Tết ở bản A rem

Bánh Tapeng arua thủy chung
Tết ở bản A rem

Cơn mưa rừng của cái lạnh cắt da xuyên tết không cản bước đường đến với người anh em A rem giữa lõi rừng di sản Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình)...

Người A rem làm bánh Tapeng arua.

Người A rem làm bánh Tapeng arua.

Bánh Tapeng arua thủy chung

Mùa tết năm nay, 333 nhân khẩu người A rem xã Tân Trạch được nhận quà tết của nhiều nguồn. Mỗi khẩu được 8kg nếp, mỗi hộ được tặng 1kg thịt heo và thuốc lá, trà ngon, chăn ấm… Chính vì thế, bài cúng mùa tết mới của người uy tín nhất tộc A Rem của Đinh Rầu báo cáo với ma nhà và ma rừng rằng: “Năm nay cái gạo được nhiều người cho, cái nếp được bà con khắp nơi biếu, cái chăn được anh em mọi miền tặng từng nhà, báo cáo ma nhà, ma rừng để phù trợ sức khỏe cho những người có tấm lòng tình nghĩa, ăn ra làm nên để hỗ trợ người khó, người nghèo”.

Giữa bản A rem, bếp lửa nhà sàn Đinh Đan được nhóm lên, ánh lửa tí tách, từng cuộn khói nghi ngút bốc lên từ cội rễ cây rừng. Lá cờ Tổ quốc bay phần phật trên cây nêu. Căn nhà của Đinh Đan đang đón tết. Cả 75 căn nhà của người A rem cũng treo cờ Tổ quốc, giữa mênh mông núi rừng, màu đỏ thắm của màu cờ in rõ, đậm nét niềm tự hào xuân mới. Đinh Đan vót từng thanh lạt, dùng lá dong gói chiếc Tapeng arua, chiếc bánh hình vuông. Mỗi lần gói chỉ đổ vào một bát gạo nếp, không có nhân, cứ xong hai cái Tapeng arua, Đinh Đan lại ốp chúng vào nhau, gói chặt lại bằng hai chiếc lạt từ ống dang già lấy bên bìa rừng. Đó là chiếc bánh truyền thống mỗi mùa lễ trọng của người A rem, chiếc bánh đẫm hương vị mặn nồng, ấm cúng như chiếc bánh chưng của anh em người Kinh. Nhưng nó khác là nhỏ hơn.

Chiếc bánh hình vuông, biểu tượng của trời và đất theo thế giới quan của người A rem. Xưa xa trong ý niệm của người A rem, trời hình vuông và đất cũng hình vuông. Mọi vật đều tinh khiết, trắng trong như gạo nếp trên rẫy. Lòng người cũng trắng trong như thế, nên chiếc Tapeng arua được sinh ra để tổ tiên dạy bảo con cháu nhớ về tích xưa đất cũ của người A rem.

Người A rem cho rằng, tổ tiên họ có người con trai tên là Đinh, con gái tên là Y, hai người sinh ra từ đất và trời. Họ yêu nhau, thắm thiết như chim trên núi, chung thủy như cá của suối. Hai người đến với nhau, Giàng nói phải có lễ vật. Người con trai và người con gái cùng suy nghĩ, họ không có thổ sản quý hiếm, chỉ có chiếc bánh vuông là cái quý của gia tài lao động. Họ gặp nhau trong thung lũng, Đinh đưa ra sản vật cầu hôn, Y đáp lại lễ vật của mình, ráp vào nhau, một khuôn y hệt. Từ đó họ sinh con đẻ cái, làm cái Tapeng arua mỗi mùa lễ trọng và dạy con cháu biết thủy chung, thương yêu để nhớ về tổ tiên.

Nhớ ơn thần ong

Tộc người A rem tuy còn nhiều khó khăn và tập tục lạc hậu, nhưng nhiều đặc tính của họ rất đáng học hỏi. Tôn trọng tự nhiên là câu chuyện không phải nơi nào cũng có thể thực hiện toàn tâm và bền bỉ như người A rem. Trong tiềm thức của họ, ong là loài chăm chỉ và thông minh cần phải học hỏi. Núi rừng sâu thẳm cho người A rem túi khôn nương tựa vào tự nhiên. Vậy nên sau ba ngày tết, họ bắt đầu cúng tết thần ong. Với họ, ong thể hiện sự minh mẫn và tài ba, sức khỏe và tình yêu. Đinh Đe giải thích, ong dạy cho người A rem nhận biết những thảo quả của rừng, dạy cho người A rem biết các loài hoa, dạy cho người A rem biết vượt núi băng rừng tìm cái cần tìm.

Trên các lèn đá dựng đứng, từng đàn ong làm tổ qua các cây cao chót vót, mỗi tổ ong được người A rem nhìn nhận như một trí tuệ riêng của thần rừng. Chất mật của hàng trăm ngàn con ong đưa về tổ là biểu trưng của sự cần mẫn. Mùa hoa nở ong biết chọn các nhụy hoa tinh khiết bên khe suối là sự minh mẫn của loài vật nhỏ bé. Với biểu tượng sức khỏe và tình yêu là bởi mật ong chữa được bệnh tật và đưa lại tình cảm thắm đượm tình người khi trở thành quà biếu cho cháu con.

Ong cho người A rem rất nhiều thứ. Họ có tết cúng thần ong. Sau buổi cúng, họ đi tìm tổ ong. Người A rem phát hiện và đánh dấu nơi có tổ ong vào thân gỗ bằng hai dấu chéo, sau đó về bản, báo cáo trưởng bản, và cử các thanh niên khác đi theo giúp đỡ. Người A rem thường lấy mật ong vào ban đêm. Họ không lấy toàn bộ mật, chỉ lấy chừng một nửa để mùa năm sau trở lại. Họ không bao giờ khai thác triệt để bởi theo như Đinh Rầu, “lấy hết sẽ bị thần rừng, thần ong phạt, không thể tìm được tổ ong nào vào mùa săn ong mới. Chỉ lấy đủ dùng cho một nhóm người phát hiện ra”.

Không chỉ với ong, người A rem cũng từ tốn với các cây cối khác của rừng, sản vật họ chỉ lấy vừa phải, không lấy thêm để đợi cho mùa sinh sôi năm sau. Người A rem không bao giờ phá rừng. Trước kia sống lang thang, họ ở trong hang đá, thức ăn chủ yếu là săn bắt, hái lượm. Đối với họ, để cải thiện bữa ăn, thịt thú rừng được chia kế hoạch săn bắn rất tỉ mỉ, nửa năm đầu cả cộng đồng chỉ bắt vài ba con khỉ, nửa năm cuối là thịt heo rừng không quá 3 con. Người A Rem còn xuống suối mò ốc, bắt cá nhỏ bằng tay.

Tết về với người A rem để biết thêm về tình yêu thiên nhiên của họ. Họ xứng đáng là bậc thầy về sự ứng xử với tự nhiên.

Minh Phong

Tin cùng chuyên mục