Tấp nập mùa hành hương

Sau tết, nếu miền Bắc “nóng” lên với nhiều lễ hội thì miền Nam lại rộn rịp mùa hành hương. Từ những ngày đầu tháng Giêng, người ta tổ chức đi khắp nơi và từ khắp nơi đổ về các chùa chiền, đền, miếu. Hòa vào dòng người, chúng tôi cũng nhang đèn nhập cuộc...
Tấp nập mùa hành hương

Sau tết, nếu miền Bắc “nóng” lên với nhiều lễ hội thì miền Nam lại rộn rịp mùa hành hương. Từ những ngày đầu tháng Giêng, người ta tổ chức đi khắp nơi và từ khắp nơi đổ về các chùa chiền, đền, miếu. Hòa vào dòng người, chúng tôi cũng nhang đèn nhập cuộc...

Hết chùa gần đến chùa xa

Mấy ngày nay, từ tờ mờ sáng, trên quốc lộ 22, hàng đoàn ô tô dập dìu như trẩy hội, kẻ hướng chùa Bà Thiên Hậu - Bình Dương thì theo tỉnh lộ 8 qua cầu Phú Cường, người thì trực chỉ núi Bà đen Tây Ninh. Anh thanh niên bơm xăng bắt chuyện: “Thiên hạ đi hành hương. Từ đây đến hết tháng Giêng, con lộ này ngày nào cũng ken đầy xe cộ”.

Đông đảo khách thập phương đi lễ chùa tháng Giêng

Khu vực bán vé cáp treo lên núi, hàng trăm người chen chúc bên các quầy bán vé để chờ mua vé cáp treo, rồi sau đó rồng rắn xếp hàng dài, nhích từng bước một trước cửa ga cáp treo. Chúng tôi cũng cố chen vào nhưng rồi phải dội ra vì... ngộp thở! Có cặp vợ chồng dắt theo hai đứa con nhỏ đứng phía cuối đoàn người chờ lên cáp treo luôn miệng càm ràm: “Đứng muốn rục giò, chờ cả buổi rồi mà vẫn chưa lên được cáp treo”. Anh chị này nhà ở Long An, lên ngủ nhà bà con ở TP Tây Ninh chiều hôm qua, 7 giờ sáng lên tới đây đã thấy đông nghẹt người rồi.

Biết không tài nào bước chân lên được cáp treo, chúng tôi đành rảo quanh ngoài rìa chụp hình. Chúng tôi nhìn lên hơn 300 chiếc cabin điện vận hành lên xuống liên tục trên hai đường cáp cũ và mới (cabin cáp treo mới chở 8 người, cáp treo cũ đi được 2 người) mà không tải xuể số khách cứ ùn ùn dồn đến nhà ga càng lúc càng đông. Nhìn nắng lên cao dần chúng tôi rủ nhau lội bộ đường dốc núi (từ chân núi lên đến chùa Bà 1.800m). Lội bộ cho... biết đá biết vàng!

Trên triền dốc từ chân núi dẫn lên chùa Bà có hàng ngàn khách hành hương tay xách nách mang... lũ lượt kẻ lên người xuống... Thỉnh thoảng có đoạn bị ùn tắc vì lượng người lên xuống quá đông. Từ dưới lên đến chùa Bà người ta xây dựng 10 nhà mát dọc theo sườn núi, nhà này cách nhà kia khoảng 200m, có diện tích trên dưới 10m2/nhà để du khách nghỉ chân. Thế nhưng có nơi bị người buôn bán chiếm dụng, muốn nghỉ mệt phải mua thứ gì đó với cái giá... trên trời. Đến nhà mát số 6 đoạn gần cầu Gãy rẽ qua suối Vàng (cách chùa Bà 500m) dòng người lại ùn ứ, chúng tôi tìm một góc nhà mát dựa lưng thở dốc. Nhiều ông bà cụ trên tuổi lục tuần đang nằm ngồi la liệt, tôi sà xuống cạnh bà lão đang được một chị phụ nữ quạt lấy quạt để, nhìn đôi mắt trõm lơ vì mệt: “Sao không đưa bà đi cáp treo cho khỏe?”. Chị lắc đầu: “Thấy người ta đông nghẹt, chen lấn đổ mồ hôi oải quá nên mới đi bộ lên núi. Điệu này chắc má tui không lên nổi tới trển để... lạy Bà”. Tôi hỏi “Quê chị ở đâu?”, “TP Long Xuyên”. Tôi thắc mắc: “Ở dưới cũng có chùa Bà Chúa Xứ Châu Đốc sao không đi cho gần lại lên tận đây?”. “Má tui muốn lên viếng “Bà” trên này cho biết!”.

Càng gần đến chùa Bà dốc càng dựng đứng. Tội nghiệp cho đám con nít và các cụ già thở chẳng ra hơi dưới cái nắng trưa và không khí ngột ngạt hơi người và  nhang khói. Một số gia đình trải chiếu nằm ngay dưới bậc thềm dẫn lên chùa Bà. Không ít “cậu ấm, cô chiêu” phải bỏ cuộc giữa chừng! Cái nắng giữa ngọ tháng Giêng thật sự làm oải sức... Khu vực khuôn viên chùa Bà khoảng vài ngàn mét vuông đông nghịt khách hành hương, nhất là Linh Sơn tự (chùa chính) và điện thờ Bà. Bên trong điện Bà, người chật như nêm không còn chỗ đứng, nói chi đến nơi quỳ lạy. Hàng trăm khách hành hương đành  phải đứng bên ngoài chắp tay xá xá... tượng trưng, “lòng thành tại... tâm”.

Vui nhất có lẽ là những người hưởng “lộc” ở các điểm hành hương, người đi chùa sẵn sàng móc hầu bao chi cho những khoản mà bình thường khó mà hào phóng. Nội chuyện những lá xăm, lá số tử vi 12 con giáp, giấy đoán điềm giải mộng, bói tướng xem nốt ruồi... đã “hốt” biết bao là tiền của khách thập phương. Kế đến là nhiều loại hình “dịch vụ” khác luôn chực chờ “cứa” đẹp khách. Nếu ở chùa Bà Chúa Xứ Châu Đốc có dịch vụ cho thuê heo quay để cúng hoặc sẵn sàng mua lại heo cúng rồi bán cho người khác (một con heo nhiều người cúng) thì ở núi Bà Đen, nếu mang theo nhiều vật dụng, lễ vật và ở lại qua đêm, cần người khuân vác lên núi, sẽ có ngay. Cứ một chuyến vài trăm ngàn tùy theo hàng hóa nhiều ít. Thậm thí leo núi không nổi cũng có người đưa võng tới... khiêng! Rồi nào là dịch vụ cho thuê chiếu, bạt nylon trải nằm. Dọc theo sườn núi là các điểm bán quạt, bán thức ăn, bán nước, bán các sản phẩm lưu niệm... tất cả các thứ ấy đều có giá ở... trên núi!

Hành hương cùng giới trẻ

Những năm gần đây, “phong trào” hành hương thu hút khá đông giới trẻ. Nếu người lớn đi chùa cầu tài lộc, cầu an gia đạo, cầu làm ăn, mua may bán đắt thì trai thanh, gái lịch đi chùa cầu duyên, cầu phước, cầu cho công thành danh toại... Nhóm bạn trẻ ở xóm tôi thuê cả chiếc xe 16 chỗ để đi cho được nhiều chùa ngay sau giao thừa. Sáng mùng 1 Tết, cô em họ đem 2 tấm vé đăng ký đâu hồi rằm tháng Chạp rủ tôi đi hành hương thập tự. Khởi hành từ quận 12, chiếc xe ca 50 ghế không còn chỗ trống, trên xe hơn phân nửa là thanh niên nam nữ, còn lại là người già, phụ nữ và trẻ con. Cô Nga, chủ xe, ngồi chễm chệ nói với khách: “Chuyến này khởi hành về hướng... Đông, nếu không đi 10 chùa sẽ trả lại tiền xe”. Giá xe 150.000 đồng/người. Trẻ em 10 tuổi trở lên tính một vé. Tuy nhiên chỉ vòng vòng mấy lượt từ Thủ Đức ra Long Thành (Đồng Nai), rồi vòng lên TP Thủ Dầu Một viếng chùa Bà Thiên Hậu, vãn thêm một hai cảnh chùa nữa thì mặt trời đã lên đỉnh đầu. Do đi sớm và muốn cho lòng thanh tịnh để viếng chùa lễ Phật nên chẳng ai muốn ghé quán ăn, nên mọi người vừa mệt vừa đói. Người già bơ phờ, còn đám con nít khóc đòi ăn, đòi về... Rốt cuộc, đi chưa đủ 10 chùa nhưng mọi người hối nhà xe quay đầu về!

Vượt qua Khu du lịch Láng Le, chúng tôi nhập vào đám bạn trẻ là học sinh lớp 12 Trường Bà Điểm và Lý Thường Kiệt (Hóc Môn, TPHCM) cùng thẳng đường viếng chùa Phật Cô Đơn. Gặp các bạn trên Bát Bửu Phật Đài, tôi lân la làm quen: “Mấy em đi chơi hay đi lễ Phật?”. Một bạn trai trong nhóm tên Sơn nhanh nhảu: “Đi chơi cũng có mà lễ Phật cũng có”. “Thế có cầu nguyện gì?”. Cô bạn gái đứng cạnh chen vào: “Chúng em vái cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đạt kết quả tốt để vào đại học”.

Anh Nguyễn Hoàng Phú, Giám đốc Công ty Du lịch XLĐ nói, sở dĩ gần đây giới trẻ tham gia hoạt động hành hương lễ chùa ngày càng nhiều vì muốn thay đổi không khí, đi... ô-vờ-nai (qua đêm) tại các đền chùa đang là mốt “thời thượng”. Trong đêm giao thừa, ở một vài ngôi chùa quận Bình Thạnh, Gò Vấp các bồn hoa kiểng bị “hái lộc” đến trụi lá trơ cành. Cá biệt có chùa còn bị dân quậy choai choai “xin lộc” luôn cả chậu bonsai!

Có người nhận xét, do điều kiện kinh tế gia đình và việc làm ăn thuận lợi phát triển (bổng lộc dồi dào) càng khiến nhiều người tin tưởng vào cái “lộc” đầu xuân nên đi... lễ chùa và đi…“trả lễ”. Thế nên nườm nượp người hành hương lễ chùa tháng giêng là vậy!


TRỊNH HẢI

Tin cùng chuyên mục