Thảm họa sập cần cẩu ở Thánh địa Mecca: Thiên tai hay nhân tai?

Tính đến ngày 12-9, số người thiệt mạng trong vụ sập chiếc cần cẩu khổng lồ tại Đại Thánh đường của Thánh địa Mecca ở Saudi Arabia đã lên đến ít nhất 107 người và 238 người bị thương. Hiện giới chức Saudi Arabia đang tiến hành điều tra để xác định liệu nguyên nhân dẫn đến sự cố sập cần cẩu có phải do mưa bão lớn như thông tin ban đầu.
Thảm họa sập cần cẩu ở Thánh địa Mecca: Thiên tai hay nhân tai?

Tính đến ngày 12-9, số người thiệt mạng trong vụ sập chiếc cần cẩu khổng lồ tại Đại Thánh đường của Thánh địa Mecca ở Saudi Arabia đã lên đến ít nhất 107 người và 238 người bị thương. Hiện giới chức Saudi Arabia đang tiến hành điều tra để xác định liệu nguyên nhân dẫn đến sự cố sập cần cẩu có phải do mưa bão lớn như thông tin ban đầu.

Vô số cần cẩu lơ lửng trên đầu khách hành hương

Số thương vong chưa dừng

Hơn 50 đội cứu hộ và 80 xe cứu thương đã được huy động đến Đại Thánh đường nhằm nỗ lực cứu hộ người bị nạn. Theo kênh truyền hình Al Arabiya, chiếc cần cẩu khổng lồ màu đỏ bất ngờ đổ sập vào thời điểm hàng trăm ngàn tín đồ Hồi giáo đang cầu nguyện trong lễ cầu nguyện Ngày thứ sáu. Cơ quan Bảo vệ dân sự Saudi Arabia ước đoán số thương vong sẽ tiếp tục tăng. 

Truyền thông địa phương cho biết, một cơn bão mạnh đi qua thành phố Mecca vào khoảng 4 giờ chiều (giờ địa phương) đã làm bật gốc cây và phá vỡ nhiều kính cửa sổ tại Thánh địa Mecca. Trước khi chiếc cần cẩu sập xuống, một trận mưa lớn bất thường đã đổ xuống Mecca, đi kèm gió với tốc độ lên tới 83 km/giờ. Cần cẩu rơi vào khoảng thời điểm nhà thờ Hồi giáo có rất đông người. Theo nhiều nhân chứng, nếu không nhờ chiếc cầu Al-Tawaf, chiếc cầu dành cho người thoát hiểm có mái che bao quanh thánh đường, thì con số thương vong sẽ còn tồi tệ hơn nữa vì chiếc cầu này đã đỡ cần cẩu lúc sập.

Hình ảnh được cho là chiếc cần cẩu bị sét đánh

Trong lúc này, các nhà hoạt động trực tuyến đang vận động mọi người ở khu vực Thánh địa Mecca khẩn trương đến các bệnh viện hiến máu cứu người. Danh tính và quốc tịch các nạn nhân vẫn chưa được công bố. Theo hãng thông tấn SPA của Saudi Arabia, ước tính khoảng 800.000 người hành hương đã đến Thánh địa Mecca vào Ngày thứ sáu.

Quá tải nỗ lực giảm tải Thánh địa Mecca

Trong quá khứ, Thánh địa Mecca đã từng chứng kiến nhiều thảm họa thương vong lớn do lũ lụt, giẫm đạp, hỏa hoạn... mà tang thương nhất là vụ giẫm đạp vào năm 2006 khiến gần 350 người thiệt mạng. Trong những năm gần đây, khu vực linh thiêng này gần như “miễn nhiễm” với các sự cố nhờ những công trình hàng tỷ USD cải tạo, nâng cấp và mở rộng mạng lưới giao thông, cơ sở hạ tầng, các điều kiện lưu trú cho đám đông người hành hương... được Chính phủ Saudi Arabia bắt đầu thực hiện từ năm 2014. Một trong những dự án trên là mở rộng quy mô lớn nhằm tăng diện tích khu vực Đại Thánh đường thêm 400.000m² để có thể chứa tới 2,2 triệu người. Tuy nhiên, mặc dù đã áp dụng một số biện pháp để hạn chế số người đổ về thánh địa vì lý do an toàn liên quan đến việc xây dựng và mở rộng Đại Thánh đường, vẫn có đến hơn 2 triệu người Hồi giáo đổ về Thánh địa Mecca trong dịp lễ hành hương Hajj linh thiêng năm 2014.

Công việc mở rộng thánh đường do Tập đoàn Binladin, một tập đoàn công nghiệp lớn của Saudi Arabia, thực hiện. Một vài dự án xây dựng khác cũng đang thi công ngay gần Đại Thánh đường.

Người đứng đầu vùng Mecca, Hoàng tử Khaled al-Faisal, đã ra lệnh mở cuộc điều tra để đánh giá thiệt hại và mức độ an toàn của khu vực xung quanh hiện trường vụ sập cần cẩu. Trong khi đó, ông Irfan al-Alawi - đồng sáng lập Tổ chức Nghiên cứu di sản Hồi giáo ở Mecca -  đổ lỗi cho nhà chức trách đã bất cẩn dẫn đến vụ tai nạn. Ông al-Alawi so sánh thảm họa này như một vụ đánh bom và dẫn chứng cần cẩu bị sập chỉ là một trong số hàng loạt chiếc nhìn thấy quanh hiện trường và đang phủ bên trên Đại Thánh đường. Theo ông này, “các công trình mở rộng thánh đường không quan tâm đến di sản, không cần biết đến sức khỏe và sự an toàn của con người”

HẠNH  CHI (tổng hợp)

- Thông tin liên quan:

>> Sập cần cẩu ở Mecca, hơn 200 người thương vong

Tin cùng chuyên mục