Thách thức kiếm tiền qua mạng

Kiếm tiền qua mạng xã hội không còn là câu chuyện mới của giới trẻ, tuy nhiên để trụ vững trong cuộc đua này, không ít thử thách đặt cho các bạn trẻ chọn con đường làm KOLs, Vlogger, YouTuber… Bài toán “1m2 - 10 KOLs” đang là một thách thức mà bạn trẻ phải “cân” được trước khi kiếm được tiền.
Hình ảnh giới thiệu sản phẩm luôn được các KOLs trau chuốt
Hình ảnh giới thiệu sản phẩm luôn được các KOLs trau chuốt

Thu nhập khủng

Vài năm trở lại đây, KOLs hay influencer dần trở thành công việc thịnh hành trong giới trẻ nhất là thế hệ gene Z (sinh từ sau năm 1997), gene Y (sinh từ năm 1981 đến 1996). Đặc biệt, mùa lễ hội cuối năm cùng không khí Tết Nguyên đán cận kề được xem là thời điểm vàng để công việc này hái ra tiền.

KOLs hay influencer được hiểu đơn giản là “người có ảnh hưởng” (KOLs là viết tắt của cụm từ “Key opinion leader”, tạm dịch: người dẫn dắt dư luận). Nghề KOLs được hiểu như liên kết trung gian kiếm tiền, người làm KOLs thu nhập từ hoa hồng giới thiệu sản phẩm. Mỗi bài viết hoặc video giới thiệu sản phẩm họ luôn kèm theo link mua hàng online và mã giảm giá (thường là tên của các KOLs). Người xem vào đường link đó mua hàng và dùng mã giảm giá các KOLs đưa ra, mỗi sản phẩm bán ra, các KOLs sẽ có thêm phần hoa hồng bên cạnh thù lao từ việc giới thiệu sản phẩm.

Trước đây, công việc này thường chỉ gắn với người nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí, vì họ có lượng theo dõi đông đảo trên mạng xã hội từ người hâm mộ. Nhưng trong xu thế hiện nay, bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào. Một bạn trẻ bình thường hay bà mẹ bỉm sữa sở hữu hàng chục ngàn lượt theo dõi qua clip một ngày, nhưng lại sở hữu tài khoản 200.000 lượt like cũng là điều dễ hiểu, bởi cái duyên trong cách nói chuyện và thể hiện ở các video… Điều này giúp các bạn trẻ nhanh chóng sở hữu nhiều lượt theo dõi, trở thành KOLs và bắt đầu kiếm tiền từ mạng xã hội. Tuy nhiên, làm công việc này đòi hỏi bạn trẻ phải thật nỗ lực trong sáng tạo nội dung và có duyên trong cách thể hiện thì mới có thể trụ lại trong cuộc đua đường dài.

Đa phần các KOLs hiện nay đều không công khai thu nhập, nhưng nhìn qua lượt theo dõi và lượt like ở mỗi bài viết, con số này không nhỏ. “Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi cũng chật vật qua vài công việc. Lúc mới giới thiệu sản phẩm, thù lao không nhiều vì trang cá nhân chưa nhiều lượt tương tác, nhưng bây giờ thì đã ổn. Thu nhập từ công việc đủ để mình đầu tư lại vào các thiết bị quay và dựng video tốt hơn. Nghề KOLs muốn làm được, bản thân phải học cách ăn nói duyên dáng và mình cũng phải có duyên với nghề thì mới theo được”, Thanh Yến (26 tuổi, ngụ quận 12, KOLs mỹ phẩm với hơn 411.000 lượt theo dõi trên trang cá nhân) cho biết.

Áp lực cạnh tranh

Để có thể kiếm tiền nghiêm túc và sống được bằng nghề KOLs, bạn trẻ phải chấp nhận cuộc chơi sáng tạo nội dung và nhiều cạnh tranh. “Chỉ tính về các loại mỹ phẩm dành cho bà bầu thì đã có vài ngàn tài khoản viết bài giới thiệu, đủ thấy áp lực cạnh tranh trong công việc này rất lớn. Cũng may, tôi tạo cho mình một thương hiệu mỹ phẩm handmade riêng, bây giờ chủ yếu giới thiệu và bán mỹ phẩm do mình sản xuất nên cũng đỡ áp lực trong việc làm nội dung video”, Thanh Yến chia sẻ thêm.

Thách thức kiếm tiền qua mạng ảnh 1 Thiết bị quay phim, chụp ảnh được các KOLs đầu tư để có thể làm video, hình ảnh chất lượng nhất cho quảng cáo sản phẩm
Cùng là một sản phẩm nhưng theo nhiều KOLs, việc giới thiệu, sáng tạo nội dung hoàn toàn không “dễ ăn”. Lê Trọng Hưng (22 tuổi, ngụ quận 8, food blogger và stylist) kể: “Làm video với các nhãn hàng đôi khi rất áp lực, đầu tư thiết bị quay để hình ảnh chất lượng đã đành, viết nội dung nhiều lúc rất đau đầu. Họ thuê nhiều KOLs giới thiệu nên mình phải cố gắng lên ý tưởng không bị trùng, video quảng cáo phải có cái chất riêng của mỗi KOLs thì mới có thể giữ chân được người xem”.

Được đào tạo bài bản về mỹ phẩm, Tấn Duy (23 tuổi, beauty blogger với hơn 307.000 lượt theo dõi trên YouTube) không chỉ chia sẻ các video về mỹ phẩm mới, Duy lập hẳn một website để chia sẻ các bài viết phân tích cụ thể về thành phần trong các dòng sản phẩm dưỡng da cũng như công nghệ dưỡng da mới. “Tôi nghĩ công việc nào cũng có áp lực cạnh tranh, nhưng trong lĩnh vực KOLs thì áp lực lớn vì nhiều bạn bây giờ rất nhanh nhạy trong môi trường mạng xã hội. Để có thể trụ lại, bản thân mình phải thật sự là gương mặt KOLs tin cậy, vì người xem bây giờ rất tinh ý nếu mình giới thiệu quá lố về tính năng sản phẩm, lập tức sẽ có bình luận báo xấu từ người xem”, Tấn Duy chia sẻ.

Để có thể kiếm tiền một cách nghiêm túc và sống được với nghề KOLs, nhiều bạn trẻ cũng tận dụng lượt theo dõi đông đảo để thành lập và quảng bá thương hiệu mỹ phẩm riêng như Thanh Yến hay Tấn Duy kinh doanh ngay trên website cá nhân. “Website để tôi chia sẻ những bài viết cụ thể và chuyên sâu hơn về mỹ phẩm, người xem có thể đọc bài và mua hàng ngay trên web không cần phải tìm mua sản phẩm ở những trang thương mại điện tử khác”, Duy cho biết.

Với sự nhạy bén của người trẻ với công nghệ, chuyện kiếm tiền cũng trở nên rộng mở hơn. Tuy nhiên, mỗi công việc đều có thử thách, chấp nhận thu nhập khủng thì phải học cách “cân” được những áp lực và sáng tạo nội dung không ngừng nghỉ.

Tin cùng chuyên mục