Tết này không lo thiếu hàng, sốt giá

Chỉ còn hơn một tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Mọi phương án dự trù phục vụ hàng hóa Tết đã được các chợ đầu mối, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh… trên địa bàn TPHCM chuẩn bị xong, chờ ngày “khai hội”. Theo nhận xét chung của các đơn vị, Tết này hàng hóa dồi dào, giá cả ít biến động.
Tết này không lo thiếu hàng, sốt giá

Chỉ còn hơn một tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Mọi phương án dự trù phục vụ hàng hóa Tết đã được các chợ đầu mối, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh… trên địa bàn TPHCM chuẩn bị xong, chờ ngày “khai hội”. Theo nhận xét chung của các đơn vị, Tết này hàng hóa dồi dào, giá cả ít biến động.

Chỉ sợ không bán hết hàng

Ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban Vật giá Sở Tài chính TPHCM, nhận định: “Do có sự chuẩn bị chu đáo từ các doanh nghiệp, chợ đầu mối, siêu thị nên không lo thiếu hụt hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2015, giá cả được giữ ở mức ổn định. Thậm chí, với số lượng, chủng loại hàng phong phú, chỉ sợ doanh nghiệp, tiểu thương không bán hết hàng”.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, thông tin thêm: “Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2015, công ty giết mổ khoảng 46.000 con heo thịt, hơn 4.000 tấn sản phẩm chế biến từ thịt heo, 2.000 con bò. So với cùng kỳ Tết năm 2014, Vissan sẽ tăng lượng hàng cung cấp cho thị trường khoảng 10%”. Ông Văn Đức Mười nhận định, những năm gần đây, người dân hầu như không còn tập quán mua hàng số lượng lớn dự trữ Tết. Hơn nữa, hệ thống cửa hàng, siêu thị cũng mở cửa bán hàng rất sớm, nên khả năng thiếu hụt nguồn hàng, tăng giá… rất khó xảy ra.

Hiện tại, lượng rau củ quả, hải sản… đổ về các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm trên địa bàn TPHCM (Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn) giữ mức ổn định. Tuy nhiên, đại diện những chợ đầu mối này cho biết, cận Tết lượng hàng sẽ tăng khoảng 25% so với ngày thường. Riêng cao điểm Tết (ngày 27, 28 Tết), lượng hàng đổ về tăng từ 50-60%. Cụ thể, tại chợ đầu mối Thủ Đức, lượng rau củ về chợ trung bình 3.000-3.500 tấn/đêm, nhưng cao điểm Tết tăng gấp đôi so với ngày thường, lên 6.000-7.000 tấn/đêm. Tại chợ đầu mối Bình Điền, cao điểm Tết lượng hàng hóa đổ về chợ 3.300-3.600 tấn/đêm.

Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2015, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền cho biết, lượng hàng nông sản đủ sức cung ứng cho thị trường TPHCM trong dịp Tết Nguyên đán 2015. Một số mặt hàng đặc thù như trái cây, lượng hàng tăng dần từ ngày 21 đến ngày 28 Tết, đạt khoảng 739 tấn/đêm, gấp 4 lần so với ngày thường. Thịt heo, lượng hàng tăng dần từ ngày 20 đến 28 Tết, đạt trên 600 tấn/đêm, tăng gần 2,5 lần so với ngày thường.

Trong khi đó, đề phòng tình trạng tăng giá đột biến, cố tình làm giá, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TPHCM, cam kết, chỉ cần địa phương thông báo có biến động giá dịp Tết, Sở Công Thương sẽ kêu gọi các doanh nghiệp bình ổn hỗ trợ “lấp chỗ trống”, đẩy hàng về phân phối ngay.

Đảm bảo chất lượng

Những ngày cuối năm này, HTX Phước An (xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TPHCM), đơn vị cung cấp rau an toàn chuẩn VietGAP cho thị trường TPHCM và các tỉnh lân cận, đang tấp nập chuẩn bị nguồn hàng phân phối cho người tiêu dùng. Ước tính, cận Tết 2015, rau quả của HTX Phước An sẽ tăng sản lượng khoảng 5 tấn/ngày (tương đương bán ra thị trường khoảng 20 tấn/ngày), dự trù tình huống người dân tăng sử dụng rau giáp Tết, trong Tết. Để chắc chắn chất lượng rau quả phân phối tới tay người tiêu dùng đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Võ Thành Dương, Phó Chủ nhiệm HTX Phước An, cho biết, HTX thường xuyên phối hợp các trung tâm, đơn vị chuyên trách của TPHCM (Sở Y tế, Sở Nông nghiệp, Chi cục Bảo vệ Thực vật… ) liên tục kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất rau an toàn của các hộ nông dân. “Từ khâu trồng trọt, chăm sóc đến khi thu hoạch, sơ chế phân phối… đều yêu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không có chuyện làm chơi ăn thiệt, mập mờ trộn lẫn hàng kém phẩm chất vào rau đạt chuẩn đem bán cho người tiêu dùng”, ông Võ Thành Dương cho biết.

Ông Nguyễn Đăng Phú cho biết thêm, ngoài việc tuyên truyền trực tiếp đến các tiểu thương thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm Tết Nguyên đán 2015, Ban Quản lý chợ Bình Điền còn thường xuyên tăng cường lấy mẫu kiểm tra trực tiếp trên rau củ quả, hải sản… Đối với ngành hàng trái cây, chợ Bình Điền kết hợp Chi cục Bảo vệ Thực vật lấy mẫu kiểm tra độc tố bằng phương pháp test nhanh, khoảng 20 mẫu/đêm (tăng 15 mẫu/đêm so với ngày thường). Phía Chi cục Bảo vệ Thực vật cũng kiểm tra bằng phương pháp định lượng (điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phân tích định lượng chỉ tiêu hóa học, kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, chỉ tiêu vi sinh…). Bên cạnh đó, chợ Bình Điền cũng tăng cường kiểm các mặt hàng xuất xứ Trung Quốc nhập về chợ, như trái cây, bông cải để có biện pháp xử lý kịp thời. Riêng các ngày từ 27 đến 30 Tết, chợ Bình Điền phối hợp Công ty Dịch vụ Công ích Bình Chánh vệ sinh thường xuyên, cả ngày với hệ thống mương, cống thoát nước, bề mặt sân chợ, đẩy mạnh công tác tiêu độc, khử trùng bề mặt sân chợ, nhà lồng chợ…

Như vậy, tâm lý hồi hộp, bất an về giá cả, chất lượng sản phẩm… của người dân được dịu bớt khi có sự phối hợp, đồng thuận chung tay của các cấp ngành, doanh nghiệp trong việc duy trì phân phối, ổn định giá cả thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2015.

Huyện Cần Giờ tăng cường quản lý phân phối hàng Tết

Ông Đoàn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, TPHCM, cho biết, sức mua trước Tết Nguyên đán (từ 5-6 ngày) thường tăng 30-40%. Doanh thu cao điểm Tết (5-6 ngày) ước đạt 100 tỷ đồng. Nhìn chung, người dân trên địa bàn huyện không còn dự trữ nhiều hàng hóa Tết như trước, ngược lại, họ mua sắm đủ dùng cho 1-2 ngày Tết. Sau đó, hết hàng có thể ra các điểm chợ, siêu thị mua ngay, vì phần lớn điểm bán hàng bình ổn khởi động bán Tết sớm. Dự báo hiện tượng nhảy giá, thiếu hàng rất khó xảy ra. Tuy vậy, huyện Cần Giờ vẫn chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, tăng cường quản lý khâu phân phối hàng Tết đến bà con. Ngoài ra, huyện cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp bình ổn thị trường như Công ty Cổ phần TM-DV Cần Giờ, Co.opMart Cần Giờ… tổ chức bán hàng lưu động (các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, đường, bột nêm, nước rửa chén…) phục vụ người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng thưa dân cư.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục