Tàu cá nằm bờ chờ gì?

Tàu cá nằm bờ chờ gì?

Dọc các cửa biển miền Tây (đồng bằng sông Cửu Long) bây giờ, cảnh tàu thuyền nằm bờ hiện ra trước mắt giống như một bức tranh ảm đạm. Hàng chục tàu bị bỏ hoang, nhiều chiếc nằm trơ trọi mặc tình mưa nắng; hàng trăm chiếc tàu khác đậu bến, mơ giấc mơ đại dương lắm cá nhiều tôm. Sinh khí nghề cá mấy chục năm nay bỗng chùng xuống như một quả bóng xì hơi.

  • Đánh bắt xa bờ thành đánh bắt... trên bờ
Tàu cá nằm bờ chờ gì? ảnh 1

Đánh bắt xa bờ, nghề nhiều may rủi trên vùng biển Tây Nam. Ảnh: T.M.T.

Câu nói đùa của người dân xứ biển bây giờ đã thành sự thật. Xã biển Việt Khái (Phú Tân - Cà Mau) là một ví dụ. Toàn xã có 42 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Hầu hết đã nằm bờ, có chiếc neo đậu đã mấy năm rồi vì không có vốn đầu tư ngư cụ và thiếu chi phí ra khơi. Quả thật như vậy, dân đi biển ở đây không ai có cái nhà cho ra hồn, con cái họ thì nheo nhóc không đủ ăn trong khi hàng trăm triệu đồng đầu tư vào tàu không phát huy được hiệu quả, lại còn nợ nần tứ giăng. Anh Lê Văn Mướt, một “ngư dân khốn khó” chỉ những thanh sắt của giàn cào bị mục sét gần đứt lìa vì sương gió rồi kể lại chuyện đi biển đầy gian nan: “Tàu đóng xong thì vừa hết vốn, không trang bị đủ ngư cụ cũng chẳng có chi phí ra khơi. Sau nhiều chuyến đi lỗ sặc gạch, nợ nần gần một trăm triệu rồi. Bây giờ, cả nhà tui đi… đẩy te kiếm sống qua ngày, còn chiếc tàu để đó… coi chơi”.

Tại cửa biển Sông Đốc, nơi được mệnh danh là “phố biển” của Cà Mau, tàu phơi mình dài hai bên mé sông. Hàng chục chiếc đã được kéo lên bờ, tháo chân vịt, ngư cụ. Dưới sông, một chiếc tàu khác còn mới nguyên bị chìm nghiêng nửa thân dưới nước, nhìn mà tiếc cho số tiền đang tan dần theo bọt sóng. Ông Lê Văn Đẩu (Sáu Đẩu), 64 tuổi, có hơn 40 năm trong nghề đi biển nhưng vẫn ngậm ngùi buông câu “cái số” ở cuối đời. Tàu 315 CV của ông đã neo bến hơn ba năm rồi, bảy người con trai đều phải đi làm ngư phủ cho người khác. “Hôm nay giá cá bán năm ngàn, hôm sau có thể bán được hai ngàn thôi. Bấp bênh như thế thì tiếp tục đi biển sẽ nợ lút đầu. Tàu lúc đóng mới hết 500 triệu nhưng bây giờ bán lại chỉ 200 triệu là cùng” – ông Sáu không thể giấu được nỗi thất vọng của mình.

Đó là hậu quả của đợt khắc phục bão số 5 (thông qua chương trình đánh bắt xa bờ), đến giờ vẫn còn âm ỉ nợ. Chưa hết, tình hình giá cả leo thang cộng với ngư trường xa xôi và trình độ ngư phủ là nguyên nhân chính của việc tàu nằm bờ hiện nay. Cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải, Bạc Liêu), nơi tập trung tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhiều nhất tỉnh, là “cái rốn” hàng hải sản, cung cấp nguyên liệu thô cho thị trường và các nhà máy chế biến thủy hải sản xuất khẩu, nhưng đời sống ngư phủ cũng lắm gian nan. Anh T, một chủ tàu kiêm luôn ngư phủ cho biết anh chỉ học hết lớp 3 nhưng có đến 30 năm lênh đênh trên biển. Lúc còn nhỏ thì theo cha ra biển đánh bắt, riết rồi quen, bây giờ ra khơi là dựa vào kinh nghiệm tích lũy được. Hầu hết ngư phủ cũng như anh, “rất mù” kiến thức khai thác biển, phần lớn có trình độ tiểu học, một số thì THCS, còn số THPT hoặc trung cấp thì đếm trên đầu ngón tay.

Theo Phòng Kinh tế – Kế hoạch (Sở Thủy sản Bạc Liêu), nhân lực cho kinh tế biển thì không thiếu, thậm chí còn dồi dào nữa, nhưng ngư dân có tay nghề thì rất thiếu, chủ yếu chỉ biết đánh bắt theo truyền thống và khai thác gần bờ. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tỷ lệ ngư phủ qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên, hầu hết số này chỉ biết lái tàu, tức là có qua khóa đào tạo thuyền trưởng máy trưởng, còn những kiến thức về xác định ngư trường, tầm ngư, định vị… thì hầu như không có. Từ “hai thiếu”, giờ họ trở thành “ba thiếu”: kinh nghiệm, kiến thức, vốn. Nhiều gia đình nợ đến hai, ba trăm triệu tiền vay nóng đi biển với lãi suất 10% - 20%, có khi lên tới 60%. Tại thị trấn Sông Đốc, nợ khắc phục sau bão trên 130 tỷ, trong khi đó ngư dân chưa trả được vốn mà còn nợ lãi hàng trăm triệu đồng mỗi người. Ngư dân giờ như những con thuyền không bến đậu, chẳng biết bám víu vào đâu để nuôi khát vọng tiếp tục ra khơi.

  • Bao giờ biển bạc như xưa?
Tàu cá nằm bờ chờ gì? ảnh 2

Chưa bao giờ nghề biển lại “xệ” như thời điểm này. Trước đây, dân đi biển Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang… giàu nứt vách, sau mỗi chuyến ra khơi họ xài tiền bằng cách ngắt khúc mà không cần đếm, lãi mỗi lần chí ít cũng một trăm triệu đồng. Bây giờ, người nào mạnh vốn nhất cũng nợ một chuyến đi biển, tức khoảng 30 triệu đồng, chưa kể nợ ngân hàng vài trăm triệu. Vay vốn lưu động bên ngoài đã vượt khả năng của họ trong khi ngân hàng rất e dè trong việc giải ngân.

Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Cà Mau Lý Nam Hải, nhìn nhận: “Rất khó tiếp tục giải ngân đại trà như trước vì họ chưa trả được vốn lẫn lãi. Do hình thức vay bằng tín chấp nên ngân hàng chỉ quản lý nợ bằng những chiếc tàu đã đầu tư. Trong khi đó tàu không ra khơi, để tàu nằm bờ đã làm thất thoát tiền tỷ. Nếu chúng tôi thu hồi tàu thì biết để đâu, gửi đâu?” “Những con tàu không rời bến” đang mục nát dần từng ngày bởi sự tàn phá của thời gian và nắng mưa sương gió. Giá trị của nó vì thế cũng từng ngày giảm theo. Điều này không chỉ là một gánh nặng cho chủ đầu tư mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân bởi khoản nợ quá hạn đối với những chủ nhân của nó cứ ngày một lớn dần.

Phải thừa nhận rằng chủ trương cho vay khắc phục hậu quả bão số 5 - 1997 là đúng nhưng cách làm không kỹ, khi có người chưa đánh bắt ngoài khơi lần nào cũng làm dự án xin vay cũng được cho vay. Bởi thế, ngư dân không quen quản lý tàu lớn, không quen đánh bắt xa bờ, nên không phát huy hiệu quả nguồn vốn. Mặt khác giá cả sản phẩm sau mỗi chuyến đi biển luôn biến động bất lợi cho ngư dân, hễ trúng mùa thì mất giá. Sáng tàu này về có nhiều cá thì y như rằng chiều tàu khác về là lỗ nặng. Chi phí nhiên liệu, nước đá cũng làm người dân điên đầu. Giá dầu tăng gần 1.000 đồng/lít, nước đá thì mỗi cây tăng gấp đôi.

Trong khi đó hiệu quả đi biển chỉ bằng 30% so với trước năm 1997. Ngư dân và chính quyền địa phương cùng lao đao. Giờ đây, khi nói tới chuyện tháo gỡ họ đều ngắc ngứ, ậm ừ. Những thị trấn, thị tứ một thời sung túc và được đánh giá có bước phát triển chưa từng thấy ở vùng biển cực Nam tổ quốc đang “rụm” dần. Nhiều người từng gắn bó một thời với những địa danh Sông Đốc, Khánh Hội, Cái Đôi Vàm, Bảy Háp, Gành Hào, Trần Đề... nói trong niềm xót xa: “Với đà làm ăn như hiện nay thì không bao lâu nữa ngư dân nơi đây sẽ được xếp vào diện... nghèo và nợ nhiều nhất nước”.

Được xác định là “mũi nhọn” sau cây lúa nhưng hiện nay ngành đánh bắt thủy hải sản của ĐBSCL vẫn còn quá lạc hậu từ nhân lực cho tới vật lực. Bao giờ thì ngư dân, ngoài kinh nghiệm đánh bắt truyền thống còn kết hợp được với kiến thức, thiết bị hiện đại và sản lượng làm ra có nơi tiêu thụ với giá cao, thành phẩm tinh chế xuất ra nước ngoài như định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng trọng điểm này?

TRƯỜNG – QUỐC

Tin cùng chuyên mục