lý Nhơn), người có 3 nhà nuôi chim yến, chia sẻ, Việt Nam đi sau Indonesia, Malaysia và Thái Lan về yến nuôi, chủ yếu vẫn còn học “lõm” kỹ thuật từ nước ngoài nên tỷ lệ thành công chưa nhiều, nếu không muốn nói là hiệu quả còn thấp.
Những người có kinh nghiệm nuôi yến đều thừa nhận, ở huyện Cần Giờ có ưu điểm lớn để phát triển nghề nuôi chim yến mà nhiều vùng khác không có, đó là có rừng ngập mặn - khu dự trữ sinh quyển thế giới, với hàng chục ngàn hécta. Nơi đây có nguồn thức ăn dồi dào, phong phú cho đàn chim yến. 
Gắn kết với du lịch
Theo UBND huyện Cần Giờ, hiện địa phương có 23 cơ sở chế biến sản phẩm tổ yến, sản lượng 1,2 tấn/năm. Trung bình giá tổ yến thô khoảng 18 - 25 triệu đồng/kg (tùy theo chất lượng). Chim yến đã giúp nông dân phát triển kinh tế, nhưng nếu xây dựng nhà nuôi yến tràn lan sẽ khó có hiệu quả cao.
Trên địa bàn huyện, số nhà nuôi chim yến thành công cao chỉ đạt 30%, số còn lại hiệu quả nuôi không đáng kể, thậm chí có nhà chim yến không chịu vào ở. Thấy nuôi chim yến có giá trị kinh tế cao, nhiều người lầm tưởng dễ thành công nên xây dựng nhà nuôi chim yến ồ ạt, dẫn đến nhiều hệ lụy như gây tiếng ồn, giá đất bị thổi lên cao…
Thậm chí, có người còn bị lừa mua nhà yến với giá cao nhưng hiệu quả nuôi rất thấp. Theo Hiệp hội Yến sào Việt Nam, nhiều nhà yến không có hiệu quả là do nuôi tự phát, cấu trúc bên trong nhà yến chưa đạt kỹ thuật, hay do việc sửa chữa chắp vá, cải tạo từ nhà ở, tập trung dày đặc trong các khu dân cư… 
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Công ty Yến sào Sài Gòn Anpha, nhận xét: “Việc nuôi yến ở huyện Cần Giờ rất tiềm năng, nếu có quy hoạch cụ thể sẽ tạo điều kiện phát triển lâu dài và tiến tới có thương hiệu riêng cho yến Cần Giờ; qua đó, người dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Theo quan điểm của tôi, việc quy hoạch vùng nuôi yến cần phải cân nhắc và mỗi nhà nuôi yến phải cách xa nhau vài trăm mét, thậm chí cả ngàn mét, mới mang lại hiệu quả cao”.
Trong khi đó, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết: “Về lâu dài, UBND huyện Cần Giờ sẽ tổ chức và phát triển nhà yến theo mô hình gắn kết với du lịch, để thu hút du khách đến tham quan tìm hiểu nhà dẫn dụ yến, việc sơ chế tổ yến (yến sào) và có thể mua sản phẩm tổ yến Cần Giờ ngay tại chỗ nếu có nhu cầu”. 
Hiện nay, một số tỉnh, thành nhận thấy nghề nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế tốt nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư phát triển nghề nuôi chim yến. Tuy vậy, cần có các chủ trương cụ thể từ chính quyền trung ương đến địa phương về chính sách đặc thù trong xây dựng nhà yến, có biện pháp hành chính và kỹ thuật để ngăn chặn nguồn yến chất lượng thấp, kém giá trị từ các nước đưa vào Việt Nam trà trộn với tổ yến trong nước, dễ làm mất uy tín và hình ảnh tổ yến Việt Nam.
Sở NN-PTNT TPHCM khuyến cáo, đề án quy hoạch nhà nuôi yến chủ yếu phát triển tập trung ở huyện Cần Giờ và một phần quận 9, không khuyến khích nhân rộng mô hình ra nhiều quận - huyện khác vì sẽ không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Đồng thời, TP cũng quy hoạch theo hướng hình thành khu vực, vừa sản xuất vừa sơ chế sản phẩm từ yến, giống như huyện Cần Giờ đã triển khai.

Tin cùng chuyên mục