
Không khí tết ở miền hải đảo không nhộn nhịp, hối hả, ngược xuôi như đất liền, nhưng không kém phần vui tươi đầm ấm, ngoài thực phẩm, bánh mức đưa từ đất liền ra, nhân dân và các đơn vị bộ đội đã chuẩn khá chu đáo những hương vị đặc sản của biển cả, núi rừng để vui xuân đón Tết, nhất là tại đảo Thổ Châu, một hòn đảo tiền tiêu xa xôi nhất phía tây nam Tổ quốc.
- Phía sau nhiệm vụ
Thổ Châu là một trong 8 đảo của quần đảo Thổ Châu, hiện nay là Trung tâm hành chính của xã Thổ Châu thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Nếu tính theo đường chim bay, Thổ Châu cách thành phố Rạch Giá khoảng 192km. Việc đi lại từ Thổ Châu về đất liền gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay kinh tế chủ yếu trên đảo là đánh bắt hải sản, dịch vụ. Đời sống của các đơn vị bộ đội đóng trên đảo cũng trong điều kiện trương tự như thế. Khó khăn vẫn là giá thực phẩm khá đắt đỏ, đặc biệt là những lúc không có tàu đò (hiện nay mỗi tuần có một chuyến tàu sắt từ Rạch Giá-Phú Quốc ra Thổ Châu và ngược lại).
Thông thường thực phẩm tại chợ ở Bãi Ngự đã đắt so với trong đất liền, nếu gặp lúc biển động, tàu đò cả tháng không ra thì giá sẽ đẩy lên rất cao, thậm chí gấp 1,5 đến 2 lần. Chưa hết thời tiết ở đây mưa ít, nắng nhiều, đặc biệt là vào mùa khô ở những khu vực có độ cao, việc thiếu nước là chuyện xảy ra như cơm bữa.
Thế là Bộ đội ở những đơn vị như cụm H, H3,H4 muốn tắm giặt phải đi xa 3-4 cây số, khi về lại xách theo 10-20 lít nước để bổ sung nước sinh hoạt cho đơn vị, nhất là phục vụ cho việc nấu nướng. Anh UôngThiện Hoàng, Chỉ huy phó chính trị thứ nhất cụm B cho biết như vậy.
Tuy nhiên, những khó khăn vật chất ấy sẽ không thể nào sánh được với sự thiếu thốn tình cảm. Hầu hết cán bộ chiến sỹ đều xa gia đình nên hàng tuần ai cũng mong mỏi khắc khoải chờ từng chuyến tàu ra đảo. Trên đó có thể là sách, báo, tạp chí và những cánh thư đầy nhớ thương của người thân gia đình.
Gần đây, đảo đã có sóng truyền hình và khoảng tháng 4 năm 2005 sóng di động đã phủ sóng tới đây nên đã làm giảm phần nào nỗi đau thiếu thốn ấy...Song, mỗi người vẫn cảm thấy thiếu một cái gì đó. Cuộc sống mỗi con người, bên cạnh lý tưởng, hầu như ai cũng có tình cảm. Nhất là đối với nhiều chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại đây. Gia đình, bạn bè, người yêu đều ở xa, vì thế ngoài nhiệm vụ, bên cạnh họ chỉ có đồng dội và nhân dân địa phương.
Song không phải lúc nào cũng thế. Nhiều đơn vị do điều kiện đóng quân xa, trên đồi cao, đi lại rất khó khăn, nên ít có dịp giao lưu, gặp gỡ để tìm hiểu, vì thế một số cán bộ, chiến sỹ trên đảo vẫn là "lính phòng không"! Có anh dù đã công tác hơn chục năm, tuổi gần 40 nhưng khi được hỏi về chuyện vợ con thì nhận được cái lắc đầu và một nụ cười. Có anh có vợ, nhưng thời gian về phép ít ỏi và vẫn chưa kịp có con.
-
Lính đảo ăn Tết
Mặc dù phải đối diện với rất nhiều thử thách như thế, nhưng với bản lĩnh của anh bộ đội cụ Hồ, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang trên đảo Thổ Châu đã kiên cường vượt qua để vẫn chắc tay súng, giữ vững nhiệm vụ đã được nhân dân tin cậy gửi gắm. Những ngày giáp tết Bính Tuất, cán bộ chiến sỹ trên đảo tất bật chuẩn bị đón một cái tết nữa xa nhà. Nhưng gặp ai cũng thấy họ cười rất tươi.
Một chiến sỹ trẻ cười: "Quen rồi anh à!" Có lẽ thế, họ đã chuẩn bị tinh thần đón tết khi viết lá đơn tình nguyện gia nhập quân đội. Thượng tá Nguyễn Đồng Bính, Bí thư Đảng ủy, Đảo phó chính trị đảo Thổ Châu cho biết : "Chúng tôi coi việc chuẩn bị đón tết cũng là một nhiệm vụ, với một tinh thần đảm bảo đón tết vui tươi lành mạnh, đoàn kết, phấn khởi, sẵn sàng chiến đấu cao và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Hiện nay công tác chuẩn bị cơ bản là tốt cả về vật chất lẫn tinh thần". Cộng với khoản chi thêm từ vốn tăng gia thêm của anh am nên nói chung tết này sẽ ăn khá hơn.
Thượng tá Nguyễn Đồng Bính còn cho biết thêm: Đời sống tinh thần cán bộ chiến sỹ trên đảo luôn được cấp trên chú ý bằng việc tăng cường sách, báo, tài liệu để giải trí vừa nâng cao kiến thức. Tất cả các đơn vị đều có các phương tiện nghe nhìn đầy đủ. Ngoài ra các đơn vị sẽ tham gia vào các hoạt động văn hóa thể thao do UBND, các tổ chức đoàn thể xã tổ chức. Đây là dịp để cán bộ chiến sỹ vui chơi, giao lưu với bà con nơi đóng quân và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân dân.
Trung sĩ Nguyễn Tuấn Dương 24 tuổi ở đơn vị cụm B tâm sự "Tôi đã 2 năm ăn tết trên đảo. Tết đến vẫn nhớ gia đình nhưng vì nhiệm vụ nên tôi xác định mình phải hy sinh cái riêng của mình để bảo vệ cái chung". Dương kể, tết ở đây thích nhất là đi lấy mai. Hai tuần trước tết đơn vị tổ chức đi chặt mai trên rừng về chưng. Và ai cũng dành đi vì muốn góp một phần công sức vào cái tết chung của đơn vị lại vừa được ngắm thỏa thê cảnh rừng lúc vào xuân.
Đặc biệt là những ngày gói bánh để ăn tết. "Lúc ấy vui lắm- người chiến sĩ mới 20 tuổi quê Thái Bình, Nguyễn Đức Biệt bộc bạch: " anh em người xung phong đi tìm lá chuối rừng, người gói bành chưng, bánh tét. Đặc biệt là lúc nấu bánh mùi lá, mùi bánh lan tỏa, hòa huyện trong không gian tĩnh lặng của núi rừng, của gió lạnh mà nghe lòng rất nhớ nhà".
Có một chi tiết khá đặc biệt khiến tôi thắc mắc là nhiều cán bộ chiến sĩ ở đảo rất vui khi được trực tết. Trong khoảnh khắc giao thừa, đa số chúng ta sẽ được quây quần bên gia đình. Người thân để chào đón năm mới vậy mà ở đây nhiều chiến sĩ lại phải chắc tay súng trong phiên gác cuối năm. Hỏi kỹ lại mới hay, đây vừa là nhiệm vụ vừa là một niềm vinh dự lớn. Có là cán bộ chiến sĩ gương mẫu thì mới được phân công. Và hạnh phúc nhất khi đó là được các thủ trưởng đến tận từng vọng gác trong giờ khắc ấy bắt tay, thăm hỏi, tặng qùa.
Năm nào cũng vậy, dịp giao thừa là mọi người lại quây quần bên nhau để bình báo tường, hái hoa dân chủ, văn nghệ rồi nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc tết trên truyền hình. Một cán bộ cụm B bộc bạch: "Lúc đó tự dưng ai cũng muốn xích lại gần nhau. Mọi người không ai nói với ai câu gì. Nhiều chiến sĩ cứ ôm nhau mà đôi mắt thì đỏ hoe".
Có một dịp được chứng kiến những chiến sĩ nơi đất đảo tiền tiêu phía Tây Nam chuẩn bị đón tết mới thấy hết một cái tết lính như thế nào. Dẫu cũng còn thiếu thốn, chưa trọn vẹn nhưng lại rất giản dị và nên thơ.
V.Q (Theo TTXVN)