Tập trung cải thiện hạ tầng thu gom rác thải

Lượng rác thải trên địa bàn TPHCM tăng nhanh, hiện đã chạm mức gần 10.000 tấn/ngày và được dự báo sẽ tăng khoảng 10% vào năm 2020. Do vậy, để đáp ứng khả năng tiếp nhận và thu gom lượng rác này, thành phố cần phải cải tạo toàn bộ hạ tầng thu gom rác thải hiện nay. 

Sớm loại bỏ xe tự chế thu gom rác

Phân tích về vấn đề này, đại diện tổ chức Enda Việt Nam cho biết, bất cập lớn nhất của TPHCM là cơ cấu lực lượng thu gom rác thải chính vẫn tập trung ở bộ phận thu gom rác dân lập.

Số rác lực lượng này thu gom đang chiếm 60% tổng lượng rác thu gom trên toàn thành phố. Số còn lại 40% do lực lượng thu gom rác chính quy thuộc các công ty dịch vụ công ích thực hiện. 

Khảo sát gần đây do Sở TN-MT TPHCM thực hiện cũng cho thấy, hệ thống thu gom rác tại nguồn công lập bao gồm Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị và 22 công ty dịch vụ công ích quận huyện, được trang bị gần 3.500 phương tiện (thùng 660 lít và 240 lít), chủ yếu hoạt động tại các khu vực tuyến đường trung tâm và công trình công cộng.

Còn lại, lực lượng thu gom rác dân lập hiện có 80 công ty tư nhân, 12 hợp tác xã, 2 nghiệp đoàn và 2.200 tổ lấy rác dân lập. Lực lượng này cũng đang sử dụng gần 2.200 phương tiện tự chế như xe lôi, xe kéo, xe ba gác…

Phần lớn lượng trang thiết bị này rất thô sơ lạc hậu, không có các thiết bị che chắn và xử lý mùi hôi, nước rỉ rác trong quá trình thu gom. Do vậy, vừa gây mất vệ sinh môi trường, vừa gây phản cảm trong quá trình thu gom rác thải tại các khu dân cư. 

Tập trung cải thiện hạ tầng thu gom rác thải ảnh 1 Phương tiện thu gom rác lạc hậu vẫn tồn tại ở thành phố. Ảnh: CAO THĂNG

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN-MT), cho biết để cải thiện tình trạng nêu trên, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với các đơn vị liên quan phải hoàn thành việc chuyển đổi thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.

Theo đó, toàn bộ các phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển phải đáp ứng theo yêu cầu từng rác thải phân loại. 

Thực hiện chỉ đạo trên, Sở TN-MT đã đồng bộ triển khai nhiều giải pháp để cải thiện hạ tầng thu gom rác thải hiện nay. Theo đó, hỗ trợ nghiệp đoàn, tổ thu gom rác dân lập gia nhập các hợp tác xã, các công ty dịch vụ công ích, hoặc chuyển đổi phát triển lên doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường.

Song song đó, sở cũng công bố mức giá thu gom rác thải tần suất 1 lần/ngày và các mẫu phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, kết hợp quy định thời gian chuyển đổi là hết tháng 10-2019. 

Hỗ trợ vốn chuyển đổi phương tiện thu gom rác

Trao đổi về việc triển khai loại bỏ xe tự chế thu gom rác thải, về phía Sở TN-MT cho biết thêm, hiện UBND 24 quận, huyện đã xây dựng kế hoạch và lộ trình để chuyển đổi, sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập.

Tính đến nay đã vận động được 616 tổ thu gom rác dân lập gia nhập vào các hợp tác xã vệ sinh môi trường, hoặc chuyển đổi lên công ty tư nhân. Có 7 quận, huyện là quận 9, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi đã hoàn thành việc chuyển đổi 100% lực lượng thu gom rác dâp lập thành hợp tác xã hoặc lên công ty tư nhân.

Ở chiều ngược lại, chương trình chuyển đổi trên cũng đang vấp phải sự phản ứng từ nhiều tổ thu gom rác dân lập. Đại diện Nghiệp đoàn Thu gom rác dân lập quận 5 cho biết, hiện chưa có những chính sách, quy định rõ ràng cho quyền lợi của các nghiệp đoàn khi tham gia vào các công ty dịch vụ công ích hoặc hợp tác xã.

Mặt khác, nếu tự chuyển đổi lên công ty thì rất khó thực hiện, do đa phần các nghiệp đoàn rác là người lao động nhập cư, trình độ cũng như vốn đầu tư hạn chế, rất khó để vận hành doanh nghiệp cũng như có đủ năng lực vốn để chuyển đổi trang thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn thu gom rác thải theo phân loại của thành phố.

Ngoài ra, mức phí thu gom rác thải hiện nay dao động khoảng 15.000 - 30.000 đồng/hộ dân, không đủ để bù đắp cho chi phí tái đầu tư trang thiết bị thu gom. 

Trước tình hình đó, Sở TN-MT cùng với UBND 24 quận, huyện đang gấp rút làm việc với các lực lượng thu gom rác dân lập, kết hợp rà soát thực trạng phương tiện thu gom.

Cũng theo ông Lê Trung Tuấn Anh, trước hết sẽ làm việc với chủ nguồn thải, đơn vị thu gom để tạo sự đồng thuận và thống nhất thời gian, tần suất và mức phí thu gom.

Mặt khác, dựa trên điều kiện thực tế sẽ tham mưu UBND TPHCM có chính sách hỗ trợ vốn với mức cho vay và lãi suất vay phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng thu gom rác dân lập chuyển đổi trang thiết bị, từng bước đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường của thành phố hiện nay.

Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu trên, về phía lực lượng thu gom rác dân lập cần chủ động tiếp cận UBND quận, huyện, Sở TN-MT, hợp tác xã hiện hữu, các công ty dịch vụ công ích để bàn giải pháp hợp nhất hoặc được hỗ trợ để chuyển đổi. Có như vậy mới sớm đạt được mục tiêu 100% phương tiện thu gom rác phải được chuyển đổi và đưa vào hoạt động có tổ chức pháp nhân vào năm 2020.

Tin cùng chuyên mục